QUỐC HỘI VIỆT NAM – 80 NĂM ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN VỀ TỔ CHỨC, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Quốc hội khóa XV
Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã xác định: “Tiếp tục xây dựng Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đaiị, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Theo ý kiến một số chuyên gia, để đạt được mục tiêu đổi mới Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần tiến hành theo hai giai đoạn: 2023-2030 và giai đoạn 2030-2045. Trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội
PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội trên cả hai phương diện cơ cấu đại biểu và năng lực đại biểu. Đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội, gắn kết với đề cao tiêu chuẩn, năng lực đại biểu. Tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu.
Đồng thời, PGS.TS Lê Minh Thông cũng kiến nghị, đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, theo hướng rút ngắn thời gian từ Đại hội Đảng toàn quốc đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới, tăng tỷ lệ số dư hợp lý các ứng cử viên đại biểu Quốc hội kể cả đại biểu do trung ương giới thiệu, để đảm bảo sự bình đẳng và công bằng giữa các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, giảm số lượng đại biểu Quốc hội được bầu tại một đơn vị bầu cử.
Đại biểu Quốc hội giữ vị trí, vai trò trung tâm, nòng cốt trong hoạt động Quốc hội
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông lưu ý, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội theo hướng mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu một đại biểu Quốc hội. Quy định một đơn vị bầu cử chỉ lựa chọn một đại biểu trúng cử trong số các ứng cử viên tuy có làm gia tăng số lượng các đơn vị bầu cử, gia tăng chi phí bầu cử nhưng đưa lại nhiều lợi ích. Mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu 1 đại biểu sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên, làm cho sự lựa chọn của cử tri dễ dàng hơn, dân chủ hơn. Đặc biệt một khi mỗi đơn vị bầu cử chỉ có một đại biểu Quốc hội sẽ là yếu tố thúc đẩy trách nhiệm của người đại biểu trúng cử trước cử tri, tạo sự gắn bó hơn giữa đại biểu Quốc hội và cử tri trong mỗi đơn vị bầu cử.
Tiếp tục giảm số lượng đại biểu Quốc hội từ các cơ quan lập pháp và hành pháp. Tăng hợp lý đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách, phấn đấu nhiệm kỳ Quốc hội XVI đạt 60% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Hoàn thiện các quy định và điều kiện đảm bảo, chế độ chính sách để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu, quy định cụ thể thời gian tối thiểu đại biểu dành để hoạt động tại đơn vị bầu cử, để bám sát thực tiễn, gắn bó với cử tri, thực hiện trách nhiệm trước cử tri.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Minh Thông cũng đề xuất, cần nghiên cứu xây dựng quy chế bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hôi, các cơ quan của Quốc hội. Do đó, cần giới thiệu những người thực sự có đức, có tài, có bản lĩnh tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.
Cũng theo ông Đặng Đình Luyến, cần tiếp tục tăng thêm số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số đại biểu Quốc hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cá nhân đại biểu Quốc hội, tạo cơ chế hỗ trợ đại biểu trong tiếp cận thông tin, cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên sâu của các chuyên gia, các nhà chuyên môn trong nghiên cứu và thảo luận các nội dung của các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, không phân biệt đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và địa phương, cần đề cao trách nhiệm cá nhân của đại biểu Quốc hội trước các cử tri trong đơn vị bầu cử. Thay đổi phương thức hoạt động của đại biểu Quốc hội theo hướng đại biểu chuyên trách phải dành ít nhất 1/3 thời gian hoạt động đại biểu tại đơn vị bầu cử, có cơ chế giám sát của cử tri đối với đại biểu Quốc hội.
PGS.TS.Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Cùng quan điểm, PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đề cao trách nhiệm đại biểu Quốc hội, bảo đảm chất lượng của đại biểu Quốc hội, xác định rõ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật là yêu cầu tiên quyết bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, mỗi đại biểu phải gần dân, sát thực tế để phản án đúng ý chí, nguyện vọng của người dân trong văn bản quy phạm pháp luật và các quyết sách quan trọng của quốc gia như lời Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Điều quan trọng nhất là mỗi đại biểu Quốc hội đều ý thức sâu sắc mình là người được nhân dân ủy nhiệm tham gia quyết định những việc trọng đại của đất nước; mọi việc mình làm đều phải thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Phải phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu cao quý là đại biểu nhân dân, vì nhân dân mà hết lòng phục vụ”./.