Trách nhiệm của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG và các bộ ngành, địa phương
Thực hiện Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 và Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, đến nay Đoàn giám sát đã hoàn thành nội dung, kế hoạch giám sát theo Nghị quyết Quốc hội và chương trình đề ra, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Đề cập về kết quả thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, Đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, kết quả thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo hàng năm tuy đạt và vượt mục tiêu được giao song chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm. Một số văn bản của CTMTQG giảm nghèo bền vững tuy đã được ban hành nhưng vẫn có khó khăn, vướng mắc, các địa phương kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung (như Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Những hạn chế của CTMTQG giảm nghèo bền vững còn có một số nguyên nhân chủ quan, gắn trách nhiệm các cơ quan (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt kết quả thấp; không giải ngân hết các nguồn vốn của Chương trình trong năm 2023. Việc lồng ghép vốn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện chưa hiệu quả. Chưa thực hiện triệt để nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình. Chưa có giải pháp phù hợp để công tác giảm nghèo được bền vững…
Từ những bất cập nêu trên, Đoàn giám sát cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan chung của tình hình quốc tế và trong nước, trong đó có tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong năm 2021-2022, những hạn chế của CTMTQG giảm nghèo bền vững còn có một số nguyên nhân chủ quan, gắn trách nhiệm các cơ quan như:
- Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan trong CTMTQG giảm nghèo bền vững còn có hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là việc ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền.
- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, vai trò của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo còn có hạn chế, nhất là tham mưu, điều hoà, phối hợp xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của từ 02 bộ ngành trở lên. Cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chủ yếu kiêm nhiệm. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong giải quyết công việc.
Đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy, các tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua có trách nhiệm của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ quan Chương trình) và các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các công việc được giao theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, cũng có trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện.
Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững
Vì vậy, Đoàn giám sát đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành kiến nghị một số nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững
(1) Đối với Chính phủ, Thủ tướng chính phủ:
Thứ nhất, chỉ đạo rà soát một số nội dung còn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt CTMTQG giảm nghèo bền vững và các VBQPPL khác để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thành trong năm 2023.
Thứ hai, giao chỉ tiêu cho các địa phương, bộ ngành thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, thoát nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần quan tâm đảm bảo tính bền vững, thực chất để chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, sinh kế, thu nhập ổn định, điều kiện sống được cải thiện, không bị rơi vào tái nghèo, cận nghèo (Các Quyết định 90/QĐ-TTG ngày 18/01/2022, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Thứ ba, năm 2023 bố trí tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách tín dụng xã hội hỗ trợ giảm nghèo, nhất là vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo.
Thứ tư, năm 2023 xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giảm nghèo bền vững.
(2) Đối với các bộ, ngành liên quan khác:
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Xây dựng cần khẩn trương rà soát, tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương về giải ngân vốn dự án hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo để đảm bảo cho người nghèo, cận nghèo có nhà ở.
Đồng thời đề nghị Bộ Y tế khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai giải ngân vốn đối với Tiểu dự án 2 về cải thiện dinh dưỡng thuộc Dự án 3.
(3) Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội:
Đoàn giám sát cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội trong quá trình thực hiện Chương trình; đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.