Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018), trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/2023). Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được làm rõ trong Luật Thủ đô. Tuy Dự thảo Luật đã thể hiện được cơ bản tinh thần của các chính sách, định hướng đã đề ra nhưng vẫn mang tính định hướng chính sách mà chưa tạo được cơ sở pháp lí rõ ràng. Để đạt được hiệu quả tốt, Dự thảo cần cân nhắc một số điểm sau đây:
* Thứ nhất, về vị trí: Điều 17 hiện đang được đặt trong Chương II (về Chính quyền tại Thủ đô). Như vậy đặt ra câu hỏi là Điều 17 có mục tiêu là gì? Mục tiêu chỉ nhằm thu hút nhân tài cho bộ máy chính quyền tại Thủ đô hay thu hút nhân tài cho sự phát triển chung của Thủ đô ở các ngành, lĩnh vực? Việc xác định đúng mục tiêu sẽ quyết định nội dung chi tiết của Điều này.
Nếu mục tiêu chỉ nhằm thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chính quyền tại Thủ đô. Như vậy có phần hạn hẹp so với phạm vi điều chỉnh của một Đạo luật về Thủ đô, tạo ra khoảng trống về nhu cầu thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với toàn bộ các hoạt động ở Chương III của Dự thảo (về Xây dựng, Phát triển, Quản lý và Bảo vệ Thủ đô) với sự tham gia của không chỉ Chính quyền mà còn của nhiều cá nhân, tổ chức khác. Ở đây, việc xây dựng Luật Thủ đô cần hướng tới xây dựng môi trường sống, không gian và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội - an ninh của Thủ đô chứ không phải chỉ tập trung vào các quy định về cơ cấu, thẩm quyền, vai trò của Chính quyền tại thủ đô.
Nói cách khác, nội dung quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nên được sắp đặt ở phần Những quy định chung hoặc ít nhất là ở Chương III. Bởi nhu cầu thu hút nhân tài cho sự phát triển của Thủ đô cần được đặt trong bối cảnh có sự cân nhắc với sức hút từ một số địa phương trọng điểm khác, chứ không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư.
Những năm qua, một trong số những hình thức thu hút nhân tài mà thành phố Hà Nội triển khai thường xuyên là tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố.
* Thứ hai, chưa có tính phân hóa. Nội dung của Điều 17 hiện hành chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”,…. Và rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.
Tôi cho rằng, có những cá nhân rất xuất sắc nhưng không hoặc rất khó phù hợp để làm việc trong khu vực công dù cho nhận được ưu đãi tốt đến mức nào. Chẳng hạn như chính sách thu hút các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc, nghệ sĩ đoạt giải cao tại các kì thi khu vực, quốc tế vào làm việc trong khu vực công sẽ có thể không hoàn toàn phù hợp khi họ phải xa rời môi trường tập luyện để có được thành tích cao. Đối với thu hút nhân tài cho khu vực công, ngoài các mô tả về năng lực, trình độ, còn cần phải đề cập đến những mô tả về thái độ, tinh thần phụng công, thủ pháp, dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm. Tức là cần có những kì sát hạch để kiểm tra khả năng phụng sự cộng đồng, phụng sự quốc gia, tuân thủ pháp luật, cần - kiệm - liêm - chính. Nếu không đạt điểm tối thiểu của những bài sát hạch về thái độ, tinh thần thì dù năng lực cá nhân xuất chúng vẫn cần được “chuyển giao” cho khu vực tư.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 17 của Dự thảo còn quy định trường hợp “có tài năng đặc biệt” được kí hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lí, điều hành. Đây có thể cũng là cách tiếp cận đã tương đối lạc hậu bởi vì những người có tài năng đặc biệt về chuyên môn thì chưa chắc đã có năng lực phù hợp với các vị trí quản lí, điều hành. Nếu chỉ nêu ra điều kiện, tiêu chí này và cất nhắc vào các vị trí quản lí thì vừa có thể làm giảm động cơ, thời gian phát triển năng lực đặc biệt của ứng viên mà vừa làm hỏng bộ máy quản lí. Dĩ nhiên là những người nắm giữ các vị trí quản lí, điều hành cần có năng lực chuyên môn, nhưng có lẽ không cần đến “tài năng đặc biệt” mà không phải là tài năng quản lí, điều hành. Cần tìm vị trí chuyên môn phù hợp cho các ứng viên có tài năng đặc biệt để họ có thể tiếp tục theo đuổi đam mê và thúc đẩy năng lực bản thân.
* Thứ ba, chưa có quy định rõ về cơ chế sử dụng nhân tài: Các nội dung của Dự thảo mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng. Tình trạng ứng viên có tài năng được tuyển dụng nhưng không có môi trường phù hợp để vận dụng năng lực, cơ chế xin - cho, điều kiện thủ tục đề nghị cấp phép các hoạt động/đề án/đề tài rườm rà, thiếu cơ chế tự làm - tự chịu trách nhiệm,… đã dẫn đến tâm lí chán nản ở không ít cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua khiến họ sẵn sàng rời khu vực công. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, có khoảng 40.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực công trong chưa đầy 3 năm gần đây. Như vậy cho thấy chính sách thu hút nhân tài chưa có tính bền vững, đến các công chức, viên chức thông thường cũng chưa “giữ chân” được một cách hiệu quả. Dự thảo có thể cân nhắc bổ sung các tiêu chí được sử dụng để đánh giá Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) trong đó bao gồm bốn tiêu chí quan trọng: Thu hút nhân tài, Phát triển nhân tài, Giữ chân nhân tài, Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài, và hai tiêu chí cân nhắc là: Kĩ năng/kĩ thuật đào tạo nghề, Kĩ năng tri thức toàn cầu.
* Thứ tư, chưa thể hiện được tính tự chủ của Chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng: Thủ đô Hà Nội, cũng giống như các địa phương khác sẽ luôn trải qua các thời kì phát triển khác nhau gắn với những yêu cầu đặc thù về điều kiện phát triển, trong đó có yêu cầu đối với thu hút, trọng dụng nhân tài.
Vì vậy, cần ghi nhận thẩm quyền tự chủ của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội trong việc đưa ra chính sách, quy định về thu hút nhân tài theo từng thời kì. Nếu đặt quy định về thu hút nhân tài về phần Những quy định chung và tương ứng có quy định về thẩm quyền tự chủ của Chính quyền tại Thủ đô sẽ hợp lí hơn so với việc đưa thẩm quyền tự chủ này vào các điều khoản riêng lẻ ở các Phần, các Chương. Thủ đô Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, nhưng các quy định của Nghị quyết cũng không có khác biệt lớn so với khung cơ chế chung toàn quốc về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Điểm khác căn bản là đãi ngộ về vật chất thu hút ban đầu, được hỗ trợ kinh phí học tập nâng cao năng lực. Nhưng xét theo chênh lệch về mức chi tại Thủ đô so với các địa phương khác cũng chưa hẳn là ưu đãi vượt trội. Chính quyền Thủ đô cần được trao thẩm quyền thự chủ mạnh hơn, sâu hơn trong cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhân tài.
Chính quyền Thủ đô cần được trao thẩm quyền thự chủ mạnh hơn, sâu hơn trong cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhân tài.
* Thứ năm, chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao: Đây là một trong số các yếu tố quan trọng cần được minh định rõ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực công. Ngoài chế độ lương và phụ cấp xét theo vị trí việc làm, cần có quy định về chế độ thù lao dành cho những cống hiến xuất sắc hoặc giá trị do các ứng viên tài năng tạo ra sau khi đã được tuyển dụng. Điều 18 mới chỉ quy định về chế độ tiền lương, thu nhập nói chung. Nội dung quy định về chế độ thù lao dành cho nhân tài, nhân lực chất lượng cao có thể đặt ở điều khoản chung về thu hút nhân tài; hoặc có khoản riêng trong Điều 18 về chế độ lương, thu nhập.
Hơn nữa, cũng nên có sự tách bạch giữa nhân tài trong khu vực công và nhân tài được thu hút về khu vực tư (vì cùng đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô). Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã trao cho Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh được quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Thành phố. Đây là kinh nghiệm để Dự thảo Luật Thủ đô nghiên cứu và bổ sung cho phù hợp.
Quy định về chế độ thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là một nội dung quan trọng trong Chương II về Chính quyền tại Thủ đô.
* Về tiêu đề: Để phù hợp với các chính sách cải cách tiền lương sắp được triển khai, tiêu đề của Điều 18 nên lược bỏ “tiền lương”, chỉ đề là “chế độ thu nhập” của cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm lương và các thu nhập khác phù hợp với chính sách cải cách tiền lương của Trung ương)
* Về nội dung: Dự thảo hiện tại (Dự thảo 5) mới chỉ đề cập đến việc chi thu nhập tăng thêm mà chưa bao gồm các nội dung cần thiết khác như:
Một là, nên thể hiện trực tiếp và rõ ràng nguyên tắc chi trả thu nhập theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ thuộc bộ máy Chính quyền Thủ đô trong Luật Thủ đô để có thể bắt nhịp kịp thời với thực tiễn cải cách chế độ tiền lương trong thời gian tới. Tránh trường hợp Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực nhưng phải đợi sửa đổi, bổ sung các Luật khác về lương, thưởng, phụ cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức. Bởi vì đây là một đạo luật, có giá trị pháp lí giống như các đạo luật khác về cán bộ, công chức, viên chức nên không cần chờ đợi các luật khác mà chỉ cần có chính sách đã được thông qua và điều kiện thực tiễn thì có thể triển khai ngay.
Hai là, bổ sung quy định thể hiện tính phân hóa trong cơ chế trả thù lao, đặc biệt đối với các trường hợp thuộc diện thu hút nhân tài (nếu không có quy định về chế độ thu nhập dành cho thu hút nhân tài ở Điều 17). Theo đó, việc chi trả thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức được minh định theo ít nhất hai cơ chế: (i) Cơ chế tuyển dụng thông thường sẽ cơ bản áp dụng theo chính sách cải cách tiền lương của Trung ương; (ii) Cơ chế tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài cần khẳng định cơ chế thu nhập theo thỏa thuận tương xứng với vị trí việc làm. Nếu có thể, nghiên cứu thêm cơ chế chi trả theo sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo, các sản phẩm có khả năng thương mại hóa hoặc sản phẩm sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã có những quy định về tài sản trí tuệ là sản phẩm có được từ hoạt động do ngân sách nhà nước đài thọ, đây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về chế độ thu nhập dành cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thủ đô khi tham gia vào các chương trình này. Đối với một số sản phẩm có khả năng khai thác thương mại lâu dài, chế độ chi trả thu nhập tương ứng sẽ có sức hút tốt hơn so với chính sách khen thưởng theo sản phẩm.
Ba là, cần có sự phân hóa về thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các ngành, lĩnh vực khoa học cơ bản so với các ngành, lĩnh vực có tính ứng dụng cấp thời. Đặc biệt là khoa học cơ bản về xã hội và nhân văn, bởi vì đây là lực lượng có nhiều đóng góp cho sự phát triển về các giá trị khó đo lường trong thời gian ngắn. Trái lại, thu nhập đối với lực lượng làm việc trong các ngành khoa học kĩ thuật - công nghệ, các khoa học ứng dụng thực tiễn lại có khả năng tạo ra các sản phẩm có tính thương mại hóa cao, rõ ràng thì có thể áp dụng cơ chế chi trả thù lao chung kết hợp thù lao theo sản phẩm như đã khuyến nghị ở trên.
* Về tính tự chủ của Chính quyền Thủ đô: Ban soạn thảo có thể cân nhắc tham khảo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã trao cho Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh thẩm quyền tự chủ quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Thành phố.
Đối với Thủ đô, cơ quan Hội đồng Nhân dân cũng nên được khẳng định thẩm quyền tự chủ tương ứng hoặc rõ nét hơn nhằm chủ động quyết định về thu nhập dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong những trường hợp, hoàn cảnh đặc biệt (chứ không chỉ riêng đối với thù lao khi thu hút nhân tài)./.
|
Đại biểu Trần Thị Thu Đông
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
|