THẢO LUẬN TỔ 13: TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHẤT QUÁN MỤC TIÊU ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kết quả giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 44.458 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Đối với chính sách giảm thuế VAT, các khó khăn, vướng mắc bao gồm: Cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế; thời điểm lập hóa đơn; cần phải lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế do nhiều nội dung chính sách chưa có tiền lệ, chưa bao quát đủ các tình huống phát sinh, một số quy định chưa được hướng dẫn, giải thích đầy đủ, phát sinh lúng túng trong thực hiện.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025
Về chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá kết quả thực hiện thấp, dự kiến đến hết năm 2023 chỉ đạt khoảng 1.408 tỷ đồng, tương đương 3,5% nguồn lực. Trong số các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, chỉ có khoảng 13% khách hàng đáp ứng điều kiện thụ hưởng, trong đó 67% khách hàng không có nhu cầu hỗ trợ.
Cùng với kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế liên quan đến việc một số văn bản ban hành triển khai chính sách thuộc Chương trình còn chậm so với yêu cầu đề ra; công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai. Việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn thấp so với quy mô nguồn lực được giao. Các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ và thời điểm triển khai còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt. Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Đồng tình với đề xuất của Chỉnh phủ, Ủy ban Kinh tế cho rằng kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc triển khai tiếp tục gói chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 là cần thiết trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 thấp, giải ngân vốn của Chương trình dự án quan trọng chậm. Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với đề xuất cho phép trình Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tối đa việc điều hòa vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu thống nhất với đề xuất của Uỷ ban Kinh tế. Với tình hình tăng trưởng không đạt mục tiêu, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn về thị trường, về dòng tiền có khó khăn, khó khăn về thị trường, về dòng tiền và khó khăn về thủ tục hành chính, nguồn thu ngân sách giảm mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã chỉ ra một số khó khăn hiện nay trong đó, việc thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn bất cập, chưa được cải thiện. Dự kiến cả giai đoạn 2021- 2025 nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước này chúng ta dự kiến hụt khoảng 180.000 tỷ so với kế hoạch. Điều này càng ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương cũng như nguồn lực của ngân sách trung ương dành cho đầu tư công của giai đoạn này. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công của các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất chậm thì vẫn rất cần hỗ trợ từ chính sách tài khoá và tiền tệ theo Nghị quyết 43.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thành Trung bày tỏ tán thành với kiến nghị của Chính phủ là từ nay đến cuối năm 2023, đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 2% cho doanh nghiệp. Đối với số không giải ngân hết mà dự kiến nguồn kinh phí còn rất lớn thì sau khi kết thúc thời hạn giải ngân của chương trình tức là cuối năm nay, đề nghị trình Quốc hội cho hủy dự toán và không tiếp tục thực hiện nữa, thực hiện theo đúng của luật, quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung cũng kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của các dự án thuộc chương trình theo Nghị quyết 43, để giảm áp lực cân đối vốn cho các năm sau, tránh tình trạng dự án dở dang phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển, bố trí cho các dự án đầu tư của chương trình đến hết năm 2024. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh việc thực hiện triển khai, việc giải ngân vốn đầu tư công của các dự án thuộc chương trình, đảm bảo theo đúng tiến độ đã được Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận
Còn đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh gía cao chính sách về hỗ trợ lãi suất 2% gói 40.000 tỷ theo Nghị quyết 43 thông qua các ngân hàng thương mại. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 31 vào tháng 5/2022 nhưng đến tháng 8/2023 mới chỉ giải ngân được 781 tỷ, chưa được 2% so với tổng gói 40.000 tỷ. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho biết, hiện tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách này chỉ có hơn 20%, gần như doanh nghiệp và hộ kinh doanh không tiếp cận được chính sách này. Nguyên nhân là do thủ tục để được cho vay rất khó khăn, chứ không phải nằm ở việc doanh nghiệp sợ thanh tra, kiểm tra mà không dám vay vốn.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị Chính phủ đánh giá lại vấn đề này, bởi thực tế là các hộ kinh doanh và doanh nghiệp rất cần nguồn vốn này nhưng do điều kiện, thủ tục cho vay quá rườm rà, trong đó khảo sát thì thấy gần 60% doanh nghiệp cho là thủ tục quá rườm rà không muốn tiếp cận vốn này vì điều kiện quá khó. Điều này, các ngân hàng thương mại cũng cần xem xét lại điều kiện vay.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng, cần gia hạn thêm hỗ trợ 2% lãi suất vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng cần tính toán cải tiến lại điều kiện cho vay, tức phải sửa đổi điều kiện cho vay vốn, theo Nghị định 31 làm sao để thuận lợi nhất trong tiếp cận nguồn vốn này để phục hồi sản xuất, kinh doanh.