SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU TÀI SẢN: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ THEO HƯỚNG CHUYÊN NGHIỆP

08/11/2023

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 08/11 Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá cao việc kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đồng thời kỳ vọng Luật sửa đổi, bổ sung được ban hành sẽ là một bước tiến mới phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp,…

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: THÁO GỠ ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC HIỆN NAY

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới quy định về: Tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Tiếp cận nội dung dự thảo luật, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản (Luật số 01/2016/QH14) được ban hành sẽ là một bước tiến mới phù hợp hơn với thông lệ quốc tế (bao quát hơn đối với cả hai phương thức trả giá lên và đặt giá xuống), đồng thời phù hợp với bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ; tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. 

Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản 2016, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm một số quy định về: Tính độc lập và phạm vi điều chỉnh; về các tài sản đấu giá; về các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến đấu giá tài sản; về việc công khai/niêm yết thông tin về việc đấu giá tài sản/quy chế cuộc đấu giá; về hình thức đấu giá trực tuyến;…

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế 

Cùng quan điểm, TS. Lê Đinh Mùi, Viện Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã đáp ứng được yêu cầu khách quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn hiện nay. Trong đó, về cơ bản, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh xử lý hiệu quả tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng như trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 09/ 11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục  xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới… bảo đảm thể chế hóa kịp thời những quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước mà Luật Đấu giá tài sản năm 2016 chưa quy định, cần bổ sung.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Lê Đình Mùi cũng cho rằng, dự thảo luật mới nghiêng về thể chế quan điểm của Đảng về những điểm cần bổ sung của Luật đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số… còn mờ nhạt yêu cầu thể chế quan điểm của Đảng về tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội…Phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học công nghệ.

Chia sẻ về dự luật, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải, Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean Phan Văn Lâm cho rằng, trải qua 7 năm thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đóng góp quan trọng trong việc tạo lập khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, khá chặt chẽ trong hoạt động đấu giá; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản công. Nhưng bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Luật đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hòa giải Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean

Phân tích những bất cập hiện nay, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải Phan Văn Lâm nêu rõ: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, vướng mắc trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan, bất cập; tình trạng "quân xanh, quân đỏ", … Đặc biệt lợi dụng sơ hở của các quy định về định giá và xác định giá khởi điểm, nên nhiều tài giá trị thấp so với giá thị trường. Việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập nên chưa thu hút đông đảo người tham gia đấu giá. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị, đảm bảo đúng tiêu chí quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết.

 PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán, Kế toán Việt Nam

Tán thành việc kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán, Kế toán Việt Nam cho biết, qua hơn 7 năm thi hành Luật, trong bối cảnh kinh tế -xã hội đã có nhiều phát triển và thay đổi theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, nhiều vấn đề mới nảy sinh, …đã và đang đặt ra những yêu cầu mới không chỉ phạm vị tài sản cần đấu giá mà cả thủ tục, trình tự đấu giá tài sản.

Trong bối cảnh mới và yêu cầu mới của nền kinh tế, của cơ chế quản lý kinh tế cũng đòi hỏi chất lượng của đội ngũ đấu giá viên về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, cập nhật thường xuyên các kiến thức về  pháp luật, về chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp. Pháp luật cần có những quy định mới, chặt chẽ hơn đội ngũ đấu giá viên về tuân thủ  pháp luật, tuân thủ thủ tục, trình tự trong đấu giá tài sản, về thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản;…

Để kịp thời khắc phục những bất cập và hạn chế trong quá trình thi hành Luật, ngày 3/7/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về: Tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến; Trình tự tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến; Yêu cầu đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến;…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/9/2023, tuy nhiên, theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, Luật đấu giá tài sản có nhiều quy định chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, có không ít quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục; chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, cho người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan;... Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản./.

Lê Anh