CẦN CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ CÓ TÍNH BAO TRÙM VÌ THỊNH VƯỢNG CHUNG

23/12/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TS.Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chính sách tài khóa trong giai đoạn mới cần có định hướng thiết kế có tính bao trùm, có khả năng hỗ trợ sự phát triển của một xã hội trung lưu thịnh vượng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tăng trưởng đóng vai trò to lớn trong thành công giảm nghèo của Việt Nam. Tuy nhiên, khi tầng lớp trung lưu nổi lên, họ đòi hỏi các dịch vụ công phức tạp hơn. Khi đó, việc tạo ra nguồn lực ngân sách để tài trợ cho các dịch vụ công này và tăng cường các cơ chế cung cấp dịch vụ này sẽ ngày càng quan trọng hơn.

Vì vậy, chính sách tài khóa trong giai đoạn mới cần có định hướng thiết kế có tính bao trùm, có khả năng hỗ trợ sự phát triển của một xã hội trung lưu thịnh vượng. Một chính sách tài khoá bao trùm sẽ đảm bảo được việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Chính sách tài khóa là một trong số ít công cụ mà chính phủ có thể sử dụng để giảm bất bình đẳng trong ngắn hạn. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc tài trợ cho đầu tư công dài hạn, hỗ trợ cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật số và hình thành nguồn nhân lực mà các quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam, cần để chuyển đổi sang trạng thái thu nhập trung bình cao và thu nhập cao.

Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp thường có tỷ trọng thu ngân sách so với GDP thấp hơn nhiều so với các quốc gia có thu nhập cao (xem Hình 4), và do đó có ngân sách cho chi tiêu xã hội thấp hơn nhiều. Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp này không thể tăng nguồn thu ngân sách một cách hiệu quả do còn nhiều yếu kém (tính phi chính thức cao cả về thu nhập và tiêu dùng của dân cư, quản lý thuế yếu kém và những thách thức trong việc tuân thủ và thực hiện thu ngân sách). Mỗi quốc gia chỉ chỉ có thể chi tiêu bền vững số tiền thu được từ nguồn thu ngân sách. Vì vậy, các nước giàu hơn với nguồn thu ngân sách cao hơn có thể chi tiêu xã hội và đầu tư công nhiều hơn. 

Đáng chú ý, với các con số chi tiêu ngân sách công, chi tiêu phi xã hội có cùng quy mô tương tự ở tất cả các nhóm quốc gia khác nhau. Điều này cho thấy gần như có một “chi phí cố định” để điều hành một quốc gia hoặc sự vận hành của chính phủ không thay đổi nhiều khi các quốc gia trở nên giàu có hơn. Điều đó cũng có nghĩa là khi các quốc gia tăng thêm thu ngân sách, họ sẽ có nhiều dư địa ngân sách hơn để chi tiêu xã hội (giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và lương hưu). Các quốc gia có thu nhập cao thực hiện chính sách tài khóa tiến bộ nhất dành cho người nghèo. 

Đối với Việt Nam, chi tiêu xã hội của quốc gia này, đặc biệt chi cho y tế và bảo trợ xã hội, còn thấp, thậm chí còn thấp hơn so với các nước thu nhập trung bình thấp khác. Như vậy, đầu tư cho tương lai và chi hỗ trợ xã hội cho những người dễ bị tổn thương của Việt Nam có thể đang dưới mức nhu cầu cho phát triển. So sánh trong nhóm với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp khác, tác động của chi tiêu ngân sách tài khóa của Việt Nam tới tình trạng bất bình đẳng và thành quả giảm bất bình đẳng là ở mức trung bình.

Các chương trình bảo trợ xã hội và giảm nghèo ở Việt Nam đáng được quan tâm hơn trong việc xây dựng chính sách tài khoá bao trùm vì thịnh vượng chung. Ở tất cả các quốc gia, trong ngắn hạn, các khoản chi bảo trợ xã hội có tác dụng tốt nhất trong việc giảm nghèo và bất bình đẳng trên mỗi đô la chi tiêu. Vì vậy, mức chi tiêu bảo trợ xã hội thấp của Việt Nam là lý do chính khiến chính sách tài khóa bị đánh giá là kém tiến bộ.

Đồng thời, chất lượng và cách thức thực hiện chi tiêu ngân sách hiện tại cũng cần được cải thiện hơn nữa. Ngân sách có được phân bổ cho các chương trình phù hợp không? Cách thức thực hiện có xác định đúng người hưởng lợi và mang lại cho họ những lợi ích hỗ trợ phù hợp vào đúng thời điểm không? Nâng cao hiệu quả chi tiêu bảo trợ xã hội trong việc hỗ trợ thu nhập cho các hộ nghèo hơn không chỉ giúp giảm nghèo và bất bình đẳng, mà hệ thống tương tự còn có thể giúp tạo điều kiện cho việc cải cách vĩ mô và tài khoá bằng cách giảm thiểu tác động tiêu cực của các biến động, chẳng hạn như tăng thuế, hoặc chính sách giảm phát thải gây tác động dịch chuyển việc làm.

Tăng chi tiêu xã hội, cải thiện tiếp cận mục tiêu và đầu tư thông minh hơn để tăng quy mô tiếp cận nhóm cận nghèo và dễ bị tổn thương là các giải pháp cần thiết để giảm nghèo, cải thiện mạng lưới an toàn ngắn hạn cũng như tài trợ cho đầu tư dài hạn. Trợ cấp trực tiếp là công cụ mạnh mẽ để giảm nghèo và bất bình đẳng, nhưng trợ giúp xã hội ở Việt Nam còn manh mún và eo hẹp ngân sách, đồng thời hệ thống thực hiện triển khai hỗ trợ còn nhiều thách thức.

Các chương trình trợ giúp xã hội tập trung vào một số nhóm tiêu chí cụ thể, ví dụ như hộ nghèo, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Do đó, có những hộ nghèo không đáp ứng được các tiêu chí bị bỏ sót. Thay vì một chương trình xã hội tiên tiến, Việt Nam thực hiện nhiều chương trình riêng lẻ, dẫn đến hệ thống cồng kềnh, cách thức triển khai phức tạp và kém hiệu quả.

Hơn nữa, hầu hết dân số không còn nghèo nữa nên sẽ là thách thức khi phần lớn dân số không sẵn sàng trong danh sách theo dõi của hệ thống bảo trợ xã hội. Thực tế cho thấy, hoạt động ứng phó với đại dịch COVID-19 cho thấy chính phủ không có sẵn hệ thống quan sát hoặc phân phối tốt để cung cấp mạng lưới an toàn nhanh chóng cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như lao động phi chính thức hoặc lao động nhập cư. Thảm họa thiên nhiên và cứu trợ COVID-19 bị đánh giá chậm giải ngân và không đủ đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ. Một lượng lớn người lao động vẫn làm việc phi chính thức, không có lương hưu hoặc quỹ hưu trí.

Chính sách tài khóa của Việt Nam có nhiều khả năng đạt kết quả tốt hơn về đầu tư cho tăng trưởng bao trùm qua học hỏi từ các quốc khác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia trở nên giàu có hơn một phần nhờ đầu tư công nhiều hơn vào các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng bao trùm, bằng nguồn tài chính ngày càng dựa vào thuế trực thu lũy tiến như thuế thu nhập cá nhân thay cho các sắc thuế gián thu như thuế hàng hóa và dịch vụ. Ở các nước thu nhập trung bình thấp, thuế gián thu là nguồn thu chủ yếu trong nguồn thu từ thuế, và một số nước chọn cách bù đắp gánh nặng thuế của các hộ gia đình nghèo bằng cách áp thuế suất thấp hơn hoặc miễn giảm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người nghèo như thực phẩm và quần áo, như Việt Nam đã làm.

Tuy nhiên, làm theo cách đó nghĩa là phải hy sinh số thu đáng kể trong khi lợi ích chủ yếu rơi vào các hộ gia đình khá giả hơn, vì họ cũng mua những mặt hàng này nhưng với số lượng lớn hơn. Các quốc gia thu nhập trung bình thấp khác tăng thu bằng cách cắt giảm các miễn trừ đó trong khi vẫn có thể giảm nghèo và bất bình đẳng nhiều hơn, với chi phí thấp hơn theo hướng dành một phần số thu tăng thêm cho chi tiêu hỗ trợ có mục tiêu trực tiếp cho các hộ nghèo.

Minh Hùng