GÓC NHÌN: BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC
GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)
GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: ĐIỂM TIẾN BỘ CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2006 đánh dấu sự phát triển quan trọng của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tạo tiền đề cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tới mọi người lao động, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện luật bảo hiểm năm 2006 có nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của đất nước nên ngày 20/11/2014 Quốc hội thông qua Luật bảo hiểm xã hội 2014 thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2006.
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã khắc phục những bất cập trong luật bảo hiểm xã hội năm 2006, những quy định trong luật đối với các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội đem lại nhiều lợi ích cho người lao động. Luật BHXH đã hạn chế tình trạng nợ đọng, lạm phát quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bước đầu thực hiện chế tài xử phạt hành chính đối với các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, bảo đảm quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng.
Công tác tuyên truyền Luât ngày càng đi vào chiều sâu, những thay đổi chính sách, hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội, đa dạng hình thức tuyên truyền, phù hợp với nhiều đối tượng, hướng về cơ sở, về người dân đã góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, nâng cao nhận thức của Nhân dân về chính sách bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.
Công tác cải cách hành chính và triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Khi bàn về chính sách xã hội, cũng như ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến nhu cầu, lợi ích chính đáng, thiết thực của con người. Đem lại lợi ích cho con người chính là tạo ra động lực vô cùng lớn lao cho sự nghiệp chung, vì xét đến cùng mục tiêu cao cả nhất của chủ nghĩa xã hội chính là "Làm cho Nhân dân lao động thoát khỏi nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, được ấm no và sống trong một đời hạnh phúc". Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân mình. Theo Bác “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân..."
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân mình. (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô-tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội, ngày 19/12/1963. Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Những quan điểm trên của Bác có hàm ý rộng lớn, sâu xa, chứa đựng rất nhiều nội dung của chính sách an sinh xã hội. Tư tưởng của Bác về an sinh xã hội đã được hình thành từ rất sớm mặc dù chúng ta thấy rằng suốt cả cuộc đời lãnh đạo cách mạng chưa một lần nào Bác nhắc đến cụm từ “An sinh xã hội”. Trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” xuất bản năm 1927, phần về vai trò của Công hội Bác đã viết: “Lại có bất thường phí, như để phòng lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người trong hội mất việc làm, hoặc làm các việc công ích”. Đây chính là ý tưởng manh nha của Bác về chính sách an sinh xã hội.
Việc Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 10 Chương và 136 Điều (tăng 01 Chương và 9 Điều). Dự thảo Luật đã bám sát các chính sách được Quốc hội thông qua như: xây dựng hệ thống bảo hiểm bao phủ và đa tầng, mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội, bổ sung nội dung quản lý, thu bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả, bền vững.
Dự thảo Luật đã cụ thể hóa 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
Dự thảo quy định, thời gian đóng BHXH giảm từ 20 năm xuống 15 năm (thì được hưởng lương hưu). Ảnh minh họa
Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hướng vào mục tiêu phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Để mọi công dân được đảm bảo an sinh xã hội thì chính sách xã hội cần phải tiếp tục cải cách, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trên nguyên tắc đánh giá, tổng kết, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, hài hòa giữa các chính sách như tiền lương, thu nhập và các trợ cấp xã hội khác.
Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để hoàn thiện các quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc như chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ hưu trí, hoàn thiện các quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về Bảo hiểm xã hội tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội.
Một là: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về BHXH tiếp tục hướng tới bảo hiểm toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm linh hoạt, đa dạng, hạ tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng và thụ hưởng bảo hiểm; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và phát triển bền vững.
Hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia bảo hiểm để bảo hiểm xã hội bao phủ toàn dân để đảm bảo an sinh xã hội.
Ba là: Cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí.
Bốn là: Quy định trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm và người thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Cũng như cần có quy định phù hợp về nguyên tắc đóng – hưởng công bằng với người có thời gian đóng dài, đóng mức cáo và người chỉ đóng đủ thời gian và đóng mức thấp để hưởng chế độ thai sản./.
|
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
|