Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2023 của Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh làm Chủ nhiệm Đề tài.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; thực tiễn hoạt động của một số quỹ như Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ viễn thông công ích, Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội…
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu khai mạc hội thảo
Thời gian qua, các loại Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ra đời và phát triển khá nhiều đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần huy động thêm nguồn lực tài chính trong nền kinh tế, hỗ trợ NSNN giải quyết nhiều nhiệm vụ khó khăn, phát sinh đột xuất, tăng cường khả năng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục…).
Các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập theo quy định của Luật và các văn bản dưới luật. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài chính, ở Trung ương có khoảng 40 Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được phép thành lập theo quy định của Luât, Pháp lệnh; gần 20 Quỹ thành lập theo các văn bản dưới luật. Giám sát năm 2018 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy có trên 70 Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã được thành lập ở Trung ương và địa phương với quy mô, tính chất và phạm vi hoạt động khá đa dạng. Trong đó, có nhiều Quỹ được NSNN cấp vốn thành lập ban đầu, gọi là “vốn mồi”, “vốn điều lệ” hoặc được cấp bổ sung vốn điều lệ trong năm hoặc được cấp một phần vốn trong quá trình hoạt động.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Minh Tân phát biểu
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thu hút nguồn lực tài chính, thì cũng còn những vấn đề đặt ra trong quản lý và giám sát Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách như việc hình thành quá nhiều Quỹ có nguy cơ dẫn đến phân tán, quản lý lỏng lẻo, tiêu cực, tham nhũng. Trên giác độ quản lý và giám sát của Nhà nước, nhất là hoạt động quản lý vĩ mô nền kinh tế, cần thiết phải kiểm soát quá trình hình thành, phân phối và sử dụng Quỹ; phân loại quỹ để xây dựng những cơ chế quản lý chung, bổ sung những quy định mang tính pháp lý dựa trên một số nguyên tắc cơ bản nhằm quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia. Tránh tùy tiện, lạm dụng thành lập quỹ.
Việc chi tiêu của Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thường không xác định tiêu chuẩn, định mức như chi tiêu ngân sách. Một số quỹ chưa được phân định rõ ràng nguồn thu, nhiệm vụ chi, chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Việc phát triển quá nhanh của quỹ, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng lạm thu, vượt quá khả năng của doanh nghiệp và người dân. Có quỹ ra đời và hoạt động theo quy định của Luật, có quỹ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của một bộ, ngành, địa phương; chưa có văn bản pháp lý thống nhất có tính quy định chung để điều chỉnh các hoạt động của quỹ, quy định các nguyên tắc thành lập và sử dụng quỹ.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thành Trung phát biểu
Từ những khó khăn, vướng mắc trên thực tế, nhiều đại biểu cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật về tài chính ngân sách, nhất là cụ thể hóa quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó làm rõ khái niệm Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để các cơ quan, đơn vị và các địa phương có cách hiểu thống nhất.
Đồng thời nhấn mạnh cần nghiên cứu để có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động các quỹ, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, trong đó chú ý quy định về điều kiện hình thành quỹ. Cùng với đó là bảo đảm các nguyên tắc thu, chi của quỹ, cơ chế vận hành của quỹ, bảo toàn và phát triển vốn, tăng cường tính công khai, minh bạch đối với hoạt động của quỹ, tăng cường giám sát của cơ quan dân cử.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu
Do đó, các đại biểu đều đánh giá cao ý nghĩa của Đề tài khoa học cấp Bộ về “Hoàn thiện chính sách pháp luật về các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh làm chủ nhiệm đề tài trong bối cảnh hiện này; đồng thời bày tỏ kì vọng khi Đề tài được hoàn thành, các kiến nghị của Đề tài có thể được Quốc hội xem xét thể chế hóa để từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết Đề tài khoa học cấp Bộ về “Hoàn thiện chính sách pháp luật về các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” được thực hiện xuất phát từ nhiệm vụ của Ủy ban Tài chính, Ngân sách được giao theo dõi, giám sát hoạt động của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu kết luận hội thảo
Cùng với đó, trong công tác báo cáo về ngân sách nhà nước từ dự toán đến quyết toán ngân sách nhà nước, nội dung về Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hiện rất ít. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, hiện mới chỉ có Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá định kỳ phải báo cáo Quốc hội và Quốc hội giám sát. Tại các địa phương, số Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là rất lớn nhưng cũng có rất ít Hội đồng nhân dân tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Thực tế này cho thấy nội dung này chưa được coi trọng một cách xứng đáng trong quản trị tài chính công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh.
Từ thực tiễn trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đánh giá cao và cảm ơn các chia sẻ tại hội thảo từ góc độ của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các Quỹ…là gợi mở hết sức quan trọng, phản ánh thực trạng về địa vị pháp lý, cách thức tổ chức, cơ chế hoạt động, mô hình, nguồn vốn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đồng tình với các đại biểu khi cho rằng cần có khung pháp lý cho Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cần có những quy định tương xứng với vị trí của các Quỹ, đòi hỏi có sự quản lý chặt chẽ hơn, tốt hơn, mô hình phù hợp hơn. Không thể phủ nhận vai trò của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhưng cần nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại, hạn chế để có những đề xuất, kiến nghị, cân nhắc kỹ lưỡng về việc thành lập hay không thành lập quỹ, quản lý vận hành ra sao, đánh giá hiệu quả hoạt động như thế nào đê vừa bảo đảm cho hoạt động của Quỹ vừa bảo đảm quản lý nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết kết quả của Đề tài nghiên cứu này sẽ được báo cáo để gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh bày tỏ mong muốn các đại biểu tiếp tục tham gia góp ý để tiếp tục hoàn thiện đề tài.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Toàn cảnh hội thảo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ
Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Thanh Bình
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga
Đại diện Quỹ Đầu tư phát triển Tp.Hà Nội
TS. La Thị Thắm - Đại học Lâm nghiệp
Đại diện Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia
Đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường
Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá
Đại diện Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia
Các đại biểu tham dự hội thảo