GÓC NHÌN: ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
GÓC NHÌN: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN SẼ THÁO GỠ NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (dự thảo Luật).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản và bổ sung 01 Điều mới, tập trung vào các quy định về: (1) tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; (2) trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; (3) trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên một số quy định của dự thảo Luật còn có điểm bất cập, chưa phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cần được rà soát, xem xét nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất.
Khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 35 Luật Đấu giá tài sản quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Theo đó, dự thảo Luật quy định theo hướng chia ra các trường hợp với việc niêm yết, thời gian niêm yết là khác nhau, cụ thể:
- Đối với tài sản là động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức hoặc nơi cư trú của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là cá nhân, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá;
- Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức hoặc nơi cư trú của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là cá nhân, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Đối với tài sản đấu giá là bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản... (Hình minh họa)
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Bất động sản bao gồm:
a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, đất đai là một trong những loại bất động sản, nhưng theo quy định của dự thảo Luật thì lại quy định khác nhau về nơi niêm yết và thời gian niêm yết giữa tài sản là bất động sản và tài sản là quyền sử dụng đất, cụ thể:
- Trường hợp tài sản là bất động sản:
+ Nơi niêm yết việc đấu giá tài sản gồm: (1) trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; (2) trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức hoặc nơi cư trú của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là cá nhân; (3) nơi tổ chức cuộc đấu giá; (4) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá.
+ Thời gian niêm yết: Ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
- Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì lại quy định việc niêm yết như sau:
+ Về địa điểm niêm yết: (1) trụ sở của tổ chức tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; (2) trụ sở của người có tài sản; (3) nơi tổ chức cuộc đấu giá.
+ Thời gian niêm yết: Ít nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đất đai chính là bất động sản. Do đó, việc dự thảo Luật tách và quy định khác nhau giữa tài sản là bất động sản với tài sản là quyền sử dụng đất là không hợp lý (Bất động sản thì quy định phải niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản, thời gian niêm yết ít nhất 15 ngày; quyền sử dụng đất thì lại không niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; thời gian niêm yết lại phải gấp đôi là 30 ngày).
Đề nghị quy định thống nhất giữa nơi niêm yết việc đấu giá tài sản và thời gian niêm yết việc đấu giá tài sản đối với tài sản là bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất.
Dự thảo Luật hiện quy định theo hướng chia ra nhiều trường hợp cụ thể, đối với mỗi trường hợp lại có quy định khác nhau (về thời gian, thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ, về mức nộp, thời gian nộp tiền đặt trước, về thông báo người đủ/không đủ điều kiện tham gia đấu giá...), điều này dẫn đến việc áp dụng sẽ phức tạp, khó khăn, có thể gây nhầm lẫn. Một số điểm bất cập cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc quy định người có tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản là chưa phù hợp và đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn.
Theo đó, tại điểm b khoản 12 Điều 1 của dự thảo Luật về bổ sung khoản 2a Điều 38 Luật đấu giá tài sản quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì người có tài sản căn cứ quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá và thông báo cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, người không đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
Quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản đều là tài sản có giá trị lớn, việc tổ chức đấu giá phải trải qua nhiều khâu, trình tự thủ tục nhất định, việc đấu giá tài sản này so với những tài sản thông thường sẽ phức tạp hơn. Việc “giao” cho người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, có thể dẫn đến bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai trên thực tiễn, nhất là đối với trường hợp đấu giá tài sản có số lượng người tham gia đấu giá đông, như đấu giá quyền sử dụng đất. Việc xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá trong những trường hợp này cần được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền có đủ nhân lực, năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật liên quan đến tài sản đấu giá. Do đó, đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định đảm bảo hợp lý (có thể giao tổ chức đấu giá tài sản là cơ quan thực hiện việc xét duyệt việc đáp ứng hay không đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá vì tổ chức đấu giá tài sản có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao trong hoạt động đấu giá).
Quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản đều là tài sản có giá trị lớn, việc tổ chức đấu giá phải trải qua nhiều khâu, trình tự thủ tục nhất định, việc đấu giá tài sản này so với những tài sản thông thường sẽ phức tạp hơn. (ảnh minh họa)
Ví dụ: Trong đấu giá quyền sử dụng đất, để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này;
b) Phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 58 của Luật này đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư”.
Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 quy định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau đây:
“a) Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;
b) Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;
c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác”.
Như vậy, việc thẩm định điều kiện của người tham gia đấu giá trong trường hợp này không phải là điều dễ dàng: Phải thẩm định, xác định điều kiện về năng lực tài chính; xác định người sử dụng đất có vi phạm quy định của pháp luật về đất đai không; đã thực hiện ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư hay chưa. Nên cần cân nhắc lại việc quy định người có tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá.
Thứ hai, dự thảo Luật quy định về thời gian nộp tiền đặt trước khác nhau, thông báo người đủ/không đủ điều kiện tham gia đấu giá khác nhau, tùy thuộc vào từng trường hợp và khi đối chiếu với quy định về tiếp nhận hồ sơ đấu giá, có điểm bất cập sau:
- Tại điểm c khoản 13 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản, quy định như sau: “Người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày làm việc”.
Đối chiếu với quy định về tiếp nhận hồ sơ đấu giá tại điểm a khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày làm việc, trừ trường hợp quy định tại khoản 2a và khoản 2b Điều này. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc”.
Theo đó trong trường hợp này, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước được quy định cùng mốc thời gian với nhau là kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày làm việc. Việc nộp tiền đặt trước thực hiện trước khi có thông báo người không đủ điều kiện tham gia đấu giá, không phụ thuộc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện tham gia đấu giá (vì thông báo không đủ điều kiện tham gia đấu giá trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc) và chỉ thông báo đối với người không đủ điều kiện, không quy định việc thông báo đối với người đủ điều kiện.
Với quy định này sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra: Một là, có thể nộp hồ sơ đồng thời nộp tiền đặt trước luôn; Hai là, nộp hồ sơ trước sau đó nộp tiền đặt trước sau (miễn là vẫn trong khoảng thời gian quy định). Nếu nộp hồ sơ trước sau đó nộp tiền đặt trước sau sẽ không tránh khỏi trường hợp “thông đồng”.
- Còn trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá mới phải nộp tiền đặt trước và được thực hiện chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc. Thời điểm nộp tiền đặt trước với thời điểm nộp hồ sơ tham gia đấu giá trong trường hợp này là khác nhau. Đối với thông báo, thì phải thông báo cho cả người đủ/người không đủ điều kiện.
Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 1 của dự thảo Luật về bổ sung khoản 2a Điều 38 Luật Đấu giá tài sản và điểm c khoản 13 Điều 1 của dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản: “Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá, trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 15 ngày.
…
Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo cho người tham gia đấu giá đáp ứng yêu cầu, điều kiện, người tham gia đấu giá không đáp ứng yêu cầu, điều kiện chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá”.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản quy định tại khoản 2a Điều 38 của Luật này nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc.
Như vậy, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá (15 ngày trước ngày đấu giá) cho đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (01 ngày trước ngày đấu giá) là một khoảng thời gian tương đối dài, hơn chục ngày. Quy định này có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá “thông đồng”, thỏa thuận với nhau. Khi nộp hồ sơ thì có thể rất đông người nộp hồ sơ, “tạo cơn sốt thị trường ảo”, tuy nhiên khi nộp tiền đặt trước thì lại chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản, trong đó có thể có những trường hợp mặc dù đủ điều kiện nhưng họ sẽ không nộp tiền đặt trước. Đặc biệt, việc quy định nộp tiền đặt trước chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc là thời gian quá sát, gấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho tổ chức đấu giá cũng như đơn vị có tài sản và các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho cuộc đấu giá đối với tài sản đông người đăng ký tham gia đấu giá.
Do đó, để thống nhất trong quy định, thuận lợi và dễ áp dụng trên thực tiễn, tránh việc mỗi trường hợp, mỗi loại tài sản lại quy định một kiểu, gây khó hiểu và khó áp dụng; đồng thời để hạn chế việc “thông đồng”, đề nghị nghiên cứu, không phân ra quá nhiều trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng: Tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước, trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước; thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau. Đối với Thông báo thì thông báo cả người đủ và người không đủ điều kiện tham gia đấu giá, lý do không đủ điều kiện để những người đã nộp hồ sơ tham gia đấu giá đều nắm được, đảm bảo công khai, khách quan.
Thứ ba, liên quan đến trả lại tiền đặt trước. Dự thảo Luật quy định, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại cho người tham gia đấu giá khoản tiền đặt trước mà người tham gia đấu giá đã nộp nhưng không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thông báo hoặc thời hạn khác do các bên thỏa thuận.
Quy định trên có điểm bất cập sau:
Một là, với quy định trên, trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không đủ điều kiện tham gia đấu giá thì được trả lại khoản tiền đặt trước đã nộp, không đề cập đến tiền lãi của khoản tiền đặt trước (nếu có). Trong khi đó, quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều luật đều có quy định về tiền lãi của tiền đặt trước (3. Người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết, thông báo công khai; trường hợp khoản tiền đặt trước phát sinh lãi thì người tham gia đấu giá được nhận tiền lãi đó. 4. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại khoản tiền đặt trước và thanh toán tiền lãi (nếu có) trong trường hợp người tham gia đấu giá không trúng đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá hoặc trong thời hạn khác do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này. 5. Trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
Do đó, đối với quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 39, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về tiền lãi (nếu có) của tiền đặt trước trong trường hợp người nộp tiền đặt trước không đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Hai là, việc dự thảo Luật sắp xếp quy định việc trả lại tiền đặt trước thành một đoạn riêng, sau quy định về việc nộp tiền đặt trước trong các trường hợp cụ thể, đặc biệt là sau quy định về trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản là chưa hợp lý. Vì sẽ dẫn đến 02 cách hiểu, một là hiểu quy định này áp dụng chung cho các trường hợp, hai là hiểu quy định này áp dụng cho trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản. Và dù có hiểu theo cách nào, thì việc sắp xếp vị trí của nội dung quy định liên quan đến trả lại tiền đặt trước là chưa hợp lý. Bởi vì như trên đã trình bày trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá mới phải nộp tiền đặt trước, do đó sẽ không có trường hợp trả lại tiền đặt trước trong trường hợp này do không đủ điều kiện đấu giá.
Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét chuyển nội dung quy định về trả lại tiền đặt trước cho người không đủ điều kiện đấu giá ở vị trí hợp lý (có thể chuyển lên sau đoạn thứ 2 của khoản 2).
ThS.Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Thứ tư, tại điểm b khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Đối chiếu với quy định của pháp luật về khoáng sản về nội dung này thấy điểm bất cập, bởi theo quy định của pháp luật về khoáng sản thì để đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì tiền đặt trước, giá khởi điểm phải tính bằng tiền (và để xác định được khoản tiền đặt trước thì phải xác định được giá khởi điểm), cụ thể:
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 03 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Nghị định số 22/2012). Tiền đặt trước được quy định như sau:
“1. Tiền đặt trước là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải nộp trước khi tham gia phiên đấu giá được tính bằng đồng Việt Nam. Tiền đặt trước do Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản (dưới đây gọi chung là Hội đồng đấu giá) quyết định theo quy định như sau:
a) Đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, tiền đặt trước bằng 1% đến 15% giá khởi điểm;
b) Đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, tiền đặt trước được xác định trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản và được tính như Điểm a Khoản này”.
Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 22/2012 quy định: “2. Giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”.
Khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012:
“1. Giá khởi điểm đối với khu vực đã có kết quả thăm dò là giá đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản, được tính bằng tiền đồng Việt Nam.
2. Giá khởi điểm đối với khu vực chưa thăm dò khoáng sản là mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%)”.
Như vậy theo các quy định trên thì để xác định được tiền đặt trước khi tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì vẫn phải xác định được giá khởi điểm bằng tiền. Do đó, để phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật về khoáng sản thì đề nghị xem xét, nghiên cứu lại nội dung liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại điểm b khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật.
Với các phân tích, đóng góp ý kiến nêu trên, tôi hy vọng sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đảm bảo các quy định được thống nhất, phù hợp và có tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành./.
|
ThS.Hồ Thị Kim Ngân
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Kạn
|