ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

13/10/2023

Chiều 13/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ, SỬ DỤNG NGUỒN TĂNG THU, TIẾT KIỆM CHI THƯỜNG XUYÊN CỦA NSTW

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về hồ sơ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc quy định liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp.

Làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 xác định: "Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành...". Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của 06 vùng đã đề ra các giải pháp huy động nguồn lực, các quan điểm phân cấp, phân quyền, xử lý các vấn đề liên kết vùng; Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phủ hợp với thực tiễn...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ

Thực tiễn thời gian gần đây, một số địa phương đề xuất được làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải; một số dự án PPP đang nghiên cứu đề xuất phần tham gia của nhà nước cao hơn 50% tổng mức đầu tư; một số công trình giao thông (đường, cầu, hầm...) kết nối liên vùng đi qua nhiều địa phương cần giao cho 01 địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư toàn bộ dự án. Bên cạnh đó, hiện nay các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc được triển khai tại cùng một thời điểm, hồ sơ cấp phép mỏ kéo dài, dẫn đến việc cung cấp từ các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện của các dự án. Do đó cần rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục để sớm bổ sung thêm các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ nghiên cứu dự án.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; các vấn đề khác thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến nếu đủ điều kiện, để trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết thí điểm là đúng thẩm quyền. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết thí điểm đã được chuẩn bị cơ bản đầy đủ thành phần theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ

Thường trực Ủy ban Kinh tế ghi nhận, thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rà soát những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, theo đó đề xuất các chính sách đề nghị thí điểm và Danh mục các dự án áp dụng chính sách, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động. Do đó, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn đối với tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách và trách nhiệm của người đề xuất, thực hiện nếu triển khai không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về sự cần thiết, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chính sách, các điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết, rà soát tính đầy đủ, tuân thủ quy định của hồ sơ dự thảo Nghị quyết để bảo đảm điều kiện trình Quốc hội…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo quy định của Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp có nội dung thí điểm khác với luật hiện hành hoặc chưa được quy định trong luật hoặc để giải quyết những vấn đề cấp bách thì Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm một số các cơ chế, chính sách. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đã thí điểm phải có địa chỉ, phạm vi thời gian, không gian, trình tự, thủ tục, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Cơ bản tán thành về hồ sơ và các nội dung dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để chỉnh lý tên gọi của Nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội làm rõ việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy triển khai các dự án nhanh hơn, thực tế các quy định về phân cấp quản lý ngân sách, phân cấp quản lý dự án đầu từ không có vướng mắc. Chủ tịch Quốc hội gợi ý tên của nghị quyết là “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ”. Mục tiêu ban hành nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đồng thời thí điểm cùng với một số chính sách khác để sau này tiếp tục hoàn thiện các luật liên quan để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống luôn vận động, phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ; đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý về tên gọi của nghị quyết bảo đảm ngắn gọn và thống nhất với nội dung chính.

Về các vấn đề cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, cụ thể hơn tác động của các chính sách, đặc biệt là tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước, nguồn lực đảm bảo thực hiện chính sách, trách nghiệm của người đề xuất thực hiện các chính sách nếu việc triển khai không hiệu quả, gây thất thoát lãng phí để thuyết phục hơn khi trình Quốc hội. Đồng thời, rà soát phạm vi đối tượng điều chỉnh để đảm bảo các chính sách thí điểm có địa chỉ rõ ràng các dự án cụ thể và bao quát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đầu tư các dự án thuộc danh mục thí điểm; rà soát các quy định để bảo phù hợp, khả thi, hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác