GÓC NHÌN: GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆC HẠN CHẾ RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN?

22/12/2023

Làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến nguy cơ với hệ thống an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững. Để ngăn làn sóng này cũng như góp ý hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, trong chuyên mục Góc nhìn, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương với tiêu đề: “Giải pháp nào cho việc hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần?”.

GÓC NHÌN: ĐẦU TƯ NHIỀU HƠN CHO LĨNH VỰC VĂN HÓA

GÓC NHÌN: SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI GÓP PHẦN THỰC HIỆN TỐT AN SINH XÃ HỘI

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 665.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, bình quân mỗi tháng có hơn 110.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là con số rất đáng lo ngại vì hiện cả nước mới chỉ có 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tương đương khoảng 37,5% lực lượng lao động. Việc phát triển mạng lưới người tham gia BHXH mới rất khó khăn trong khi số người rút lại nhiều. Số người sau khi rút BHXH một lần quay trở lại tham gia BHXH không cao, chỉ khoảng 28%.

Làn sóng rút BHXH một lần cho đến nay hầu như vẫn chưa hạ nhiệt mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc giảm bớt con số này bằng nhiều cách như hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn, sửa đổi Luật BHXH... Bên cạnh nguyên nhân người lao động bị mất việc làm, cần có một khoản tiền chi trả cho cuộc sống trước mắt thì còn có nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến tình trạng này, đó chính là nhận thức về ý nghĩa, trách nhiệm tham gia BHXH của một bộ phận người lao động vẫn còn chưa đúng, chưa đầy đủ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 665.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức của người lao động về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả, biểu hiện ở con số người lao động rút BHXH một lần cũng như những định kiến sai lệch về BHXH còn tồn tại khá phổ biến. Công tác truyền thông về BHXH hiện còn kém về nhiều mặt:

Một là, về nội dung tuyên truyền nặng về chính sách khô khan.

Hai là, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, không hấp dẫn, chủ yếu thông qua panô, áp phích, tờ rơi, hội nghị, website và báo chuyên ngành nên khó được người dân hào hứng đón nhận.

Ba là, công tác truyền thông còn thiếu sự phối hợp tích cực giữa các cấp, các ngành. Nhiều khi chủ yếu do ngành BHXH tuyên truyền mà tự bản thân tuyên truyền về mình thì thường khó thuyết phục. Nhiều ngành, địa phương coi đó là việc của BHXH nên không mặn mà trong phối hợp cũng như chưa tích cực suy nghĩ, đề xuất cách thức truyền thông sao cho phong phú, hấp dẫn và hiệu quả.

Để hạn chế số người rút BHXH một lần, tăng độ phủ của BHXH, theo tôi, việc cần làm trước mắt cũng như lâu dài là phải nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, trách nhiệm của việc tham gia BHXH, thay đổi những cái nhìn sai lệch, thiếu thiện cảm về chế độ, chính sách BHXH.

Sau đây là một số rào cản tâm lý khiến người lao động lo lắng, nghi ngờ, không muốn tham gia BHXH mà chúng ta cần sớm thay đổi:

Thứ nhất, người lao động chưa hiểu rằng việc đóng BHXH không chỉ để bản thân người đóng nhận lương hưu và các chế độ BHXH khác mà còn để xây dựng chế độ an sinh xã hội chung cho tất cả mọi người. Vì thế, người lao động thường tính toán việc đóng BHXH sẽ bị “thiệt” ra sao so với việc gửi tiết kiệm hoặc mua các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Rất nhiều người lao động chưa nắm được về các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế khác trong xã hội của Nhà nước ta.

Thứ hai, người lao động lo lắng chế độ, chính sách BHXH sẽ có nhiều thay đổi bất lợi, sự trượt giá... dẫn đến việc mai sau họ được hưởng mức lương hưu thấp hoặc không có lương hưu. Vì vậy, họ thấy rút được tiền sớm ngày nào thì có lợi được ngày đó nên không muốn tham gia lâu dài.

Thứ ba, một bộ phận người lao động lo ngại trước những tiêu cực về sử dụng quỹ BHXH từng xảy ra trước đây cũng như sự rủi ro của việc sử dụng quỹ này đầu tư ngoài ngành.

Để thay đổi được những rào cản tâm lý này, rất cần sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Cần có những chiến dịch truyền thông bài bản, dài hơi với những nội dung, mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Ví dụ, với mỗi rào cản tâm lý tôi vừa nêu, cần xác định sự thay đổi hướng tới là gì. Từ đó, chúng ta mới xây dựng được cách thức truyền thông phù hợp. Hình thức truyền thông cần đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ tiếp cận người dân. Ví dụ, làm những bộ phim truyền hình nhiều tập về đề tài BHXH, lồng ghép trong những câu chuyện hấp dẫn, gay cấn. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài BHXH. Thông qua đội ngũ những người có ảnh hưởng trong xã hội, trên mạng xã hội, nhất là những người trẻ để truyền thông về BHXH trên các mạng xã hội, diễn đàn có đông người tham gia. Dựng các clip ngắn sinh động, hài hước up lên các mạng xã hội...

Để thực hiện hiệu quả những điều này, tôi xin nhấn mạnh lại là rất cần sự vào cuộc, chung tay, góp sức của các ngành, các cấp chứ không thể chỉ ngành BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ của một bộ phận người dân luôn cần thời gian và những hành động cụ thể. Tôi mong rằng sẽ có những đổi mới thiết thực trong nội dung, cách thức truyền thông về chế độ, chính sách BHXH và những đổi mới đó sẽ được thực hiện một cách kiên trì, bài bản.

Cùng với những giải pháp nêu trên, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và vấn đề rút BHXH một lần cũng là nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý. Do đó, trong phạm vi bài viết, tôi xin tham gia đóng góp ý kiến sâu hơn, cụ thể hơn vào dự thảo Luật về nội dung này và một số nội dung quan tâm.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tôi bày tỏ sự nhất trí với dự thảo Luật cũng như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội và các Uỷ ban khác của Quốc hội đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Việc xây dựng, ban hành Luật Bảo hiểm xã hội mới, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là cần thiết nhằm thế chế hoá Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, hoàn thiện các chính sách về an sinh xã hội, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như diện bao phụ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp so với tiềm năng, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thu hút được người dân tham gia…

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, tôi xin có một số ý kiến góp ý như sau:

(1) Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tại Điều 3 dự thảo Luật đã quy đinh mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bổ sung các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Tôi cho rằng, điều này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. Hầu hết tại các buổi tiếp xúc cử tri, cử tri đều kiến nghị nội dung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động ko chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; hay đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội của chủ hộ kinh doanh vừa qua cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể…

(2) Về điều kiện hưởng lương hưu

Tại Điều 64, dự thảo Luật đã điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thấp hơn 5 năm so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Quy định này sẽ thu hút được nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời tạo điều kiện thêm cho nhiều người được hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

 

Dự thảo quy định, thời gian đóng BHXH giảm từ 20 năm xuống 15 năm (thì được hưởng lương hưu). Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cùng với việc vừa tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay, đồng thời giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu có thể dẫn đến việc người lao động lợi dụng chính sách nhiều lần rút “bảo hiểm một lần”, sau đó lại tiếp tục quay lại tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với những người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ sớm. Ngoài ra, việc giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn tới tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.

Do đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hoá sự thay đổi này, vừa mở rộng các đối tượng được hưởng lương hưu, vừa đảm bảo mức lương hưu được hưởng để đảm bảo cơ bản đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.

(3) Về trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nội dung này được quy định tại Mục 1 Chương VI của dự thảo Luật. Số lượng người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay mặc dù đã có những chuyển biến, khởi sắc nhất định, tăng nhiều trong những năm gần đây; tuy nhiên vẫn chưa thực sự xứng đáng với tiềm năng và kỳ vọng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất đó là do các chính sách, chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người dân.

Do vậy, việc bổ sung quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là cần thiết, phù hợp với mong muốn của rất nhiều lao động, làm tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần thu hút lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tuy nhiên, cần xem xét tính toán việc quy định mức hưởng trợ cấp thai sản đối với bảo hiểm xã hội một lần theo nguyên tắc đóng - hưởng của bảo hiểm xã hội; không nên cào bằng đối với người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức cao và người tham gia bảo hiểm xã hội ở mức thấp đều được hưởng mức trợ cấp 2 triệu đồng như nhau. Điều này vừa không khuyến khích được người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng bảo hiểm ở mức cao, vừa dễ dẫn tới việc người lao động chỉ tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thấp, trong thời gian ngắn để trục lợi chính sách.

(4) Về bảo hiểm xã hội một lần

Vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 điều 102 của dự thảo Luật. Đây là một thực trạng vô cùng day dứt hiện nay, gây tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân. Thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến nhưng trong những năm qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa có xu hướng giảm. Đây là một vấn đề lớn, có tác động sâu sắc đến người dân, đặc biệt những trường hợp cần rút bảo hiểm xã hội một lần đều là những trường hợp thường có khó khăn về kinh tế, vì vậy rất dễ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Nếu không có những quy định triệt để, thì rất khó có thể dần xoá bỏ tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhưng đặt trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thì dường như việc loại bỏ hoàn toàn quy định về rút bảo hiểm một lần từ khi luật mới có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025) là chưa thực sự phù hợp.

Để hạn chế tình trạng này, tôi cho rằng, cần siết chặt các quy định theo 2 khía cạnh khác nhau:

- Thứ nhất, đó là trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

- Thứ hai, đó là quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút bảo hiểm xã hội một lần. Từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định sau đó mới có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo tôi, đối với nội dung này, Ban soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những phương án, lộ trình phù hợp nhất để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân.

(5) Về hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội

Nội dung này được quy định từ Điều 119 đến Điều 121 của dự thảo Luật. Hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, về cơ bản được thực hiện an toàn và bảo đảm được giá trị thông qua đầu tư tăng trưởng. Tuy nhiên, việc đầu tư hiện chưa mang lại hiệu quả cao, tạo nguồn thu cao cho Quỹ bảo hiểm xã hội do danh mục đầu tư chưa được đa dạng. Với nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao trong bối cảnh hiện nay, việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội đặt ra yêu cầu cần hiệu quả và mang lại giá trị tăng trưởng cao hơn nữa. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, cân nhắc mở rộng danh mục đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn tài chính của Quỹ Bảo hiểm xã hội./.

            

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương