PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ VÀ CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO, TỔ BIÊN TẬP LẬP ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

17/10/2023

Chiều 17/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban Chỉ đạo, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. dự và chỉ đạo phiên họp. Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phượng dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp.

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO, TỔ BIÊN TẬP ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh Phiên họp thứ nhất

Cùng dự có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập; đại diện các Vụ của Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc…

Việc lập đề nghị, bổ sung dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được ban hành ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016. Qua 07 năm tổ chức thi hành đến nay cho thấy, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, qua hoạt động giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách và quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn có những mặt hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Theo đó, một số hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, một số hoạt động đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả; một số hoạt động đổi mới khác với quy định nhưng đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, cần được luật hóa; chất lượng một số hoạt động giám sát chưa cao; nhiều nội dung nghị quyết, kết luận, kiến nghị còn chung chung, chưa có định lượng, mốc hoàn thành, chưa phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu, dẫn đến khó theo dõi giám sát việc thực hiện, khó quy trách nhiệm, chưa bảo đảm việc giám sát đến cùng…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Trước tình hình trên, ngày 14/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 17 tháng 4 năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận (Thông báo số 2196/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội) về phương án phân công cơ quan giúp lập đề nghị, chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, bổ sung dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, còn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiến hành soạn thảo và thẩm tra dự án Luật này càng sớm càng tốt.

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương hoan nghênh Hội đồng Dân tộc đã rất nghiêm túc, khẩn trương, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với tinh thần trách nhiệm cao và cách làm khẩn trương, khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, đến nay Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đã hoàn thành được các dự thảo văn bản: Tờ trình đề nghị xây dựng Luật; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách; Đề cương chi tiết dự thảo Luật. Đồng thời cho rằng, đây là sự cố gắng hết sức của Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập.

Để việc lập đề nghị, bổ sung dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, việc lập Hồ sơ đề nghị phải thể hiện sự mẫu mực cả về chất lượng nội dung, hồ sơ, thủ tục và tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị phải đảm bảo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Những vấn đề đã rõ, đã chín thì đưa vào, những vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm thì tiếp tục nghiên cứu.

Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập khẩn trương xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật để làm rõ những vấn đề trong thực tiễn, nhất là những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, làm cơ sở vững chắc cho sự cần thiết xây dựng Luật và tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với những chính sách cần xây dựng trong Luật.

Để đảm bảo hiệu quả công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị việc phối hợp, phân công nhiệm vụ cần hết sức hợp lý, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân, có tiến độ thời gian cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Trước đó, phát biểu mở đầu Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã không ngừng tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được thông qua năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự thủ tục và góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu mở đầu Phiên họp

Tuy nhiên, sau hơn 07 năm thi hành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã bộc lộ một số bất cập, tồn tại, hạn chế cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nêu rõ, đây là nhiệm vụ quan trọng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập cần chung tay, nỗ lực hết mình vì công việc chung để dự án Luật thực sự trở thành sản phẩm trí tuệ chung của các cơ quan giám sát, cơ quan chịu sự giám sát và các địa phương.

Để Phiên họp đạt kết quả tốt, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận, góp ý kiến về những nội dung chính sau:

Thứ nhất, về dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật: Đề nghị các đại biểu cho ý kiến về sự cần thiết ban hành luật (về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn) và về mục đích, quan điểm xây dựng Luật (xác định các mục đích và quan điểm quán triệt trong xây dựng Luật như vậy đã phù hợp, đầy đủ chưa).

Thứ hai, về dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách: Đề nghị các đại biểu cho ý về nội dung xác định vấn đề tổng quan (cho ý kiến về nội dung bối cảnh xây dựng chính sách, mục tiêu xây dựng chính sách đã đầy đủ, phù hợp chưa) và cho ý kiến đối với 05 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật (các chính sách đề xuất này đã phù hợp chưa, có cần bổ sung chính sách nào nữa không).

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Thứ ba, về Đề cương chi tiết dự thảo Luật: Đề nghị các đại biểu cho ý kiến về bố cục của dự thảo Luật; các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật đã cần thiết, đầy đủ; các quy định chung, các nội dung về điều kiện bảo đảm thi hành, tổ chức thực hiện đã đảm bảo chưa.

Ngoài các nội dung nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thẳng thắn, có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đi đúng trọng tâm, trọng điểm đối với các nội dung liên quan. Đồng thời cho rằng, các nội dung tham gia đề nghị bám sát các mục tiêu lớn của lần sửa đổi này, đó là: (i) bảo đảm các hoạt động giám sát đi vào thực chất, tránh hình thức, rõ ràng về trình tự, thủ tục; (ii) tăng cường trách nhiệm của cơ quan giám sát trong việc bảo đảm tính khả thi, sát thực, hợp lý khi ban hành nghị quyết, kết luận, kiến nghị và các biện pháp bảo đảm thi hành nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; (iii) nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát trong thực hiện giám sát và thực thi nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Sớm hoàn thiện Báo kết tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công bố Nghị quyết số 1069/NQ-HĐDT15 ngày 14/7/2023 về việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm là Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân là Phó Trưởng Ban Thường trực.

Tiếp đó, các thành viên Tổ Biên tập trình bày tóm tắt các văn bản dự thảo và các đại biểu thảo luận về nội dung này. Qua thảo luận, các đại biểu tập trung góp ý về Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật; về dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách; về Đề cương chi tiết dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp, Đồng thời nêu rõ, từ nay đến hết năm 2023, phấn đấu trình UBTVQH đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, do đó, có rất nhiều việc cần tiến hành, trước mắt đề nghị Tổ Biên tập cần hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật này.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị Tổ Biên tập tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổ chức các hội thảo, tọa đàm để tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học cả về mặt lý luận và thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật; mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập đóng góp công sức, trí tuệ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tích cực, chủ động hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật này.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, còn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thẩm tra. Đồng thời yêu cầu các cơ quan tiến hành soạn thảo và thẩm tra dự án Luật này càng sớm càng tốt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập khẩn trương xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật để làm rõ những vấn đề trong thực tiễn, nhất là những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, làm cơ sở vững chắc cho sự cần thiết xây dựng Luật và tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với những chính sách cần xây dựng trong Luật.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu mở đầu Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã bộc lộ một số bất cập, tồn tại, hạn chế cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công bố Nghị quyết số 1069/NQ-HĐDT15 ngày 14/7/2023 về việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Đặng Vũ Hải trình bày Tờ trình tóm tắt về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Phó Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát Đỗ Khắc Hưởng trình bày Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành góp ý tại Phiên họp

Bà Giàng Thị Hoa - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên góp ý vào dự thảo các báo cáo

Bà Huỳnh Thị Chiến Hòa - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk

Ông Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương góp ý vào các dự thảo báo cáo

Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Mạnh Khoa

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú góp ý tại Phiên họp./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác