TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ; THÔNG QUA DANH SÁCH LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

24/10/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 14h00 ngày 24/10/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

Phó Chủ tịch Trần Quang Phương điều hành nội dung Phiên họp.

Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và tiến hành thảo luận. Phiên họp do Phó Chủ tịch Trần Quang Phương điều hành.

Cũng trong chiều cùng ngày, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời Quốc biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Phiên họp do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành.

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tiếp đến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

14h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Trình bày Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ  công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 06 chương với 34 điều.

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong nội dung giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm “Khu quân sự” (KQS) và các nội dung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng (CTQP) là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc; CTQP có thể nằm trong hoặc ngoài KQS.

Bên cạnh đó, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại khái niệm này như sau: “KQS là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng”.

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm CTQP và KQS để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, việc phân loại, phân nhóm CTQP và KQS được quy định tại 2 điều: Điều 5 quy định CTQP và KQS được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định CTQP và KQS được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Đối với quy định về công trình lưỡng dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, công trình lưỡng dụng quy định trong dự thảo Luật là công trình kết hợp quốc phòn với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng; sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại khoản 6 Điều này; việc quy định 01 Điều về công trình lưỡng dụng trong dự thảo Luật là phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, tính năng của loại hình công trình này.  

Trong trường hợp phá dỡ CTQP được thực hiện khi CTQP đó không phù hợp để sử dụng cho dự án phát triển kinh tế - xã hội, chủ đầu tư dự án không có nhu cầu sử dụng hoặc CTQP buộc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật quân sự. Thẩm quyền phá dỡ CTQP do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định nhưng việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất quốc phòng nơi có CTQP bị phá dỡ sang mục đích khác vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo Luật…

Ngoài ra, về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, để đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đề nghị Quốc hội cho quy định khoản 2 thành 2 điểm như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH cũng đã chỉnh lý khoản 9 Điều này theo hướng quy định cụ thể về quản lý hoạt động, đi lại, cư trú của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS phù hợp với quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Qua rà soát, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “trùng tu, sửa chữa các công trình văn hóa, di tích lịch sử” trước cụm từ “vật kiến trúc” tại điểm b khoản 3, Điều 18; bổ sung, chỉnh lý khoản 10 như sau: “Chính phủ quy định, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho phép các hoạt động được thực hiện trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trừ quy định về thẩm quyền tại điểm b khoản 4, điểm c khoản 6 và khoản 9 Điều này. Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Nhóm đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.”...

14h18: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường về Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phối hợp với ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội có 6 Chương, 34 Điều. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa, các nội dung chỉnh lý, tiếp thu đã đầy đủ, thuyết phục chưa, nội dung giải thích từ ngữ có đảm bảo rõ ràng, nhất quán hay không; việc chỉnh lý quy định phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự đã bảo đảm rõ ràng chưa; về công trình lưỡng dụng, xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm trong báo cáo cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm.

14h21: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Thống nhất các lực lượng tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, nguồn lực con người, các chính sách hỗ trợ, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các quy định của dự án luật.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị thống nhất các lực lượng của các địa phương khi thực hiện phân công tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự. Trên cơ sở đó, các cấp của chính quyền địa phương mới có cơ sở phân công các lực lượng phối hợp tham gia bảo vệ, đảm bảo đúng đối tượng, chức năng, nhiệm vụ.

Cơ quan trình dự án luật cũng cần rà soát đối chiếu với các dự án khác để tránh chồng chéo khi luật có hiệu lực thi hành, đảm bảo tuổi thọ của luật. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan trình nghiên cứu Điều 12 dự thảo luật quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự có liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, trong khi đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến thông qua, vì vậy cần nghiên cứu quy định nội dung này đảm bảo đồng bộ với các quy định liên quan.

14h25: Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Tiếp tục rà soát các điều khoản cụ thể, bổ sung hành vi bị cấm

Đại biểu Tô Văn Tám tán thành và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát ý kiến đại biểu Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nghiên cứu thêm về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về công trình lưỡng dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu để xem xét trong tình trạng chiến tranh có thể chuyển công trình dân sự thành công trình quân sự. Đề nghị bổ sung hành vi bị cấm đối với hành vi trục lợi khi chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng sang khu quân sự, nhất là khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Cho ý kiến về khoản 2, Điều 18 quy định chế độ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhóm đặc biệt, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nghiên cứu bổ sung, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về “trùng tu, sửa chữa các công trình văn hóa, di tích lịch sử” đồng thời nghiên cứu tiếp thu thêm về các công trình văn hóa và di tích lịch sử có giá trị đặc biệt mà người dân có nhu cầu vào tham quan, học tập.

14h31: Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Cân nhắc thẩm quyền của Chính phủ đối với chế độ bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đánh giá cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các chuyên gia từ Kỳ họp thứ 5 đến nay.

Về thẩm quyền của Chính phủ đối với chế độ bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược và hành lang an toàn kỹ thuật và hệ thống ăng ten quân sự được quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 18, đại biểu đề nghị dự thảo nên xem xét bỏ quy định này, không bao quát hết thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ cho tất cả trường hợp còn lại chưa được liệt kê tại điều luật để tránh mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện đối với những việc có tác động không lớn. Đại biểu cho rằng, thẩm quyền này nên được cân nhắc xem xét kỹ đối với từng trường hợp cụ thể và quy định trong văn bản về trình tự, thủ tục cho phép hoạt động quản lý các công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về quy định hạn chế hoạt động của người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại khoản 9 Điều 18 nhằm bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng, quy định tại khoản 9 Điều 18 chưa hợp lý. Vì hiện nay hệ thống ăng ten quân sự của Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự các huyện, quận, thành phố, thị xã đều năm trong trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, huyện, quận, thành phố, thị xã, có nhiều nơi sát với tường rào của Bộ Chỉ huy, Ban Chỉ huy quân sự có đường giao thông đi lại.
 
Do đó, đề nghị cần xem xét quy định trên, giảm giới hạn khoảng cách trên hoặc quy định căn cứ khác để giới hạn hoặc quy định cụ thể những hoạt động nào người nước ngoài không được thực hiện trong phạm vi trong 500m chứ không thể quy định chung là cấm tất cả hoạt động đi lại.
 

14h36: Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Đảm bảo nhất quán, chính xác trong phạm vi điều chỉnh của luật 

Thống nhất và tán thành cao với tờ trình và báo cáo thẩm tra, đại biểu Lê Xuân Thân đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật. 

Đối với quy định về giải thích từ ngữ, đại biểu cho rằng, cần có cách giải thích các thuật ngữ quân sự dễ hiểu, rõ ràng hơn. Đặc biệt, cần giải thích kỹ khái niệm công trình quốc phòng, khu quân sự các loại, công trình lưỡng dụng.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho biết, dự thảo luật đang quy định “Luật này quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.” Đại biểu đề nghị sửa thành “Luật này quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.”

Đối với việc quản lý sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo luật có quy định như sau: Trong khu vực cấm, diện tích đất, mặt nước chưa phải là đất, mặt nước sử dụng vào mục đích quốc phòng thì phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “mặt nước chưa phải là đất” để đảm bảo tính rõ ràng, tường minh trong văn bản pháp luật.

14h42: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Rà soát nội dung về giải thích từ ngữ, phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự…

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ nhất trí với tên gọi, sự cần thiết của việc ban hành Luật; cho rằng nội dung dự án Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội góp ý; kỹ thuật đảm bảo chất lượng, văn phong chặt chẽ, nội dung có tính khái quát cao…

Tuy nhiên, đại biểu Tiến cho rằng, cần nghiên cứu và xem xét thêm một số nội dung về giải thích từ ngữ liên quan đến công trình quốc phòng để đảm bảo rõ ràng. Cụ thể nên giải thích theo hướng: công trình quốc phòng là công trình nhân tạo hay thiên tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ quốc phòng. Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.

Bên cạnh đó, đại biểu Tiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 và phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 6. Đại biểu cho biết, phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích gồm 5 loại và phân nhóm công trình quân sự theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ gồm 4 nhóm. “Vậy, giữa nhóm giữa phân loại công trình và khu quân sự với phân nhóm công trình quân sự và công trình quốc phòng có mối liên hệ như thế nào?”, đại biểu Tiến nêu băn khoăn.

14h48: Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đảm bảo bao quát đầy đủ các loại công trình quốc phòng và khu quân sự

 Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo đó, Dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội. 

Về giải thích từ ngữ, khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật quy định, “khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.” Để đồng bộ với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, đặc biệt phù hợp với quy định về ranh giới giữa các bất động sản của Bộ luật Dân sự, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định này thành: “khu quân sự là khu vực có giới hạn được cơ quan quân sự thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng và được chính quyền các cấp xác định quyền sở hữu.”

Về phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “các điểm cao án ngữ có giá trị chiến thuật” vào điểm a, khoản 2 Điều 5 dự thảo luật, vì các điểm cao án ngữ có giá trị chiến thuật có vị trí, vai trò rất quan trọng về mặt chiến thuật quân sự, đã được chứng minh qua nhiều chiến lệ, các trận đánh trong hai cuộc kháng chiến.

14h53: Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tranh luận

Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám khi đề cập đến Điều 17 khoản 1 điểm c về chiều cao không giân công trình khu quân sự, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng nói đến chiều cao không gian là liên quan đến không phận được quy định trong Luật Biên giới quốc gia. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để quy định phù hợp với Luật Biên giới quốc gia, đồng thời còn phải rà soát đến các công ước quốc tế về không phận, không gian.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, theo thông lệ quốc tế hiện nay thì chiều cao không gian mà các quốc gia sử dụng đối với máy bay dân dụng tính từ mặt biển lên đến không trung là từ 10 đến 12 km; đối với máy bay quân sự thì đến 21 km. Tuy nhiên, Liên đoàn Hiệp hội hàng không quốc tế cho rằng biên giới không gian của các quốc gia có thể tối đa đến 100 km, bởi vì trên 100 km là thuộc về không gian vũ trụ và phần lớn các nước thế giới dùng vào nghiên cứu vũ trụ. Đại biểu cho rằng, trong tương lai khoa học quân sự của nước ta phát triển thì chúng ta sẽ có những trạm công trình quân sự trên không. Khi đó, nếu như giới hạn như dự thảo hiện nay thì sẽ vướng cơ sở pháp lý. Nên nhân dịp ban hành luật này thì cần phải cập nhật những thông tin cho đầy đủ.

14h56: Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Hạn chế những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết

Góp ý vào dự thảo luật, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đánh giá, so với dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ hop này đã được chỉnh sửa làm rõ hơn nhiều nội dung có liên quan đến việc quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Tuy nhiên dự thảo luật vẫn còn có những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện liên quan đến giải thích từ ngữ.

Đại biểu cho biết, tại Điều 2 về giải thích từ ngữ còn mốt số cụm từ chưa thực sự khoa học và còn khó hiểu ví dụ cụm từ “kho đạn dược”; cụm từ “hệ thống anten quân sự”.

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 chỉ quy định về phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự và Điều 6 quy định về phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự. Tuy nhiên, nội dung Điều 5 của dự thảo lần này quy định về phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự không được sử dụng tại các Chương 2, Chương 3 và chương khác. Hơn nữa, phần giải thích từ ngữ về công trình quốc phòng khu quân sự đã được neu tại Điều 2 nhưng tại Điều 5 tiếp tục đưa ra các giải thích từ ngữ của hai thuật ngữ trên. Do vậy dự thảo cần quy định ở Điều 2.

 Ngoài ra, dự thảo luật có nhiều quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa những nội dung nào có thể quy định ngay trong luật, hạn chế giao Chính phủ quy định chi tiết.

15h: Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Cần rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết 

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam thống nhất cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH và cơ bản thống nhất với các nội dung quy định của dự thảo Luật.

Về bố cục kỹ thuật lập pháp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, dự án Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có 6 Chương 34 Điều, tuy nhiên dự thảo Luật quy định một số nội dung còn chung chung, các quy phạm pháp luật mang tính khái quát nhiều. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết bằng quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật để thực hiện thống nhất, nhằm nâng cao tính khả thi trong thực tiễn khi luật được thông qua, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực phải mất thời gian chờ các văn bản hướng dẫn áp dụng.

Về chính sách của Nhà nước trong bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 4, đại biểu Lê Thị Tahnh Lam cho rằng, chính sách này phù hợp tuy nhiên để triển khai thuận lợi, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc luật hóa bằng quy định hoặc có cơ chế riêng theo việc đầu tư xây dựng các dự án quốc phòng và khu quân sự, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng. Đây là vấn đề còn vướng mắc và bất cập trong thực tiễn.

Liên quan đến phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 điểm a khoản 2, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào phần giải thích từ ngữ tại Điều 2 các cụm từ “pháo đài cổ, thành cổ” để khi luật được ban hành sẽ dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.

Về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung hành vi cấm đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật và hệ thống ăng ten về quân sự để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các luật.

15h04: Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng

Đồng tình nhất trí cao với dự thảo luật, đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng là đúng đắn, tuy nhiên, khoản 6 Điều 7 lại quy định: công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích dân sự được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật có liên quan và quản lý theo quy định của Luật này; Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng thì được quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này.

Cũng theo quy định tại dự thảo luật, trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự thì chủ sở hữu công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức việc quản lý, bảo vệ công trình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; Việc cải tạo, sửa chữa công trình dân sự có tính lưỡng dụng làm thay đổi công năng sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

Đại biểu cho rằng, đã là công trình lưỡng dụng thì trước hết, phải quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nếu là tài sản của Nhà nước và pháp luật liên quan khác. Trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng thì cần có thêm những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ, vì vậy, cần chỉnh lý lại khoản 6, Điều 7 cho rõ ràng, cụ thể hơn.

15h09: Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Xác định phạm vi khu vực cấm trên không như dự thảo Luật là hợp lý

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ  công trình quốc phòng và khu quân sự tại phiên họp, đại biểu Ngô Trung Thành bày tỏ quan tâm đến nội dung tại Điểm c, Khoản 1 của Điều 17 của dự thảo Luật quy định về việc xác định phạm vi khu vực cấm trên không của công trình quốc phòng và khu quân sự.

Theo đại biểu Ngô Trung Thành, khu vực cấm của công trình quốc phòng và khu quân sự là khu vực cần được bảo vệ hết sức là nghiêm ngặt, do vậy việc xác định phạm vi khu vực cấm là hết sức quan trọng, vừa phải bảo đảm cái yêu cầu về quốc phòng, an ninh nhưng cũng vừa phải bảo đảm cả những yêu cầu khác về phát triển kinh tế- xã hội. Quan nghiên cứu, đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung quy định của dự thảo Luật và cho rằng, quy định như vậy hợp lý.

15h12:  Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tranh luận

Tranh luận với đại biểu Ngô Trung Thành, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, dự thảo luật quy định về khung pháp lý về khoảng không pháp lý để nếu có những công trình quân sự trên không, để công trình đó tồn tại trên khoảng không tối đa là 100 km tính từ mặt biển. Khi xuất hiện công trình như trạm nghiên cứu trên không, lúc đó mới tính đến giới hạn không gian bên cạnh; quy định như vậy để có khoảng không pháp lý về vấn đề này.

15h13: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu giải thích kỹ lưỡng và chi tiết mọi khái niệm thì Chương 2 sẽ có dung lượng rất lớn, bao hàm nhiều nội dung. Tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để giải thích chi tiết, cụ thể đồng thời đảm bảo được bố cục hài hòa của dự thảo luật. 

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, Bộ trưởng cho biết, việc phân loại, phân nhóm trong dự thảo luật được nghiên cứu kế thừa quy định tại Nghị định số 04 của Chính phủ ngày 16/1/1995 ban hành quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản công, tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan. Do tính chất đa dạng của công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như yêu cầu của việc quản lý, bảo vệ, việc phân loại trong dự thảo luật là phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, thống nhất với các quy định của pháp luật. 

Bộ trưởng cho biết, công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng của mỗi loại: loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và dân quân tự vệ; loại C phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy đạn dược, vũ khí, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng; sự loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội. 

Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.

15h24: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết trong phiên thảo luận buổi chiều đã có 10 đại biểu phát biểu và có 2 ý kiến tranh luận làm rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi dân chủ, trí tuệ khách quan và nhiều thông tin. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Qua thảo luận cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu chuyên trách, chỉnh lí dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan. 

Về cơ bản, các đại biểu tán thành với các nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý với nhiều vấn đề đã được đại biểu xem xét, đánh giá, phân tích và đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua như phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, về quy định, phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, về công trình lưỡng dụng, về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự gắn với chuyển đổi đất, chuyển đổi đất quốc phòng thống nhất với Luật Đất đai và giải quyết cho được những vướng mắc trong thực tiễn về phá dỡ công trình quốc phòng và di dời khu công trình quốc phòng…

Cùng với đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về xác định phạm về bảo vệ có công trình quốc phòng và khu quân sự, về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ vành đai an toàn công trình quốc phòng, khu quân sự vành đai an toàn, kho đạn dược, hành lang kỹ thuật an toàn kỹ thuật, hệ thống ăng ten quân sự; về xử lý công trình và kiến trúc, quản lý, sử dụng mặt đất, sử dụng đất mặt nước dưới lòng đất trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; về chế độ chính sách đối với tổ chức, cá nhân và địa phương bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung khác như thẩm quyền của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, bảo đảm phù hợp với thực tiễn để làm thế nào luật hóa được những quy định đã rõ nhưng vẫn phải bảo đảm bí mật quân sự. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận để gửi đến các vị đại biểu theo dõi và chuyển đến các cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu giải trình và đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo Luật; hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua bảo đảm chất lượng, tạo được sự đồng thuận cao, đúng theo kế hoạch, chương trình kỳ họp.

15h28: Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ điều hành nội dung lấy phiếu tín nhiệm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực triển khai các nội dung công việc theo tinh thần Nghị quyết số 96, ban hành và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Cho đến nay, Ban Công tác đại biểu đã gửi tới các đại biểu những báo cáo khái quát kết quả công tác của những người được lấy phiếu tín nhiệm, theo quy định của Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Vì vậy, đây là công việc hệ trọng, cần được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch.

15h32: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Trình bày Tờ trình danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, theo quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội ngày 23 tháng 6 năm 2023, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ sau: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. 

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tổng số người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là 50 vị trí, hiện nay có 49 người đang giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, có 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, gồm các trường hợp sau: Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường; Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV gồm 44 người.

15h39: Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử

Với 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội nhất trí thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội