CHÍNH PHỦ ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT NHÀ GIÁO VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

06/10/2023

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

TIỀN LƯƠNG CHO ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO CÒN THẤP SO VỚI NHU CẦU THỰC TẾ CỦA CUỘC SỐNG

XÂY DỰNG LUẬT NHÀ GIÁO: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ VỮNG CHẮC VÀ TOÀN DIỆN BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÀ GIÁO

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. 

Chính phủ vừa có tờ trình số 435/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Liên quan đến đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ,  việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong công tác giáo dục nói chung, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Bên cạnh đó, thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc quản lý đội ngũ nhà giáo đòi hỏi đổi mới quản lý, trên cơ sở một khung pháp lý thống nhất. Trong những năm gần đây, đội ngũ nhà giáo đã được quan tâm, nhưng thực tế vẫn còn không ít bất cập cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng nhà giáo. Việc quản lý nhà giáo còn nhiều vướng mắc, bất cập như: chưa có đầy đủ quy định để quản lý nhà giáo ngoài công lập; việc coi nhà giáo ngoài công lập như người lao động bình thường và chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Lao động là không phù hợp; việc giao thoa giữa quản lý ngành và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ theo pháp luật hiện hành đã tạo ra những bất cập trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo; việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục theo Luật Viên chức còn nhiều khó khăn;…

Các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng bộ, toàn diện, một số quy định quan trọng chưa được thể hiện ở tầm luật. Tuy số lượng văn bản có nội dung quy định về nhà giáo nhiều nhưng các quy định này còn tản mạn, thiếu đồng bộ, bất hợp lý, chất lượng không cao. Thực tế, mặc dù ở Việt Nam đã có Luật Viên chức và nhà giáo chiếm 70% tổng số viên chức toàn quốc, nhưng Luật Viên chức không thể đáp ứng đặc thù nhà giáo và không điều chỉnh đối với nhà giáo ngoài công lập. Về Luật chuyên ngành, cả Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp đều có chương riêng về nhà giáo nhưng quy định còn chung chung, chưa phản ánh rõ nét tính chất và yêu cầu đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo. Nếu cụ thể hóa nội dung nhà giáo trong Luật Giáo dục thì sẽ phá vỡ cấu trúc, mất cân xứng của các Luật này. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo chưa được thể chế hóa đầy đủ; một số quan hệ quan trọng chưa được điều chỉnh hoặc quy định chung chung, mờ nhạt, chưa hình thành khung pháp lý đồng bộ và toàn diện trong việc nâng cao động lực và năng lực nhà giáo.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (ảnh minh họa)

Đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi những quy định phù hợp: Nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đặt ra yêu cầu cần có môi trường làm việc, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp tạo thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề và tâm huyến với nghề; tạo điều kiện cho sự phát triển sáng tạo, trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước, nhưng do chưa được luật hóa đầy đủ nên còn bất cập trong việc khắc phục tình trạng gia tăng người giỏi không muốn vào ngành sư phạm, nhà giáo bỏ việc.

Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo: Nhìn chung các quốc gia hiện nay đều ban hành Luật về nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cả công lập và tư thục, với tư cách là nguồn nhân lực chất lượng cao quan trọng của đất nước. Trong đó, có thể khái quát thành 03 mô hình cơ bản bao gồm: (1) Xây dựng và ban hành Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo; (2) Xây dựng một chương hoặc một quyển về nhà giáo trong Bộ Luật Giáo dục; (3) Ban hành luật nhằm thể chế hóa một số chính sách đặc trưng của nhà giáo. Với xu hướng quốc tế hoá giáo dục, việc lựa chọn kinh nghiệm quốc tế phù hợp trong việc xây dựng chính sách và pháp luật về nhà giáo là cần thiết.

05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm:

- Định danh nhà giáo;

- Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo;

- Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo;

- Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo;

- Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được nghiên cứu, hoàn thiện, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024)./.

Trọng Quỳnh