TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Phạm Tú Tài, Khoa Kinh tế chính trị - Học viện chính trị khu vực I cho biết, thuật ngữ nền kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên được sử dụng trong một mô hình kinh tế của Pearce & Turner (1990), dựa trên nguyên tắc ''mọi thứ là đầu vào cho mọi thứ khác''; từ cái nhìn tiêu cực về hệ thống kinh tế tuyến tính truyền thống và đề xuất phát triển một nền kinh tế mới được đặt tên là nền kinh tế tuần hoàn.
Nền kinh tế tuần hoàn như một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo (Ellen MacArthur Foundation (2013a), trong đó giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt và việc tạo ra chất thải được giảm thiểu (Ủy ban Châu Âu, 2015a).
TS.Phạm Tú Tài, Khoa Kinh tế chính trị - Học viện chính trị khu vực I
Theo nhiều chuyên gia, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái sản xuất và tái chế nhằm tạo ra các vòng lặp kín cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.
Mục đích là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên này. Kinh tế tuần hoàn không chỉ đơn thuần là về quản lý chất thải và tận dụng chất thải, mà nó bao gồm một hệ thống với đầy đủ 5 khâu: Thiết kế để hướng tới việc tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng sửa chữa, phục hồi, tái chế, tái sử dụng của các sản phẩm, linh kiện, cấu kiện. Thiết kế trong kinh tế tuần hoàn không chỉ đơn thuần là thiết kế sản phẩm mà còn tính tới cả việc thiết kế chất thải của nó, thiết kế cho tương lai, sử dụng chất thải như một nguồn tài nguyên, bảo tồn và mở rộng những gì đã có, hợp tác để tạo ra giá trị chung, kết hợp công nghệ kỹ thuật số và giá cả cùng các cơ chế phản hồi khác phải phản ánh chi phí thực; Sản xuất thông qua áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện cả tuần hoàn các nguyên vật liệu ngay trong khâu sản xuất; Tiêu dùng thông qua việc cung cấp dịch vụ tốt hơn, tăng cường trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường sinh thái; Quản lý chất thải bằng việc phân loại, thu gom tại cuối vòng đời, tái chế chất thải; và từ chất thải trở lại thành tài nguyên gồm có tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên. Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống phát triển kinh tế trên nền tảng mô hình kinh doanh theo vòng tròn khép kín.
Nền kinh tế tuần hoàn bao gồm 3 nội dung cơ bản: sử dụng ít tài nguyên cơ bản hơn; duy trì giá trị cao nhất của vật liệu và sản phẩm; thay đổi mô hình sử dụng sản phẩm nhằm 3 mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội để phát triển kinh tế bền vững.
Tại Việt Nam, thuật ngữ kinh tế tuần hoàn bắt đầu được sử dụng nhiều từ năm 2016, hiện nay khái niệm về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tại điều 142, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 định nghĩa “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.
Về thuật ngữ “phát triển bền vững”, năm 1982, thuật ngữ phát triển bền vững lần đầu tiên xuất hiện trong tuyên bố “Chiến lược bảo tồn thế giới” của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Khái niệm phát triển bền vững được hiểu theo nghĩa hẹp, đó là sự phát triển đạt được sự bền vững về sinh thái.
Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai của chúng ta”, Ủy ban Môi trường và phát triển thế giới đã mở rộng nội hàm và định nghĩa: Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tổ chức tại Cộng hòa Nam Phi đã thống nhất: Phát triển bền vững là quá trình kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, đó là phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 của Việt Nam, tại mục 4 Điều 3, phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Phát triển bền vững, mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp của quá trình phát triển, là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường: Phát triển bền vững về kinh tế là quá trình đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư có chất lượng, có năng suất cao thông qua việc tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất, không làm phương hại đến xã hội và môi trường; Phát triển bền vững về xã hội là phát triển nhằm đảm bảo công bằng trong xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục nhưng không làm phương hại đến kinh tế và môi trường.
Phát triển bền vững về môi trường là việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, duy trì nền tảng một nguồn lực ổn định, tránh khai thác quá mức. Phát triển bền vững về môi trường cần duy trì sự đa dạng sinh học, sự ổn định khí quyển và các hoạt động sinh thái khác, cần hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường. Phát triển bền vững về môi trường phải đảm bảo không làm phương hại đến kinh tế và xã hội.
Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Nghị quyết đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 gồm: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người.
Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; Giảm bất bình đẳng trong xã hội; Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ dân cư và lao động theo vùng; Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, Nghị quyết nêu một số mục tiêu như: ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu và thiên tai; Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và cơ sự tham gia ở các cấp; Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.