TIẾP TỤC HOÀN THIỆN VỊ TRÍ PHÁP LÝ CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CƠ QUAN QUYỀN LỰC CAO NHẤT CỦA NHÂN DÂN

02/01/2024

Kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động Quốc hội, nâng cao năng lực, chất lượng, phát huy vị trí, vai trò đại biểu Quốc hội trên cơ sở đổi mới tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu là chủ trương xuyên suốt của Đảng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ông Trần Văn Tám, nguyên vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân dân

GÓC NHÌN: NGHĨ VỀ NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN VÀ TRÁCH NHIỆM THẾ HỆ HÔM NAY

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ CẤU TỔ CHỨC QUỐC HỘI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC: CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN NĂM 1946 LÀ NỀN MÓNG ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN Ở VIỆT NAM

Ngày 06/01/1946, hàng triệu người không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, dân tộc từ 18 tuổi trở lên đã náo nức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chỉ còn vài ngày nữa là tròn 78 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946). Đây cũng là mốc đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam kể từ ngày thành lập đến nay trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, ngày càng được củng cố, hoàn thiện và đổi mới; vị trí, vai trò ngày càng được phát huy, thực hiện tốt ba chức năng quan trọng là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là hạt nhân của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cùng với sự phát triển của Quốc hội, tiêu chuẩn, chất lượng, vai trò, vị trí ngày càng được nâng cao, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động to lớn của Quốc hội…

Vị trí pháp lý – chính trị đặc biệt của đại biểu Quốc hội

Theo ông Trần Văn Tám, nguyên vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu (Ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), vị trí pháp lý, vai trò của đại biểu Quốc hội gồm nhiều nội dung, với nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, đại biểu Quốc hội là những người tiêu biểu trong các tầng lớp Nhân dân, được Nhân dân lựa chọn, trực tiếp bầu ra trên cơ sở tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng luật định, theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Đại biểu Quốc hội được Nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, giai tầng xã hội, được ủy quyền thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Với vai trò là đại diện, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm gắn bó, liên hệ chặt chẽ với cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp, cuộc họp của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội.

Ông Trần Văn Tám, nguyên vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu (Ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, đại biểu Quốc hội có vị trí pháp lý – chính trị đặc biệt.

Pháp luật nước ta quy định hình thức Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Các quyết định, nghị quyết của Quốc hội chỉ có giá trị pháp lý khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu tham dự kỳ họp, phiên họp, và phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trường hợp làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ, bãi nhiệm đại biểu thì phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu biểu quyết tán thành. “Điều này thể hiện rõ nét vị trí pháp lý – chính trị đặc biệt của đại biểu Quốc hội trong việc bàn luận, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, của Nhân dân”, ông Trần Văn Tám, nguyên vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu Quốc hội là yếu tố then chốt hàng đầu.

Qua thực tiễn hoạt động và hệ thống pháp luật cho thấy, vị trí pháp lý, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội là những mắt xích tương quan gắn kết, tạo nên vai trò, năng lực hoạt động của đại biểu, trong đó tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là yếu tố then chốt hàng đầu. Quy định tiêu chuẩn càng rõ ràng, chặt chẽ, cơ cấu, thành phần, số lượng càng hợp lý thì sẽ đảm bảo năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu càng cao.

Ông Trần Văn Tám, nguyên vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu cho rằng, muốn có tiêu chuẩn, chất lượng tốt, trước hết pháp luật về chế độ bầu cử, quy trình, thủ tục lựa chọn, hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng đại biểu và việc thực heienj quy trình, các bước bầu cử phải cụ thể, rõ ràng, bảo đảm chặt chẽ, phát huy dân chủ, lựa chọn bầu được người xứng đáng theo quy định.

Tổ chức, hoạt động của đại biểu Quốc hội mang tính chính trị, tính quyền lực, tính xã hội sâu sắc. Vị trí pháp lý, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu là những thành tố tuy riêng biệt, nhưng có sự gắn kết, tương đồng tạo thành một tổ chức đại diện quyền lực Nhân dân phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, với tầm bao quát các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.

Trên thực tế, trong các nhiệm kỳ Quốc hội, cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu cũng có sự thay đổi khác nhau, nhưng nhìn chung mỗi khóa Quốc hội, số lượng đại biểu tái cử đã có kinh nghiệm hoạt động chiếm tỷ lệ không nhiều, số lượng đại biểu tham gia lần đầu thường chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%); tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số, là phụ nữ, trẻ tuổi… cũng thường không đạt như mong muốn.

Nhiều khóa Quốc hội gần đây cho thấy, đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được tăng cường hơn, nhưng tỷ lệ vẫn còn khiêm tốn, thường dao động khoảng từ 25% đến trên dưới 35%. Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020 đã quy định tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên khoảng 40%, thể hiện sự tiếp tục đổi mới, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong tổ chức hoạt động của Quốc hội khi đại biểu chuyên trách được dành toàn bộ thời gian thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ở các cơ quan Quốc hội, ở Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, cũng như có vị thế độc lập tương đối, không chịu ảnh hưởng chi phối bởi các điều kiện chủ quan và khách quan khác. Do vậy, việc chú trọng tăng cường đội ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách ngang tầm nhiệm vụ là yêu cầu thực tế khách quan trước mắt, lâu dài.

Các quy định pháp luật liên quan, cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu đã ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ vừa qua đã có sự đổi mới căn bản, liên tục. Các quy định pháp luật liên quan, cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan hữu quan về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu đã ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế. Mối quan hệ, phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được tăng cường chặt chẽ. Bộ máy giúp việc cũng luôn được chú trọng số lượng, chất lượng, cải tiến, đổi mới công tác tham mưu, phục vụ, nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong giai đoạn mới.

Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về vị trí pháp lý đại biểu Quốc hội.

Kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động Quốc hội, nâng cao năng lực, chất lượng, phát huy vị trí, vai trò đại biểu Quốc hội trên cơ sở đổi mới tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu là chủ trương xuyên suốt của Đảng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt từ Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nội dung này đã được cụ thể hóa trong các bản Hiến pháp, nhất là tại bản Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội. Trong đó, đã quy định rõ, cụ thể hơn nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đại biểu QUốc hội nói chung, đại biểu hoạt động chuyên trách nói riêng; bổ sung nhiều quy định mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn những nội dung cụ thể về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng, quy trình lựa chọn, giới thiệu, hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội.

Mới đây nhất, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH ngày 21/6/2021 giao Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nghiên cứu Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Ông Trần Văn Tám, nguyên vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu (Ban Công tác đại biểu) nhấn mạnh, việc nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng các chủ trương, định hướng của Đảng, việc tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về vị trí pháp lý, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Mục tiêu của việc nhằm phát huy dân chủ rộng rãi, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, không phân chia, nhưng phân công, phân nhiệm, rõ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân, vì Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.

Từng bước giải quyết những khó khăn, bất cập, những mặt trái phát sinh trong quá trình đổi mới phát triển đất nước, sự thay đổi nhanh chóng cơ cấu xã hội, phân công, sử dụng lao động, biến đổi khó lường của tình hình thế giới và trong nước có thể ảnh hưởng đến vai trò, vị trí, chất lượng đại biểu Quốc hội. Do vậy, cần nghiên cứu, có những quy định phù hợp về cơ cấu, tiêu chuẩn, thành phần, đại diện, số lượng đại biểu. Phát huy dân chủ rộng rãi, tạo điều kiện tốt nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, quyền bầu cử, lựa chọn bầu được những đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng.

Phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại biểu Quốc hội có trình độ, năng lực phẩm chất và bản lĩnh sẽ góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước giàu mạnh, bền vững.

Ông Trần Văn Tám cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cụ thể các “Tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Về cơ cấu, thành phần đại biểu, cần nghiên cứu quy định phù hợp hơn để Quốc hội có tính đại diện hài hòa, cân đối hơn, tập hợp được rộng rãi trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, nhằm phát huy hiệu quả nhất vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân dân. Mặt khác, để tăng cường trách nhiệm đại biểu, nghiên cứu hạn chế tình trạng một đại biểu “gánh” đến ba, bốn cơ cấu dẫn đến sự bất hợp lý và nặng tính hình thức.

Bên cạnh đó, việc đánh giá hoạt động của đại biểu là một trong những nội dung rất quan trọng và cần thiết, góp phần vào việc tăng cường, hoàn thiện tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng đại biểu. Tuy vậy, các văn bản pháp luật có liên quan chưa có quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, mà chỉ có quy định chung chung về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của đại biểu. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý chặt chẽ, đánh giá khách quan vai trò đại diện và kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cụ thể các “Tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

“Kết quả đánh giá, một mặt giúp đại biểu tự nhìn nhận, hoàn thiện mình, phát huy những mặt mạnh, ưu điểm, khắc phục sửa chữa những yếu điểm, hạn chế để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tốt hơn, hiệu quả hơn; mặt khác làm căn cứ để Nhân dân, cử tri có thêm thông tin lựa chọn, bầu đại biểu ở nhiệm kỳ sau”, ông Trần Văn Tám nêu quan điểm.

Lan Hương