TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND

19/12/2023

Quốc hội và HĐND là những cơ quan thuộc hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, đại biểu của nhân dân. Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân là một trong số 13 nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhiệm vụ này tiếp tục được tăng cường, đổi mới, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THỐNG NHẤT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND

Hiến pháp 2013 và các đạo luật (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…) đã có nhiều quy định về mối quan hệ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện quyền lực nhà nước. Trong bài phát biểu tại Lễ Tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân”.   

Trong thời gian vừa qua, nhất là từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, cụ thể là: Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30 tháng 01 năm 2019 “Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân”. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2019; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 “Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp  thứ Tám, HĐND Tp.Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

Tiếp đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quan tâm và chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Nhờ đó, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong cả nước đã đạt nhiều kết quả trên các mặt: Hội đồng nhân dân các cấp đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ…Nhiều tỉnh, thành phố còn tổ chức các kỳ họp bất thường, kỳ họp chuyên đề để quyết định các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân đã ban hành nhiều nghị quyết, là cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương và toàn thể hệ thống chính trị ở địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, Hội đồng nhân dân đã thực hiện tốt hoạt động giám sát, có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023

Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã chú trọng đến việc tổ chức Hội nghị Hội đồng nhân dân các khu vực và toàn quốc để cùng trao đổi kinh nghiệm tổ chức , hoạt động, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội.

 Nghiên cứu về nội dung này, Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam cho rằng, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thường xuyên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hội đồng nhân dân. Để tăng cường mối liên hệ nhất là trong hoạt động giám sát, hướng dẫn hoạt động của Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân, Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam đưa ra một số kiến nghị như sau:

Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam

 Một là, về việc mời tham dự kỳ họp Quốc hội; dự thính tại phiên họp Quốc hội: Điều 93 Luật tổ chức Quốc hội quy định “Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội; dự thính tại phiên họp Quốc hội” không quy định Hội đồng nhân dân là đối tượng được mời tham dự, dự thính các kỳ họp Quốc hội”.

 Thực tiễn hiện nay khi tiến hành các kỳ họp Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban công tác đại biểu, đều có sự phối hợp để mời Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ra dự thính kỳ họp Quốc hội để học tập và rút kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động Hội đồng nhân dân. Do đó, đề nghị có quy định việc Chủ tịch Hội đồng nhân dân không phải là đại biểu Quốc hội được mời tham dự các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp toàn thể của Quốc hội khi Quốc hội thảo luận những vấn đề có liên quan đến địa phương.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân được mời tham dự kỳ họp Quốc hội được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc địa phương mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý hoặc có trách nhiệm phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội.

Hai là, về chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội: Nhiều năm qua, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội thường chỉ quan tâm đến các thành viên Chính phủ ở cấp Trung ương mà chưa thấy vai trò của lãnh đạo địa phương mà cụ thể là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Có thể nói, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là người hiểu rõ nhất nhiệm vụ, khó khăn, thuận lợi của địa phương.

Do đó, đề nghị nghiên cứu để trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất cần có ý kiến của chính quyền địa phương cùng tham gia giải trình, cùng tìm biện pháp tổ chức thực hiện. Rất cần có sự phân cấp, phân quyền một cách rành mạch, cụ thể, nhưng cũng rất cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa ban hành chính sách và tổ chức triển khai thực hiện chính sách thì mới hy vọng đạt kết quả tích cực.

Ba là, về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân: Đề nghị khi xem xét, sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, nội dung quy định trách nhiệm của Quốc hội về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (trong đó có Hội đồng nhân dân) cần được quy định cụ thể.

 Bốn là, về việc mời đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân: Khoản 1 Điều 81 Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định đại biểu Quốc hội được bầu tại địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, luật không quy định rõ việc đại biểu Quốc hội được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp nào? hay được mời tham dự cả 3 cấp? việc này vừa gây khó cho cơ quan mời, vừa gây khó cho đại biểu Quốc hội nếu như được mời mà không tham dự sẽ không làm tròn trách nhiệm. Mặt khác, đại biểu Quốc hội cũng rất khó bố trí thời gian để có thể tham dự. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để quy định cụ thể đại biểu Quốc hội được bầu tại địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

 Năm là, về trách nhiệm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân: Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân không  quy định, hướng dẫn tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát như thế nào? Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 “Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân” cũng không có quy định tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Do đó, mỗi địa phương còn có cách đánh giá khác nhau, dựa trên các tiêu chí khác nhau, không có sự thống nhất chung. Do dó, kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội sớm xây dựng các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát để hướng dẫn Hội đồng nhân dân tổ chức thực hiện./.

Lê Anh