HỘI THẢO: QUỐC HỘI TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO TINH THẦN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

15/12/2023

Sáng 15/12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì hội thảo.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ CẤU TỔ CHỨC QUỐC HỘI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có: các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện Văn phòng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội & Hội đồng nhân dân; đại diện một số vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp;…

Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển khai nghiên cứu khoa học của Đề tài cấp Bộ: “Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức Quốc hội nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng” do Ths. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ nhiệm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, tiếp tục cải cách thể chế, tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là một quá trình liên tục từ khi Đảng ta khởi xướng sự nghiệp đổi mới. Trong quá trình này, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội được tiến hành qua các nhiệm kỳ, có bước đột phá khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Đổi mới cơ cấu tổ chức của Quốc hội tác động mạnh mẽ đến hoạt động lập pháp và ở chiều ngược lại, yêu cầu, kết quả hoạt động lập pháp cũng khơi gợi, tác động đến định hướng đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, của bộ máy nhà nước.

Trước yêu cầu khách quan và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm vụ đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tiếp tục được đặt ra.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội thảo

Để có thêm cơ sở và định hướng hoàn thiện Đề tài, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, các ý kiến tại hội thảo tập trung đánh giá, phân tích thực trạng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Các tham luận trình bày tại Hội thảo đã nêu nhiều nội dung liên quan tới: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền XHCN; Bảo đảm tinh thần thượng tôn Hiến pháp, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Bảo đảm vai trò của Quốc hội trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước đối với Chính phủ và các cơ quan tư pháp; Mối quan hệ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện quyền lực nhà nước; Vai trò của đại biểu Quốc hội nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong Nhà nước pháp quyền;…

TS. Nguyễn Đức Thụ, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Văn phòng Quốc hội

Góp ý tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thụ, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Văn phòng Quốc hội cho biết, Đảng lãnh đạo toàn diện đối với Quốc hội thông qua cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Trong tất cả các nhiệm kỳ đại hội, Đảng luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX và X, Đảng lãnh đạo đối với Quốc hội chủ yếu thông qua các văn kiện đại hội, nhất là Báo cáo Chính trị của các kỳ Đại hội.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Thụ, các kỳ Đại hội của Đảng luôn chú trọng chỉ đạo đổi mới Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Việc lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội ngày càng toàn diện, đòi hỏi Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ths. Ngô Tự Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu

Liên quan đến mối quan hệ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện quyền lực nhà nước, Ths. Ngô Tự Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ, vừa qua, nhất là từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Để tăng cường mối liên hệ nhất là trong hoạt động giám sát, hướng dẫn hoạt động của Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân, Ths. Ngô Tự Nam, kiến nghị một số vấn đề: Cần có quy định việc Chủ tịch Hội đồng nhân dân không phải là ĐBQH được mời tham dự các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp toàn thể của Quốc hội khi Quốc hội thảo luận những vấn đề có liên quan đến địa phương. Chủ tịch Hội đồng nhân dân được mời tham dự kỳ họp Quốc hội được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc địa phương mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý hoặc có trách nhiệm phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội; Nghiên cứu để trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất cần có ý kiến của chính quyền địa phương cùng tham gia giải trình, cùng tìm biện pháp tổ chức thực hiện;

Ngoài ra, Ths. Ngô Tự Nam cũng đề nghị khi xem xét, sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, nội dung quy định trách nhiệm của Quốc hội về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (trong đó có Hội đồng nhân dân) cần được quy định cụ thể; Nghiên cứu để quy định cụ thể đại biểu Quốc hội được bầu tại địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;…

TS. Nguyễn Thị Việt Nga ,Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Thị Việt Nga ,Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đại biểu Quốc hội là nhân tố quan trọng cấu thành nên các thiết chế của Quốc hội, là hạt nhân trung tâm của Quốc hội, các hoạt động của đại biểu Quốc hội tạo nên kết quả hoạt động chung của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội từng bước được khẳng định, đề cao qua các thời kỳ, thể hiện rõ nét trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản có liên quan

Đưa ra giải pháp nâng cao vị trí, vai trò chất lượng của đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, trong quá trình lựa chọn người giới thiệu ứng cử, bầu cử, cần kết hợp hài hòa giữa các yếu tố về tiêu chuẩn, năng lực, trình độ của đại biểu với yêu cầu về đảm bảo cơ cấu thành phần; cần cân đối phân bổ cơ cấu phù hợp giữa các địa phương; Tiếp tục chú trọng, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các ĐBQH đặc biệt là đối với các ĐBQH trong thời gian đầu của nhiệm kỳ; quy định cụ thể thời gian và cách xác định thời gian tham gia các hoạt động đại biểu của các ĐBQH, đồng thời đưa tiêu chí bảo đảm thời gian tham gia hoạt động Quốc hội vào căn cứ đánh giá ĐBQH;…

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến chuyên gia còn đưa ra nhiều đề xuất nhằm hoàn thiện mối quan hệ các cơ quan trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Giải pháp bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội;…

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu kết luận hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ đánh giá cao các ý kiến phát biểu, trong đó đã nêu thực trạng, gợi mở nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội,...

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Ban chủ nhiệm Đề tài tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ làm cơ sở hoàn thiện Đề án; đồng thời mong muốn các đại biểu, chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến vào các nội dung của Đề tài trong quá trình hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, mục tiêu nghiên cứu đề ra.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Hội thảo “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội  XIII của Đảng”

 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì hội thảo.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

TS. Nguyễn Đức Thụ, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Văn phòng Quốc hội

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Ths. Ngô Tự Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu

Ths. Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hải Dương

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội

TS. Nguyễn Thị Việt Nga ,Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Cao Mạnh Linh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Ông Trương Quốc Hưng - Phó Trưởng ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp

Các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia tham dự hội thảo

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu tại hội thảo

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ

Quang cảnh hội thảo “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng”./.

Lê Anh - Nghĩa Đức