CẦN ĐÁNH GIÁ RÕ HƠN VỀ HIỆU QUẢ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, ĐẦU TƯ CHO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở ĐỊA PHƯƠNG

11/10/2023

Thẩm tra về thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban KHCN&MT cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch giao, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn ở địa phương. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có sự đánh giá rõ hơn về nội dung này.

ĐBQH NGUYỄN VĂN AN: 05 VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM VỀ MÔI TRƯỜNG CẦN ĐƯỢC LƯU Ý ƯU TIÊN GIẢI QUYẾT

QUAN TÂM HƠN ĐẾN CÁC GIẢI PHÁP HỮU HIỆU GIẢM TẢI Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG VÀ TẠI CÁC LÀNG NGHỀ

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức Phiên họp lần thứ 7 với phần thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến hiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong năm 2023, tổng kinh phí sự nghiệp môi trường trung ương là 1.920.000 triệu đồng, đến nay đã được phân bổ 1.475.860 triệu đồng, còn lại 444.140 triệu đồng. Tháng 8/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương đợt 2 năm 2023 gửi Bộ Tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Về thực hiện các nhiệm vụ được giao, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung toàn lực, phát huy sức mạnh tập thể để chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành. Kết quả đáng chú ý là công cụ phòng ngừa ô nhiễm đã được quan tâm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sàng lọc, kiểm soát định hướng, quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường. Bộ đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn,…). Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hình thành được phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, đề cập về phân bổ dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Việc đề xuất sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chưa phù hợp với quy định pháp luật. Còn tình trạng phân định chưa rõ giữa nội dung chi từ nguồn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường và nguồn vốn đầu tư công; việc lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của một số Bộ, cơ quan trung ương còn chậm trễ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Về kinh phí đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch giao, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn ở địa phương; chi đầu tư công cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chưa được tổng hợp đầy đủ theo hệ thống. Đối với dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương năm 2024 là hơn 1.436 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị có số dự toán đề nghị tăng đột biến, mặt khác một số đơn vị lại có số dự toán đề nghị giảm mạnh so với năm 2023. Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ hơn vấn đề này.  

Liên quan đến vấn đề chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, hiện nay, việc phân bổ ngân sách, nguồn lực còn chậm hoặc không hết; việc mua sắm trang thiết bị để đầu tư đầu tư cho bảo vệ môi trường ở các địa phương và các Bộ ngành cũng còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Để giải quyết thực trạng trên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ. Mặt khác, trong Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có sự đánh giá rõ hơn về hiệu quả chi ngân sách Nhà nước, đầu tư cho bảo vệ môi trường đối với địa phương.

Báo cáo đánh giá cần căn cứ vào Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ Tài nguyên môi trường và các văn bản liên quan khác. Trên cơ sở đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có báo cáo với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội một cách thuyết phục hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Kết luận về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến tối đa của các đại biểu đóng góp, kiến nghị, đề xuất. Theo đó, các cơ quan cần dựa vào các căn cứ pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và các văn bản pháp luật khác để thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến hiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, các cơ quan cần hoàn thiện Báo cáo thẩm tra để gửi các đại biểu Quốc hội, đồng thời để Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tổng hợp trình lên Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới./.

Bích Lan