KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: BÀN BẠC KỸ LƯỠNG, BIỂU QUYẾT TẬP TRUNG, THỂ CHẾ HOÁ KỊP THỜI CÁC CHỦ TRƯƠNG, NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG

23/10/2023

Với nhiều nội dung quan trọng được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cùng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đại biểu Quốc hội và cử tri tin tưởng kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp. Quốc hội sẽ bàn bạc kỹ lưỡng, thận trọng, biểu quyết tập trung, thống nhất cao; có nhiều quyết sách mạnh dạn, đột phá; thể chế hoá kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng để đưa đất nước vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Toàn cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứu 6, Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 23/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp diễn ra trong 22 ngày, theo hình thức tập trung. Kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa rất quan trọng, khối lượng công việc của Quốc hội cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia đều tăng nhiều với yêu cầu và đòi hỏi rất cao về tiến độ, chất lượng. Các nội dung nghị sự, các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XV.

Chia sẻ bên lề Phiên khai mạc, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tráng A Dương cho biết, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ xem xét thông qua 09 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi); cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 08 dự án luật khác, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tráng A Dương 

Tại kỳ họp thứ 6 này Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến kinh tế, tài chính, ngân sách của năm 2024 và giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2025. Cùng với giám sát tối cao các chuyên đề theo quy định, Quốc hội cũng tiến hành giám sát việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 (đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Kiểm toán nhà nước).

Theo đại biểu Tráng A Dương, đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng được đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến tại nghị trường nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, bất cập, nguyên nhân của hạn chế, bất cập và đề xuất giải pháp để các bộ, cơ quan chịu sự giám sát có biện pháp chấn chỉnh, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.

Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tráng A Dương cũng kỳ vọng, tại Kỳ họp này, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 sẽ ban hành Nghị quyết góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Điểm mới tại Kỳ họp thứ 6 là Quốc hội không chất vấn theo nhóm lĩnh vực của từng Bộ trưởng mà chất vấn chung về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Đây là cách làm mới đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo liên quan trong từng lĩnh vực để đặt câu hỏi có trọng tâm, trọng điểm, sát và đúng với lĩnh vực các bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách. Tuy nhiên, với cách làm này, sẽ giúp đại biểu được chất vấn trên nhiều lĩnh vực rộng hơn, với trách nhiệm của nhiều bộ, ngành phải tham gia trả lời chất vấn. Không khí chất vấn sẽ sôi nổi, tập trung và nhận được nhiều hơn sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước.

Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tráng A Dương đánh giá cao công tác chuẩn bị kỳ họp, cũng như sắp xếp các nội dung, chương trình thảo luận tại Kỳ họp tạo thuận lợi tối đa cho đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu, tham gia ý kiến đóng góp vào các nội dung Kỳ họp. Việc chia thời gian họp thành 2 đợt cũng tạo điều kiện cho cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội có thêm thời gian giải trình cụ thể các ý kiến đại biểu nêu, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV,

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng đánh giá cao các cơ quan nỗ lực hết mình, làm việc hết công suất nhằm chuẩn bị tài liệu các nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 6 để bảo đảm thành công của kỳ họp, chất lượng của các quyết sách của Quốc hội. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, đây là Kỳ họp giữa nhiệm kỳ với nhiều nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chính vì vậy, Kỳ họp này được cử tri rất quan tâm và theo dõi sát sao.

Các dự án luật được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp này có những dự án luật tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng, còn nhiều quan điểm khác nhau như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)… các vấn đề về kinh tế- xã hội nổi lên trong bối cảnh còn nhiều tác động trái chiều, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cũng quan tâm đến một nội dung rất quan trọng tại Kỳ họp là Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Với nhiều nội dung quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và lòng tin của cử tri, với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho các nội dung trình kỳ họp, đại biểu kỳ vọng Quốc hội sẽ bàn bạc kỹ lưỡng, thận trọng, biểu quyết tập trung, thống nhất cao; có nhiều quyết sách mạnh dạn, đột phá; thể chế hoá kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng để đưa đất nước vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải 

Quan tâm theo dõi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và là một cử tri, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải kiến nghị Quốc hội sẽ bàn thảo, giải quyết những bất cập đã tồn tại trong thời gian dài, đó là thực trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, sự phát triển quá nhanh số phương tiện giao thông trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; ý thức của người tham gia giao thông dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều người khi tham giao thông còn uống rượu, bia, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; trẻ em chưa đủ tuổi lái xe tham gia điều khiển phương tiện giao thông…

Cùng với đó, trong lĩnh vực giao thông đang tồn tại một số công trình giao thông thi công kéo dài, thực hiện không đầy đủ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông dẫn tới gây mất an toàn, gây ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho người dân. Còn tình trạng chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải không tuân thủ quy định pháp luật, để xảy ra một số vụ tai nạn rất nghiêm trọng; tình trạng phương tiện chở quá trọng tải do yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Tình trạng xe vận tải hành khách “trá hình” theo hình thức xe hợp đồng vẫn còn diễn ra.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và thông qua với số lượng lớn các dự án, dự thảo, nhiều hơn so với thông lệ các kỳ họp trước đó. Trong đó, có nhiều dự án, dự thảo luật có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đại đa số người dân và doanh nghiệp. PGS.TS Nguyễn Hồng Thái kỳ vọng, việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Trên tinh thần quan sát, chắt lọc các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, tiếp thu kiến nghị, đề xuất của cử tri và với vai trò, trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái tin rằng Quốc hội sẽ thông qua nhiều nội dung quan trọng, góp phần tháo gỡ và thúc đấy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Lan Hương