NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2023 ĐÓNG GÓP VÀO THÀNH CÔNG CHUNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

31/12/2023

Năm 2023 là năm giữa của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đóng góp vào thành công chung đó không thể không kể đến những kết quả nổi bật mà Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã đạt được trong năm qua. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương để cùng nhìn lại kết quả nổi bật của Đoàn trong năm qua và nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2024.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: NỖ LỰC, ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG, GÓP PHẦN VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA QUỐC HỘI

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH: TÍCH CỰC, TÂM HUYẾT, TRÁCH NHIỆM, ĐỔI MỚI, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ NĂM 2023

BÌNH DƯƠNG: NHIỀU KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI SAU KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH DƯƠNG LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Năm 2023 là năm giữa của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với tinh thần “đổi mới, đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, sáng tạo”, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã chủ động xây dựng và hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch hoạt động trong năm 2023. Đoàn đã giữ mối liên hệ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, cũng như thường xuyên quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó, nghiên cứu, chắt lọc, đóng góp nhiều nội dung, ý kiến xác đáng, thực tiễn gắn với liên hệ chặt chẽ với việc thực hiện chương trình hành động của từng vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã cam kết trước cử tri. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả nổi bật trong năm 2023 như sau:

Một là, công tác dân nguyện được quan tâm thực hiện đổi mới về nội dung và hình thức theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hàng tháng, thông qua các kênh thông tin, giám sát, tiếp dân, tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đều nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời công tác dân nguyện về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác tiếp dân được thực hiện thường xuyên, đúng theo Luật định. Tại các buổi tiếp dân, trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành cùng tham dự tiếp công dân, đại biểu Quốc hội tỉnh đã kết luận từng vụ việc và yêu cầu các cơ quan, chính quyền các cấp tiếp tục xem xét giải quyết các ý kiến, kiến nghị của công dân.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2023, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Quốc hội chuyển đến các cơ quan chức năng; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư giải đến Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Từ 26/12/2022 đến 24/11/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thụ lý 324 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân (tăng 36,7% so với năm 2022), trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết 89 đơn (tăng 27,1% so với năm 2022), trong đó, 84 đơn nhận được thông báo kết quả giải quyết; trả lời, hướng dẫn cho người dân 69 đơn; lưu 166 đơn theo dõi do không đủ điều kiện xử lý; kết quả xử lý đạt tỷ lệ 100%.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương sử dụng phần mềm nội bộ trong việc theo dõi, thống kê giải quyết đơn, thư.

Hai là, công tác tiếp xúc cử tri được quan tâm thực hiện với việc tập trung tổ chức mở rộng, đối tượng, nội dung và tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, nhất là đối tượng doanh nghiệp, công nhân lao động trong tình hình hiện nay. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước, sau Kỳ họp thứ 5 và trước Kỳ họp thứ 6 tại 52 xã, phường, thị trấn thuộc 09 huyện, thị xã, thành phố.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tiếp xúc cử tri tại xã An Tây, thị xã Bến Cát.

Bên cạnh đó, Đoàn đã thực hiện 04 Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, chủ đầu tư, người lao động, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý, giáo viên các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, có 6029 lượt cử tri dự, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận 475 kiến nghị. Sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn đã phối hợp MTTQVN tổ chức Hội nghị phân loại ý kiến cử tri với các thành phần là UBMTTQVN các huyện, thị, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Đoàn đã gửi 124 kiến nghị (tăng gần 02 lần so với năm 2022), trong đó có 93 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương, 31 kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp tỉnh; đến nay các quan trung ương đã trả lời được 84/93 kiến nghị và 31 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, đã trả lời 31/31 kiến nghị.

Hội nghị tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương.

Ba là, công tác giám sát được quan tâm thực hiện về chất lẫn về lượng Đoàn đã thực hiện tốt công tác phối hợp hết sức chặt chẽ, trách nhiệm với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong giám sát các chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Công tác giám sát chuyên đề bám sát thực tiễn, giám sát gắn với khảo sát.

Trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành giám sát 05 chuyên đề, trong đó có 02 chuyên đề giám sát tối cao theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội (Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030), 02 chuyên đề giám sát theo yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021) và 01 chuyên đề giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát chuyên đề, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức các cuộc khảo sát các địa phương, đơn vị nhằm nắm bắt thêm thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời tiến hành làm việc với các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp làm cơ sở cho việc đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp với thực tiễn gắn với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thực hiện khảo sát gắn với giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với công nhân lao động các khu, cụm công nghiệp” tại bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, thị xã Bến Cát.

Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị 115 nhóm vấn đề (tăng hơn 3 lần so với năm 2022), trong đó 77 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và 38 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức 02 đợt giám sát Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội thông qua phiếu nhận xét, đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp, pháp luật trên địa bàn tỉnh và các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện quyền giám sát thông qua việc xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, tham gia chất vấn thành viên Chính phủ. Các nội dung tham gia giám sát của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh mang tính xây dựng cao, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có liên quan, chuyển tải đầy đủ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trung ương nhiều ý kiến thảo luận và chất vấn đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các vị đại biểu Quốc hội và chủ tọa kỳ họp, được cử tri tỉnh Bình Dương đánh giá cao.

Bốn là, phát huy tính tự giác, trách nhiệm của từng ĐBQH tỉnh trước cử tri trong việc nghiên cứu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và tham gia sâu rộng hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội, các hoạt động của Ủy ban Thường vụ và Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, thực hiện nhiều nội dung quan trọng trong chương trình hành động, đại diện cho tiếng nói của cử tri tỉnh Bình Dương cũng như tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân đối với các vấn đề quan trọng của địa phương và đất nước. Trên cơ sở Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các yêu cầu của Tổng Thư ký Quốc hội, trong năm 2023, các vị đại biểu Quốc Quốc hội tỉnh đã tham gia cùng Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 17 Hội nghị lấy ý kiến đối với 19 dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; tiến hành lấy ý kiến bằng văn bản đối với 13 dự thảo luật, 01 Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu tại Nghị trường Quốc hội về ban hành chính sách giảm thuế VAT trong năm 2024.

Qua đó, Đoàn đã tích cực nghiên cứu, đóng góp 96 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và Hội trường, gửi 16 văn bản góp ý đối với các nội dung trình kỳ họp; tiến hành chất vấn 17 nội dung (trong đó có 08 nội dung chất vấn trực tiếp) và bàn bạc, thảo luận, kiến nghị các vấn đề trọng tâm như: cải cách thể chế, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công,thực hiện, phân bổ ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, các vấn đề về y tế, giáo dục và quốc phòng, an ninh… Hầu hết các ý kiến của Đoàn Đại biểu tỉnh đều được đánh giá cao, được chủ tọa kỳ họp ghi nhận, tiếp thu, cụ thể hóa vào Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Năm là, Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, công nhân lao động. Đoàn đã tổ chức thăm, tri ân các gia đình chính sách nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023); kịp thời thăm hỏi, động viên Đại biểu Quốc hội, nguyên Đại biểu Quốc hội nằm viện, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức chương trình thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn; tri ân đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ; vận động nguồn lực xây dựng Nhà Chữ thập đỏ cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh; thăm, tặng quà cho đối tượng là học sinh sinh viên người Bình Dương tại thủ đô Hà Nội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - ĐBQH tỉnh Bình Dương thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách tại huyện Dầu Tiếng.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2024, trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, BTV Tỉnh ủy giao trong năm 2024. Đáng chú ý, thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện, thường xuyên giám sát hoạt động thực thi pháp luật, nhất là các Luật, Nghị quyết do Quốc hội ban hành, được  triển khai tại địa phương. Trong đó cần chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tham gia có hiệu quả công tác lập pháp: Đoàn ĐBQH Tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức các cuộc khảo sát thực tế, các hội nghị lấy ý kiến các dự thảo Luật, Nghị quyết trình Kỳ họp Quốc hội trong năm 2024, trong đó chú trọng công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, mời các chuyên gia cùng Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát thực tế thực hiện các quy định pháp luật tại địa phương theo các nhóm vấn đề trọng tâm của kỳ họp và vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, từ đó làm căn cứ kiến nghị thiết thực cho công tác lập pháp của Quốc hội, tập trung nghiên cứu và cho ý kiến đối với các dự thảo luật quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống Nhân dân; Tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị tham vấn do các cơ quan của Quốc hội tổ chức nhằm lắng nghe đa chiều từ các đối tượng chịu sự tác động, cơ quan quản lý nhà nước, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các tầng lớp Nhân dân; cung cấp kịp thời thông tin tài liệu cần thiết cho các vị đại biểu Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, tính khả thi của Luật do Quốc hội quyết nghị.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả  công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, theo đó Đoàn sẽ tổ chức giám sát 02 chuyên đề của Quốc hội; giám sát 02 chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát chuyên đề cần thiết tại địa phương; tham dự đầy đủ, nghiêm túc, chất lượng các hoạt động chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát của các cơ quan thuộc  Quốc hội; thường xuyên tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh và các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh... Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên dự các cuộc họp, hội nghị do chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị tổ chức, qua đó nắm bắt tình hình khó khăn, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành trung ương, phát huy chức năng   giám sát thường xuyên việc triển khai thực hiện các Luật, Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương dự tham dự kỳ họp thứ 13 – Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X

Thứ ba, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, với các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương, tích cực nghiên cứu, thảo luận và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kịp thời kiến nghị các cơ chế chính sách, giải pháp giải quyết  các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để góp phần phát triển bền vững đất nước.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dân nguyện, tiếp tục phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề và các hình thức tiếp xúc khác theo quy định; nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát kết quả việc trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri hoặc qua ý kiến cử tri sẽ tổ chức giám sát các vấn đề cần thiết khác theo quy định; Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác Tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại địa bàn ứng cử; lãnh đạo công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân theo Luật định. Tiếp tục phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân ít nhất mỗi năm 01 lần hoặc khi xét thấy cần thiết.

Đáng chú ý, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đổi mới các hình thức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân hàng tháng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác dân nguyện để thảo luận những khó khăn, hạn chế và tìm ra giải pháp đối với việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi, tổng hợp và theo dõi việc xử lý, giải quyết của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương trong việc tổ chức thực hiện công tác dân nguyện nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của Nhân dân.

Thứ năm, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động trong công tác phối hợp tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội đến cử tri và Nhân dân trong tỉnh bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, nhất là phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trên các báo, đài địa phương, các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị về các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, những đổi mới mạnh mẽ và những quyết sách mới, kịp thời, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn cho đất nước phát triển. Đồng thời, mỗi đại biểu Quốc hội trong Đoàn sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy trách nhiệm, trí tuệ, kết quả đạt được trong thời gian qua, tích cực tham gia và tham gia có hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, gắn bó chặt chẽ với cử tri, góp phần kịp thời chuyển tải các vấn đề bức xúc, tâm nguyện chính đáng của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

                     

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương