CẨM NANG ĐỂ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THỐNG NHẤT VIỆC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

13/12/2023

Theo chương trình, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, tạo sự thống nhất, đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình nói riêng, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói chung.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 28: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN ĐỐI VỚI 19 NỘI DUNG QUAN TRỌNG

Kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 được ban hành đến nay, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện. Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã thực hiện được nhiều phiên giải trình và thu được những kết quả tích cực.

Năm 2016, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng

Năm 2016, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình và nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan giải trình về việc thực hiện chính sách, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng. Đây là phiên giải trình đầu tiên trong năm đầu tiên thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Từ đó đến nay, hoạt động giải trình được một số cơ quan của Quốc hội quan tâm triển khai và thực hiện tăng cả về số cuộc và nội dung, lĩnh vực giải trình.

Đặc biệt trong năm 2023, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động tổ chức các phiên giải trình mang tính thời sự được cử tri, Nhân dân, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; Phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu…

Phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người (tháng 5/2023)

Việc tổ chức phiên giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ngày càng được chú trọng, có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Nhà nước. Thông qua hoạt động giải trình, các cơ quan của Quốc hội thu thập được thông tin nhiều chiều về vấn đề yêu cầu giải trình, trong đó, có thông tin quan trọng từ các đối tượng thụ hưởng chính sách. Các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, tạo chuyển biến tích cực đến công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan, giải tỏa bức xúc trong xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; đồng thời giúp giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quá trình triển khai phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được tiến hành theo đúng quy định tại Điều 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các phiên giải trình đã thu hút được sự tham gia đông đảo của đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đại diện một số cơ quan liên quan. Không khí thảo luận tại các phiên giải trình diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi, ý kiến phản biện thẳng thắn, chất lượng, góp phần làm rõ những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trong đó, có việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng một video clip liên quan đến nội dung giải trình kết hợp cùng các báo cáo đã tạo sự sinh động, hấp dẫn và tăng tính thuyết phục.

Hình ảnh tại Phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ yếu tập trung vào những vấn đề thiết thực, có tính thời sự, bức xúc, được các đại biểu Quốc hội và dư luận, cử tri quan tâm. Có thể nói, đây là hình thức giám sát có ý nghĩa quan trọng, giúp cho hoạt động giám sát được kịp thời hơn đối với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống, góp phần giảm tải nội dung chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

Sau mỗi phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ban hành kết luận vấn đề được giải trình, trong đó tập trung những đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đối với vấn đề  được yêu cầu giải trình. Đồng thời, kết luận cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với cơ quan, người có trách nhiệm giải trình và cơ quan, tổ chức có liên quan cần thực hiện.

Một số cơ quan của Quốc hội đã quan tâm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nội dung kiến nghị trong kết luận vấn đề được giải trình như Ủy ban Tư pháp đã tiến hành đánh giá, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị số 561/KN-UBTP14 tại phiên giải trình về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em” (năm 2017). Sau phiên họp đánh giá, Ủy ban Tư pháp đã ban hành Kiến nghị số 1887/KN-UBTP14 ngày 05/05/2019 về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung để các cơ quan hữu quan thực hiện. Trong một số trường hợp, việc đánh giá thực hiện kiến nghị trên được lồng ghép vào việc thẩm tra báo cáo công tác hằng năm của các cơ quan trình Quốc hội.

Hình ảnh tại phiên giải trình của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (tháng 9/2023)

Bên cạnh đó, việc tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có lúc chưa có sự thống nhất về trình tự, cách thức thực hiện. Mỗi Ủy ban có cách thức tổ chức riêng, chưa có quy định về tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình; do vậy, hiện nay việc lựa chọn vẫn dựa trên cơ sở những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm,  phản ánh nên có phần trùng lặp với nội dung giám sát chuyên đề của Ủy ban hoặc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc chưa có quy định thống nhất về cách thức tiến hành các phiên giải trình nên chưa tạo được tính chủ động cho các chủ thể yêu cầu giải trình, đối tượng được yêu cầu giải trình, các đối tượng có liên quan cũng như các cơ quan phục vụ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phiên giải trình; đối tượng tham dự các phiên giải trình còn hạn chế, chưa thật đầy đủ; thiếu những thông tin mang tính phản biện, thiếu sự tham dự của những chuyên gia hoặc đối tượng chịu tác động của chính sách nên phần nào ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giải trình.

Ngoài ra việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình cũng chưa được thường xuyên. Trên thực tế, vẫn có sự khác nhau giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đánh giá hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình (có cơ quan tổ chức giám sát việc thực hiện kiến nghị trong kết luận, có cơ quan ban hành văn bản yêu cầu thực hiện kiến nghị trong kết luận hoặc lồng ghép trong quá trình thẩm tra báo cáo công tác của cơ quan giải trình...).

Theo chương trình, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội thì cần phải tiếp tục đổi mới hoạt động giải trình, theo hướng lựa chọn đúng, trúng, kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể tổ chức phiên giải trình và đối tượng giải trình; phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của chính sách tham gia phiên giải trình.

Tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bảo đảm hoạt động giải trình được thực hiện thường xuyên, nề nếp, qua đó sẽ giúp các cơ quan của Quốc hội vào cuộc tốt hơn, thường xuyên hơn trong việc giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống; đồng thời, góp phần giảm áp lực cho các hoạt động giám sát khác của Quốc hội.

Để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình thì cần việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về giám sát của Quốc hội nói chung, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nói riêng đã và đang đặt ra và cần được thực hiện trước một bước.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng cho ý kiến 

Trước đó, tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng hiện nay, các quy định về hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cơ bản mang tính quy định khung, nguyên tắc, nhiều nội dung chưa cụ thể, gây khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Do đó, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, căn cứ quy định tại Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và quy định của các luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện phương thức giám sát này có tính chất cẩm nang để hướng dẫn thực hiện thống nhất việc tổ chức hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Văn bản này sẽ tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ sở để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội triển khai áp dụng đồng bộ, thống nhất. Nghị quyết không đặt ra các quy định mới mà cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện quy định trong các luật có liên quan về lựa chọn, quyết định nội dung giải trình, trình tự tổ chức hoạt động giải trình, thực hiện kết luận giải trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan… tương tự như nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật và nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo xác định phạm vi hướng dẫn của Nghị quyết là đối với hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là một trong các phương thức giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, không mở rộng đối với “giải trình” trong công tác xây dựng pháp luật. Điều này cũng phù hợp với khái niệm “giải trình” đã được quy định tại khoản 8 Điều 2 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Thông qua hoạt động giải trình sẽ góp phần làm rõ hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thực hiện pháp luật, những vướng mắc, bất cập (nếu có) của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, là nguồn thông tin đầu vào quan trọng phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Bảo Yến

Các bài viết khác