GÓC NHÌN: “ĐẠI GIÁM SÁT” THỰC THI KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TẠI MỘT KỲ HỌP

16/12/2023

Kỳ họp thứ 6 vừa qua có lẽ là lần đầu tiên trong một kỳ họp, Quốc hội sử dụng tới 6 trong số 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội đã được luật định: Xem xét báo cáo của các cơ quan nhà nước; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm; xem xét báo cáo giám sát của cơ quan của Quốc hội; rà soát hệ thống văn bản pháp luật. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết phân tích những hiệu quả thiết thực từ việc tiến hành nhiều hoạt động giám sát trong một kỳ họp Quốc hội.

GÓC NHÌN: MỘT SỐ ĐIỂM BẤT CẬP CỦA DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong một kỳ họp, Quốc hội sử dụng tới 6 trong số 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội đã được luật định: Xem xét báo cáo của các cơ quan nhà nước; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm; xem xét báo cáo giám sát của cơ quan của Quốc hội; rà soát hệ thống văn bản pháp luật (chỉ trừ hình thức thành lập Ủy ban lâm thời là hình thức hiếm khi phải sử dụng). Trong 6 hình thức đã được giám sát tại kỳ họp thứ Sáu, cử tri đặc biệt quan tâm các hình thức xem xét báo cáo (nhất là thảo luận kinh tế - xã hội), lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong 2,5 ngày thảo luận kinh tế - xã hội đã có tới 93 lượt đại biểu phát biểu (trong đó có 24 lượt đại biểu tranh luận), 5 Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia giải trình. Bên cạnh việc đánh giá đúng đắn, trân trọng những thành tựu đã đạt được, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến 5 chỉ tiêu có khả năng không đạt kế hoạch và nghiêm túc xem xét trách nhiệm cá nhân của những “chủ nhân” chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu này. Đó là các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP); GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.

Trong đó chỉ tiêu “bao trùm” là tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt trên 5% thay vì kế hoạch là 6%. Một mặt Quốc hội xác định đúng mức trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, nhưng mặt khác cũng thấy rõ hậu quả tác hại to lớn của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như ở nước ta (ngay trong tháng 10, khi Quốc hội đang thảo luận kinh tế - xã hội thì Quỹ tiền tệ thế giới - IMF đã có báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 nếu điều chỉnh theo lạm phát thì GDP toàn cầu cũng chỉ tăng 2,8%. Còn trước đó, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB đã dự báo, nền kinh tế thế giới có thể bị thiệt hại từ 5.800 đến 8.800 tỷ USD tương đương với 6,4% đến 9,7% GDP toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra)...

Cử tri vui mừng khi biết Quốc hội thực sự quan tâm đến những vấn đề mà cử tri nung nấu. Đó là các vấn đề, sách giáo khoa (một bộ chung nhất hay nhiều bộ, làm sao khi con em học thì cùng lĩnh hội được nội dung kiến thức như nhau, hoặc khi chuyển trường thì không phải mua bộ sách khác...); khám, chữa bệnh thông tuyến ngay hay cứ nhất nhất phải có giấy chuyển viện, làm sao khắc phục được tình trạng vào viện thì ô-kê nhưng phải ra ngoài mua thuốc... Cử tri là lãnh đạo chính quyền địa phương thì quan tâm nhiều đến một loại “công cụ” làm việc, đó là văn bản quy phạm pháp luật được rầ soát, mong sao các vướng mắc, bất cập sớm được xử lý sớm... Quốc hội sống cuộc sống của dân, lo nỗi lo của dân, trăn trở những nỗi niềm trăn trở cuẩ dân, đó chính là niềm vui đích thực của mọi cử tri.

Nghiên cứu kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Nghị quyết số 102/2023/QH15 của Quốc hội ngày 25-10-2023, nhiều cử tri có những ý kiến, đánh giá, nhận xét rất đáng quan tâm:

Nhìn chung, tất cả 44 chức danh được lấy phiếu lần này đều đạt từ 70% trở lên khi đem cộng 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”, nghĩa là có thể yên tâm với các chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương hiện nay.

 Song, những người nắm giữ các chức danh trong bộ máy nhà nước cấp Trung ương, chắc chắn phải là những người đạt yêu cầu cao về tài năng, trí tuệ và đạo đức hơn người thì mới được đặt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhà nước. Bởi vậy, các chức danh này phải đạt mức “tín nhiệm cao” từ 70% trở lên mới xứng tầm chức danh mà mình đang nắm giữ và mới toại nguyện lòng dân.

Tuy nhiên, với các số liệu kết quả mà Nghị quyết của Quốc hội đã xác nhận thì trong 44 chức danh đã hình thành lên 3 cấp độ kết quả khác nhau.

- Có 24 chức danh đạt mức “tín nhiệm cao” từ 70% đến 93%, trong đó, khối Chủ tịch nước có 1/1 chức danh được lấy phiếu, khối Quốc hội có 16/17 chức danh được lấy phiếu, khối Chính phủ có 6/23 chức danh được lấy phiếu, khối Tư pháp và Kiểm toán nhà nước có 1/3 chức danh được lấy phiếu.

- Có 15 chức danh đạt “mức tín nhiệm cao” từ 50% đến dưới 70%, trong đó, khối Quốc hội có 1/17 chức danh được được lấy phiếu, tương tự như vậy, khối Chính phủ 12/23 chức danh, khối Tư pháp và Kiểm toán nhà nước 2/3 chức danh.

- Có 5 chức danh đạt mức “tín nhiệm cao” dưới 50%, cả 5 chức danh này đều thuộc khối Chính phủ.

Lấy phiếu tín nhiệm thực chất là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ - một kênh thông tin chính thống đánh giá cán bộ theo phương pháp “định lượng”. Các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm biết rõ “thứ bậc” của mình bằng những con số cụ thể. Chức danh đã đạt 70% mức “tín nhiệm cao” trở lên thì tiếp tục phấn đấu để lần sau đạt cao hơn; các chức danh đạt dưới 70% mức “tín nhiệm cao” càng phải gắng sức hơn nhiều, đặc biệt 5 chức danh mới đạt dưới 50% mức “tín nhiệm cao” chắc chắn còn phải “lao tâm, khổ tứ” gấp bội lần để làm tròn sứ mệnh, trọng trách của mình trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp Trung ương.

Tuy nhiên, một số cử tri tỏ ra phân vân, từ đây đến hết nhiệm kỳ khóa XV (tháng 7 năm 2026), không còn “bị lấy phiếu” nữa nên kết quả cao thấp thế nào thì “các vị” cũng yên vị tại nhiệm đến hết khóa. Trong khi yêu cầu hoàn thiện bộ máy và cán bộ trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị luôn được đặt ra thường xuyên, cấp bách. Các cử tri này nhớ lại và mong muốn một nhiệm kỳ phải lấy phiếu tín nhiệm ít nhất 2 lần như Quốc hội khóa XIII đã thực thi rất có hiệu quả (Người đứng đầu cơ quan hành pháp, lấy phiếu lần đầu có mức “tín nhiệm cao” áp chót, nhưng hơn một năm rưỡi sau, lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai, chức daanh này đã đạt áp nhất trong Chính phủ...).

Với quy mô tái chất vấn theo 10 nghị quyết (4 Nghị quyết Giám sát chuyên đề và 6 Nghị quyết các kỳ chất vấn) từ Quốc hội khóa XIV đến giữa nhiệm kỳ khóa XV với 4 nhóm vấn đề (kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính và tư pháp; văn hóa và xã hội) bao gồm 21 lĩnh vực kinh tế - xã hội; tất cả 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đều đã nhập cuộc, trả lời chất vấn. Chỉ trong 2,5 ngày (từ ngày 6 đến hết sáng ngày 8/11/2023) đã có tới 152 chất vấn, 39 tranh luận của các vị đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ và người đứng đầu các cơ quan tư pháp.

Tái chất vấn thực sự là một cuộc kiểm soát quyền lực với hiệu quả cao. Về phía cơ quan lập pháp, các câu chất vấn của đại biểu đều “thúc bách” các vị bị chất vấn làm sáng rõ trách nhiệm của các vị đã thực hiện phần việc của mình trong từng nghị quyết nói trên như thế nào, kết quả ra sao. Không ít cử tri tỏ ra thích thú khi có những vấn đề lần đầu tiên được chất vấn như chính sách ngoại giao - đối ngoại của Nhà nước; hoặc có những chất vấn - “kiểm chứng” ngay người đứng đầu Chính phủ xem thực thi cải cách chính sách tiền lương đã chuẩn bị được đến đâu... Thủ tướng Chính phủ đã trả lời rất rành rọt các câu chất vấn đó: Chúng ta đang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Triển khai đường lối đối ngoại này, chúng ta xác định thứ tự ưu tiên gồm: các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, các nước lớn...Việt Nam đã và đang nâng cấp quan hệ với các nước, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và nhiều nước G20...

Về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng khẳng định, quan trọng nhất là phải tạo nguồn kinh phí, đến nay Chính phủ đã chuẩn bị được 560 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách này theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018. Mặt khác Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thành xác định vị trí việc làm để có thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào đúng thời điểm 01-7-2024 mà Nghị quyết số 103/2023/QH15, ngày 9-11-2023 của Quốc hội về kến hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã khẳng định...

Trong khi trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ cũng “kiểm soát” lại cơ quan lập pháp thông qua việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện khoản 2 Điều 74 của Hiến pháp năm 2013, “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh” như thế nào. Chủ tịch Quốc hội cũng đã xác định: Những quy định đã rõ thì không cần giải thích; không có yêu cầu giải thích thì không giải thích; nếu cần giải thích thì phải có yêu cầu cụ thể...

Một kỳ họp mà nhiều hoạt động giám sát được lồng quyện vào nhiều nội dung của kỳ họp, trong đó tái chất vấn với phạm vi, quy mô lớn đã đưa mức độ thành công của kỳ họp lên một đỉnh cao mới. Đó chính là một nghề thuật điều hành - đổi mới tổ chức kỳ họp của Quốc hội. Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hoạt động giám sát đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp tục thực thi nghiêm chỉnh những phần việc còn lại. Còn đông đảo cư tri thì tỏ ra hài lòng với cách thức đổi mới từng kỳ họp và thấm nhuần sâu sắc hơn việc phân công, phối hợp thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước./.

                 

TS.Bùi Ngọc Thanh

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội