TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 13/12: UBTVQH XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC THÀNH LẬP MỘT SỐ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC TỈNH BẮC GIANG VÀ THANH HOÁ

13/12/2023

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 28, 8h00 sáng 13/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN THỨ 28 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 28

Sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tóm tắt các tờ trình liên quan đến việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sẽ có báo cáo về công tác thẩm tra các nội dung trên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật chi tiết nội dung thông tin:

8h00: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, xem xét 19 nội dung. Chương trình chi tiết phiên họp đã được gửi tới các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khách mời tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; đại diện lãnh đạo UBTW MTTQ Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa.

Tiếp đến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

8h01: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3 ngày, cho ý kiến về 19 nội dung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với 02 dự thảo luật chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác, như quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, còn một số nội dung khác liên quan đến tài chính ngân sách còn tồn đọng và cấp bách trước mắt và một số dự án quan trọng quốc gia, do vậy có khả năng sẽ cần tổ chức Kỳ họp bất thường trong thời gian tới.

Nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2023; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...). Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Nhóm vấn đề thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 11 nội dung quan trọng về tài chính ngân sách, địa giới hành chính và nhân sự. Trong đó có 9 nội dung liên quan đến tài chính ngân sách, như việc phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2023, bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học công nghệ và sự nghiệp bảo vệ môi trường,  điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 của các địa phương,  bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, xem xét quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mỡ nhờn năm 2004.

Về vấn đề địa giới hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ quốc hội sẽ xem xét việc, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Nhóm vấn đề thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023. Xem xét, cho ý kiến, quyết định bằng văn bản đối với: Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, nội dung phiên họp nhiều, trong khi các công việc để kết thúc kỳ họp thứ 6 vẫn cần tiếp tục triển khai, đến nay cơ bản ban hành đủ các nghị quyết, ký chứng thực các luật, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sớm trình ký chứng thực các dự án luật còn lại; đồng thời, chuẩn bị các dự án luật được thông qua tại kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.

8h17: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiêp theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,  Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng. 

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày các tờ trình.

8h18: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt các tờ trình thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Bắc Giang có 3.895,9 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 2.004.332 người; có 10 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện; 209 ĐVHC cấp xã. Huyện Việt Yên có 171,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 229.162 người; có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 02 thị trấn và 15 xã). Tỉnh đề nghị thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên; đồng thời thành lập 09 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 07 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên. 

Kết quả sau khi thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên: tỉnh Bắc Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc; thị xã Việt Yên không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 09 phường và 08 xã); 09 phường thuộc thị xã sau khi thành lập không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua, thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của huyện Việt Yên thì việc thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên, thành lập 09 phường thuộc thị xã Việt Yên trên cơ sở 02 thị trấn và 07 xã thuộc huyện Việt Yên là cần thiết...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, hồ sơ Đề án bảo đảm các nội dung theo đúng quy định và UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc cụ thể sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Việt Yên và 09 phường thuộc thị xã Việt Yên.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và 09 phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Việt Yên, Chính phủ sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025, bảo đảm theo đúng Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hoá và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tỉnh Thanh Hóa đề nghị: nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).

Kết quả sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền: Tỉnh Thanh Hoá không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 558 ĐVHC cấp xã (giảm 01 ĐVHC cấp xã); huyện Thiệu Hóa không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 24 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 22 xã và 02 thị trấn, giảm 01 ĐVHC cấp xã (giảm 02 xã, tăng 01 thị trấn); thị trấn Thiệu Hóa mới có 17,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 28.352 người; thị trấn Hậu Hiền sau khi thành lập và đổi tên không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số....

Thị trấn Thiệu Hóa là trung tâm huyện lỵ của huyện Thiệu Hóa; nằm giữa 04 vùng kinh tế động lực của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thiệu Hóa (gồm thị trấn Thiệu Hóa và xã Thiệu Phú). Thị trấn Thiệu Hóa và khu vực dự kiến mở rộng (xã Thiệu Phú) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về mở rộng không gian phát triển đô thị và yêu cầu quản lý kinh tế, quản lý xây dựng, kiến trúc, quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phú, xã Minh Tâm nói riêng và huyện Thiệu Hóa nói chung.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, hồ sơ Đề án đã bảo đảm các nội dung theo quy định và UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc cụ thể sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền (trên cơ sở nguyên trạng xã Minh Tâm) thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đối với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, bảo đảm theo đúng Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

8h28: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Thay mặt cơ quan Thẩm tra Đề án thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã  Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và Đề án nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Ủy ban tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định; trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên đã bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ và địa phương. Một số ý kiến khác cho rằng, do xã Vân Hà nằm trong vùng thoát lũ nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn để phát triển thành phường là khó khả thi.

Mặt khác, tuy phần lớn xã Vân Hà bị bao bọc bởi sông Cầu nhưng xã Vân Hà vẫn tiếp giáp và có đường giao thông kết nối với xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên.

Do đó, đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu phương án sắp xếp đối với xã Vân Hà để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một cách tổng thể khi Chính phủ trình Đề án sắp xếp các Đơn vị hành chính (ĐVHC) của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2025, qua đó giúp giãn dân khỏi vùng thoát lũ, đồng thời có phương án di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khi có lũ lụt trên địa bàn; tránh việc lấy lý do vì có các ĐVHC mới được thành lập trên địa bàn để không thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.  

Về Đề án nhập xã thiệu phú vào thị trấn thiệu hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211. 

Qua rà soát, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa rà soát kỹ hơn các lý do đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 10/10 ĐVHC thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 của huyện Thiệu Hóa, bảo đảm theo đúng yêu cầu tại Điều 3 của Nghị quyết số 35, có biện pháp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc huyện Thiệu Hóa để đưa vào Đề án sắp xếp ĐVHC của tỉnh Thanh Hóa, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa theo các Tờ trình của Chính phủ đều phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Tại phiên họp thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bắc Giang và tỉnh Thanh Hóa quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn thị xã Việt Yên và huyện Thiệu Hóa theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, có sự tiếp nối của giai đoạn 2023 - 2025 với giai đoạn 2026 - 2030, tránh trường hợp khi xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC trong giai đoạn 2026 - 2030 lại gặp khó khăn do không thể nhập, điều chỉnh với các ĐVHC khác liền kề. 

Thứ hai: Quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, khu vực thị trấn Thiệu Hóa mở rộng và khu vực dự kiến thành lập thị trấn Hậu Hiền, đặc biệt là các tiêu chuẩn thành phần chưa đạt mức tối thiểu theo quy định. 

Thứ ba: Khẩn trương có phương án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có phương án triển khai việc bố trí, sắp xếp 17 công chức dôi dư sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa hiệu quả để hoàn thành sớm nhất có thể nhằm chuẩn bị tốt cho công tác Đại hội đảng bộ các cấp và công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Thứ tư: Khẩn trương có phương án, giải pháp, xử lý tài sản, sắp xếp trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Thứ năm: Rà soát lại các nội dung công việc và thời hạn hoàn thành trong dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm rõ việc, rõ chủ thể chịu trách nhiệm và tiến độ hoàn thành. Trong đó, cần có phương án chủ động cập nhật, điều chỉnh thông tin liên quan về địa chỉ nơi cư trú của người dân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thay đổi các loại giấy tờ có liên quan khi người dân, doanh nghiệp có yêu cầu; rà soát, xem xét lại thủ tục thu hồi và sử dụng con dấu bảo đảm phù hợp với quy định của Chính phủ.  

Những nội dung nêu trên đã được đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ), Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cung cấp thông tin, giải trình, tiếp thu tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật và Chính phủ đã có Báo cáo giải trình cụ thể gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Ủy ban Pháp luật đã tiến hành biểu quyết với 100% thành viên tham dự phiên họp tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và Nghị quyết về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Về thời điểm có hiệu lực của 02 Nghị quyết, trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của các nghị quyết là ngày 01/02/2024 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC mới được thành lập (hiện trong dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết).

8h35: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ các nội dung này đã được chuẩn bị đầy đủ, sau khi thẩm tra, Chính phủ và các địa phương đã có báo cáo giải trình. Đây là hai đề án đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 28, được thực hiện theo quy trình điều chỉnh địa giới hành chính thông thường, Chính phủ và cơ quan thẩm tra có xem xét để đảm bảo từng việc sắp xếp đơn lẻ đều phù hợp với tổng thể trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với Bắc Giang, nội dung tập trung vào huyện Việt Yên, đưa huyện này thành thị xã, với dân số không đổi, diện tích không đổi, tổng số đơn vị hành chính không đổi, thành lập 9 phường mới trên cơ sở 7 xã cũ và 2 thị trấn cũ.

Đối với Thanh Hóa, tập trung vào huyện Thiệu Hóa, sau khi sắp xếp, huyện này sẽ giảm 2 xã, tăng 1 thị trấn. Tất cả các tiêu chuẩn, điều kiện đều đã được đáp ứng đầy đủ, chặt chẽ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung trọng tâm trong tờ trình, báo cáo thẩm tra.

8h40: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp liên quan đến quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn trong Tờ trình chưa đề cập đến nội dung liên quan đến quy hoạch – đây là vấn đề bắt buộc. Do vậy, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần khẳng định rõ vấn đề này trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biết quyết thông qua.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không nêu vấn đề nợ tiêu chí khi thành lập đô thị, do vậy phải khẳng định có hay không có tình trạng nợ tiêu chí khi thành lập đô thị.

Về đổi tên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là vấn đề phức tạp, cần làm rõ tại sao lại đổi tên từ Minh Tâm thành thị trấn Hậu Hiền. Bên cạnh đó, đối với xã Vân Hà nằm ở ngoài đê cần nghiên cứu, tính toán nên hay không nên sắp xếp, bố trí dân cư cho người dân khu vực thoát lũ. Mặc dù không nằm trong dự thảo nghị quyết nhưng trong phần sắp xếp có liên quan đến nhau -những vấn đề này cần làm rõ trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua.

8h44: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu

Giải trình về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã rất đầy đủ, bám đúng theo 5 tiêu chuẩn của khoản 2 ĐIều 128 của Luật Chính phủ, đồng thời bám đúng theo tinh thần của Nghị quyết 1211 và Nghị quyết 27 của UBTVQH.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Bộ còn căn cứ trên cơ sở của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đô thị và việc sắp xếp. Vì vậy, toàn bộ nội dung trình từ khi bắt đầu có Nghị quyết 35 của UBTVQH thì Bộ Nội vụ đã bám đúng theo tinh thần đó. 

Về việc sắp xếp đơn vị hành chính xã Thiệu phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, Bộ đã đảm bảo đúng theo quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị đã phê duyệt.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thực tế hiện có 56 tỉnh thành đã chuyển phương án, còn sau khi rà soát, một số tỉnh không nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi các địa phương triển khai thực hiện Kết luận 48 và Nghị quyết 35 của UBTVQH thì một số nơi có tâm lý chưa quyết liệt. Khi tổng hợp các phương án của các địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận thấy, đối với 56/56 địa phương, hiện chỉ 50% địa phương đảm bảo được việc sắp xếp. Còn lại cần căn cứ theo 4 tiêu chí đặc thù để đưa vào cơ chế đặc thù nên các địa phương không sắp xếp. 

Dự kiến số liệu khi các đơn vị sắp xếp lại theo hướng giảm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, sẽ có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã, và khả năng khi sắp xếp lại theo hướng giảm thì chỉ đạt 50% của các số nêu trên.

8h48: Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu:

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, nhất là việc xem xét sắp xếp xã Vân Hà trong sắp xếp các đơn vị hành chính tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Về quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh nội dung sắp xếp xã Vân Hà đã nằm trong quy hoạch của tỉnh, bảo đảm đầy đủ các tiêu chí đề ra.

8h49: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng phát biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết, tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu các nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, thực hiện đầy đủ các công việc trong thẩm quyền khi Nghị quyết được thông qua.

Về tên gọi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây, khi sáp nhập xã Thiệu Minh, xã Thiệu Tâm, nhân dân địa phương có nguyện vọng giữ lại tên của mỗi bên, để tạo thành tên xã Minh Tâm. Nhưng khi đưa vào quy hoạch đô thị, vì đây là vùng giao thông từ xưa, bà con địa phương muốn lấy lại tên chung cũ của vùng.

8h51: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ các Đề án đã đảm bảo đầy đủ, quá trình chuẩn bị hồ sơ, thủ tục lâu dài…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, 02 Đề án hôm nay Chính phủ trình đã đảm bảo đúng thẩm quyền. Công tác thẩm tra 02 Đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, Báo cáo thẩm tra và tài liệu đi kèm đảm bảo đầy đủ. Ủy ban Pháp luật cũng nêu lên một số ý kiến lưu ý với Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương về việc thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 117 của Chính phủ trong giai đoạn tới…

Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội và Bộ Nội vụ rà soát Thông báo gửi Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để yêu cầu khẩn trương phối hợp thực hiện đúng quy định của Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ trong việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023- 2025 đảm bảo những vấn đề như yêu cầu đặt ra, trong đó có những vấn đề nổi cộm và đặc biệt phải chú ý về vấn đề quy hoạch và việc  đô thị là không được nợ tiêu chí…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác