CẦN ĐÔN ĐỐC, CHỈ ĐẠO, RÀ SOÁT, XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THUẬN LỢI CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ AN SINH XÃ HỘI

23/12/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, Nhà nước cần đôn đốc, chỉ đạo, rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi cho chuyển đổi số ASXH phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, liên quan đến xác minh dữ liệu, đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin và các quy định liên quan đến tính pháp lý về khai báo, kiểm soát, thụ hưởng ASXH trực tuyến.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, chuyển đổi an sinh xã hội (ASXH) số, có thể là bước cuối cùng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Vì vậy, chuyển đổi số trong ASXH không chỉ là đổi mới phương thức cập nhật thiết bị, công nghệ mà nó còn là vấn đề của thể chế, của văn hóa và con người. Để chuyển đổi và xây dựng hệ thống ASXH số ở Việt Nam theo hướng tiện lợi và hiện đại, cần tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, Nhà nước cần đôn đốc, chỉ đạo, rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi cho chuyển đổi số ASXH phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, liên quan đến xác minh dữ liệu, đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin và các quy định liên quan đến tính pháp lý về khai báo, kiểm soát, thụ hưởng ASXH trực tuyến. Đồng thời, kịp thời ban hành hướng dẫn, quy định về việc liên thông dữ liệu từ cơ sở KCB, tạo cơ sở cho việc triển khai hồ sơ sức khỏe trên VNEID; các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết bị xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp và lưu trữ lịch sử truy vấn thông tin sinh trắc để hạn chế và ngăn chặn trục lợi ASXH. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng hành lang pháp lý (Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân), tránh nguy cơ gây lộ, lọt, mất cắp dữ liệu cá nhân nói chung và ASXH nói riêng hiện nay nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ nay đến năm 2025, cần sát sao việc hoàn thiện thể chế ASXH trong kỷ nguyên số nhằm tạo ra mạng lưới ASXH số đa dạng, phong phú, sát hợp thực tiễn, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật an sinh số, hành lang pháp lý, thúc đẩy mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào phát triển ASXH số. Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp an sinh hay công nghệ an sinh như một giải pháp để phát triển hệ thống ASXH hiệu quả. Thiết kế lại chính sách ASXH gắn với đào tạo nguồn nhân lực, tăng độ bao phủ, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với tình hình mới và tương lai kỷ nguyên số.

Tạo cơ chế thúc đẩy hệ thống ASXH mạnh về nguồn lực, bao phủ toàn diện, an toàn, hiệu quả với cơ chế Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng đồng hành, đổi mới, kiến tạo và phát triển. Phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể an sinh trong đóng góp và thụ hưởng. Kịp thời, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH nhằm công khai, minh bạch ASXH của những chủ thể có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, nhanh chóng phát hiện để kịp thời xử lý và điều chỉnh đúng theo các quy định của pháp luật.

Hai là, các bộ ngành, địa phương cần tập trung triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính ASXH nói riêng, cập nhật vào kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương, xây dựng phương án cắt giảm bộ phận tiếp dân trực tiếp để đẩy mạnh DVC trực tuyến. Bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu, bất cứ ai đều có thể tiếp cận khai thác, khai báo thông tin và thụ hưởng ASXH một cách “đúng, đủ, sạch, sống”, từ đó, loại bỏ hoàn toàn những giới hạn về khoảng cách, tối ưu chi phí và nâng cao nhận thức, tư duy của nhân dân. Bên cạnh đó, cần phát triển trợ lý ảo và các nền tảng số hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ công việc, nghiệp vụ chuyên môn về ASXH hằng ngày.

Nhân rộng, triển khai trên toàn quốc các dịch vụ liên thông: Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí (hiện nay mới chỉ thí điểm ở Hà Nội và Hà Nam). Giải quyết dứt điểm các trường hợp nhân khẩu đặc biệt, nhà chưa đủ điều kiện cấp giấy tờ hợp pháp, nhà trên đất xen kẹt, trên đất nông nghiệp để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nói chung và đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH nói riêng liên quan đến BHYT, BHXH tự nguyện; tiếp cận dịch vụ xã hội tối thiểu…Đến năm 2030 cần xóa bỏ “Sổ hộ nghèo - cận nghèo giấy” để triển khai Sổ ASXH điện tử tích hợp (BHXH, BHYT, BHTN, KCB, TGXH, ưu đãi người có công, lao động - việc làm) liên thông với  Cổng DVC quốc gia về dân cư, tiện lợi cho quản lý và sử dụng, thụ hưởng.

Ba là, phát triển các “nền tảng số cốt lõi” cho chuyển đổi số ASXH, nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất cơ bản phải được trang bị hiện đại, đồng bộ trong các cơ quan quản lý ASXH có thể được thực hiện một cách đảm bảo và tối ưu, Nhà nước cần đảm bảo môi trường mạng thông suốt, ổn định, an toàn thông tin. Thực hiện việc này cần huy động được các nguồn lực chung tay hỗ trợ trang thiết bị đầu cuối và tham gia cung cấp các hệ thống, giải pháp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, kỹ năng số ASXH cần được nâng cao cùng với đào tạo, bồi dưỡng cho các bên tham gia.

Đồng thời, phát triển hạ tầng dữ liệu đồng bộ của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân để sử dụng, khai thác hiệu quả CSDL quốc gia, CSDL dùng chung các cấp. Hệ thống phần mềm ASXH phải tương thích và kết nối với nhau trong cùng một hệ sinh thái để phát triển các dịch vụ mới, sáng tạo và tuân thủ bảo mật thông tin.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thế hệ mới làm “Chuyên gia số, nhân lực số ASXH” với kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ hiện đại, hiệu quả bền vững để hỗ trợ nhà quản lý, doanh nghiệp, người thụ hưởng ASXH sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật số nhằm đạt được các mục tiêu ASXH. Từ đó, hoàn thành việc kiến tạo “Niềm tin số” với Nền tảng tín nhiệm mạng.

Bốn là, tăng cường mở rộng các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại, đảm bảo có ít nhất mỗi xã/phường/thị trấn/thôn bản có một điểm giao dịch, lắp đặt hệ thống cây ATM, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp chất lượng dịch vụ thanh toán, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người thụ hưởng chính sách ASXH nhận tiền qua hình thức không dùng tiền mặt; hỗ trợ đối tượng yếu thế trong mở tài khoản ban đầu và duy trì tài khoản hằng tháng để tạo thói quen không dùng tiền mặt và giải quyết chế độ chính sách trực tiếp.

Phấn đấu đến năm 2025 để mỗi người dân nói chung và đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH là “một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một chữ ký số cá nhân, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin ở mức cơ bản” thúc đẩy ASXH Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.

Năm là, tiếp tục thực hiện phương châm “đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả” trong chuyển đổi ASXH số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ASXH nói riêng. Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư cải tiến hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống nền tảng số, bố trí kinh phí vận hành, duy trì hệ thống trong cơ quan Nhà nước, từ đó phá vỡ “rào cản” trong việc đảm bảo liên tục, thông suốt, tin cậy, an toàn, an ninh mạng nói chung và an ninh ASXH nói riêng. Huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tài trợ kinh phí để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số trong ASXH.

Sáu là, triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức, quan tâm đúng mức, sát sao, trách nhiệm về chuyển đổi số đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, lĩnh vực công tác, quản lý. Triển khai phổ cập kỹ năng số cho 100% người dân theo hướng cá nhân hóa cùng với việc xây dựng đạo đức ASXH số quốc gia.

Minh Hùng