PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC: QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI SÂU RỘNG KẾT QUẢ HỘI NGHỊ LẦN THỨ 8 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

09/10/2023

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, kết quả Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa căn bản và lâu dài, cần nhận thức sâu sắc và phải được các cấp ủy đảng quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân để cụ thể hóa thành động cụ thể thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, đạt và vượt các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

THÔNG BÁO HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

BẾ MẠC HỘI NGHỊ LẦN THỨ 8 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

Sau 7 ngày (02-08/10) làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng 8/10. Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao đối với 7 vấn đề: (1) Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 – 2024; (2) Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội; (3) Về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới; (4) Về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới; (5) Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; (6) Về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031; (7) Một số vấn đề quan trọng khác.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Quan tâm theo dõi các hoạt động của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; bài phát biểu khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: 7 vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong phiên Bế mạc của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hàm chứa đầy đủ, toàn diện các vấn đề đặt ra tại Hội nghị. Các vấn đề đưa ra thảo luận tại Hội nghị không chỉ có ý nghĩa ở Hội nghị trung ương mà còn đặt ra những vấn đề lâu dài. Bởi Trung ương đã quyết định bàn hành một số Nghị quyết, như Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức; Nghị quyết Nghị quyết mới của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Trong đó, Nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới, phát triển tư tưởng của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX. Trung ương nhấn mạnh, tong tình hình mới, vấn đề đại đoàn kết dân tộc cần tiếp tục được đề cao và nhấn mạnh để đạt được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu ra đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2045.

Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới hiện nay cũng được kế thừa và phát triển Nghị quyết Trung ương 7 khóa X. Đây cũng là vấn đề lớn, bởi đất nước đang trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong điều kiện cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần có đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về chính sách đãi ngộ, sử dụng nhân tài đối với đội ngũ trí thức trong điều kiện hiện nay.

 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng, Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là tiếp tục phát triển Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là giải quyết thấu đáo, tốt đẹp những vấn đề về chính sách xã hội cho Nhân dân, hướng tới con người là trung tâm, làm cho tất cả mọi người được sung sướng, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đấy chính là chủ nghĩa xã hội khoa học.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, thực chất chính sách xã hội là chính sách đối với con người, bản chất của chủ nghĩa xã hội có tốt đẹp hay không cần cụ thể bằng các chính sách về xã hội. Vì vậy, việc Trung ương tập trung trí tuệ, thảo luận và đưa vào những vấn đề mới để thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội toàn diện, đồng bộ, thiết thực để không ai bị bỏ lại phía sau.

Phát triển quan điểm của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh những vấn đề mới đặt ra hiện nay. Đó là xu hướng hòa bình, hữu nghị, hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo, nhưng tình hình thế giới, xung đột, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến động kinh tế - xã hội trên thế giới diễn biến phức tạp và khó lường; trong nước, bên thành tựu, thuận lợi, cũng tiềm ẩn các nguy cơ, bất ổn. Vì vậy cần có tư duy mới, nhận thức mới về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay như thế nào để phù hợp với thực tiễn trong nước và thế giới. Bên cạnh tự lực, tự cường, Trung ương cũng nhấn mạnh và đề cao tư tưởng hòa bình, thân thiện, hữu nghị với các quốc gia trên thế giới; nhấn mạnh kết hợp chặt chẽ thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa…

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu rõ, 4 vấn đề được Trung ương ban hành nghị quyết mới không chỉ là vấn đề của một Hội nghị Trung ương, mà là vấn đề lớn, chiến lược của Đảng, của đất nước. Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đến vấn đề về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031 và một số vấn đề quan trọng khác.

“Những nội dung này đều có ý nghĩa căn bản và lâu dài, cần nhận thức sâu sắc và phải được các cấp ủy đảng quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các ngành, các lĩnh vực về nội dung của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đặc biệt là bài phát biểu trong phiên Bế mạc của Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng để cụ thể hóa thành hành động, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, đạt và vượt các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Lan Hương