TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA TỔ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

10/01/2024

Giám sát là một trong 2 chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân, là cơ sở để Hội đồng nhân dân thực hiện tốt chức năng quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Với tư cách là một trong những chủ thể thực hiện chức năng này, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cần tiếp tục được đổi mới, tăng cường nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của Tổ đại biểu nói riêng và của Hội đồng nhân dân nói chung.

LAN TỎA TINH THẦN ĐỔI MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TỚI HĐND CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Tổ Đại biểu HĐND giám sát (Ảnh minh họa)

Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (Tổ đại biểu) có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), là một trong những khâu cơ bản làm nền tảng cho HĐND hoạt động hiệu quả; là “cánh tay nối dài” của HĐND, Thường trực HĐND, là nơi tổ chức cho đại biểu HĐND thực hiện tiếp xúc cử tri, tiếp cận cơ sở để thực hiện nhiệm vụ giám sát của đại biểu HĐND.

Từ trước thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực, các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tổ đại biểu chỉ đề cập việc tổ chức tiếp xúc cử tri, thảo luận tổ tại các kỳ họp. Do vậy hoạt động của các Tổ khá đơn điệu, chưa tương xứng với vai trò của Tổ - đơn vị cơ sở của HĐND; chưa tương ứng vai trò, vị trí của từng thành viên trong Tổ - đa phần lãnh đạo các địa phương, đơn vị và cũng chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm đối với cử tri.

Khắc phục những bất cập sau hơn 12 năm thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có hoạt động giám sát. Khoản 1 Điều 112 của Luật quy định: “Tổ đại biểu HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công”. Đây được đánh giá là bước tiến về mặt pháp lý giúp củng cố, nâng cao vai trò hoạt động của Tổ đại biểu; qua đó giúp HĐND thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, nhất là trong thời gian giữa 02 kỳ họp.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, tại Điều 83 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định “Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp tại địa phương hoặc về các vấn đề do Hội  đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện hoạt động giám sát ”. Tuy nhiên, Luật không quy định cụ thể các hoạt động giám sát và hệ quả giám sát của Tổ đại biểu HĐND.

Chia sẻ về kết quả hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu HĐND Tp. Đà Nẵng thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND Tp. Đà Nẵng cho biết, với tinh thần chủ động, linh hoạt, coi trọng và phát huy vai trò Tổ đại biểu khi thành phố thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ngay sau khi Nghị quyết số 24/NQ-HĐND của HĐND thành phố ban hành, các Tổ đại biểu đã chủ động xây dựng và xin ý kiến Thường trực HĐND các chương trình, kế hoạch triển khai giám sát của Tổ. Trên cơ sở đó, Thường trực kịp thời xem xét, thảo luận và cho ý kiến định hướng về nội dung giám sát , qua đó giúp việc giám sát giải quyết ý kiến cử tri của Tổ đại biểu phát huy đầy đủ vai trò mỗi đại biểu đối với vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri quan tâm, kiến nghị trong điều kiện Thường trực HĐND thành phố không thể tổ chức đoàn giám sát riêng về vấn đề này. Trung bình hàng năm mỗi Tổ đại biểu có từ 2 đến 3 cuộc giám sát chuyên đề, từ 3 đến 4 giám sát thường xuyên với các vấn đề bức thiết, nổi cộm, đáng quan tâm tại các quận, phường.

Đồng thời với nhiệm vụ phát huy vai trò giám sát của Tổ đại biểu tại đơn vị ứng cử, các Tổ đại biểu đã xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị các quận, huyện với Ủy ban nhân dân (UBND) , Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện. Qua Quy chế phối hợp này, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri trước vào sau các kỳ họp thường xuyên của HĐND luôn được tiến hành nghiêm túc, bài bản, cử tri được thông báo sớm và tham gia kiến nghị, phản ánh nhiều vấn đề không chỉ của địa phương mà còn nhiều ý kiến tâm huyết, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.

Ngoài ra, các thành viên của Tổ tham gia các Đoàn giám sát của HĐND thành phố; tích cực tham gia các hoạt động của HĐND thành phố, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố với tư cách là thành viên.

TS. Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng

Từ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, TS. Nguyễn Thị Anh Thi cho rằng, tăng cường hoạt động giám sát của Tổ đại biểu không những đáp ứng được mong muốn của người dân, mà còn trực tiếp nắm chắc quá trình thực hiện pháp luật và nghị quyết HĐND của các cơ quan, đơn vị hữu quan, qua đó giúp HĐND có những quyết sách hợp lòng dân.

Nêu giải pháp để tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Tổ đại biểu, TS. Ngu yễn Thị Anh Thi kiến nghị, tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị ban hành Quy chế mẫu hướng dẫn hoạt động của Tổ đại biểu, làm cơ sở pháp lý để các cấp chủ động và linh hoạt trong xây dựng quy chế hoạt động HĐND cấp mình, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc.

Đông thời, hướng dẫn cụ thể hơn về vai trò, nhiệm vụ của Tổ trưởng, Tổ phó trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Tổ đại biểu; Quy trình, thủ tục tổ chức giám sát, ban hành các văn bản kiến nghị của Tổ đại biểu; Quy định cụ thể về thời gian, nội dung họp Tổ đại biểu; nghiên cứu bổ sung giải pháp về đánh giá cụ thể hơn, chi tiết hơn về kết quả hoạt động của đại biểu HĐND các cấp để các địa phương thực hiện thống nhất, có hiệu quả.

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể biện pháp, chế tài để xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ các kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các của Ban HĐND nói chung và Tổ đại biểu HĐND nói riêng sau giám sát của các đoàn giám sát mà không có lý do chính đáng. Tiếp tục quan tâm thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu, các Tổ đại biểu HĐND các cấp, nhất là các kiến thức về quản lý nhà nước, pháp luật; kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên, chất vấn; kỹ năng thẩm tra, giải quyết, đơn, thư khiếu nại, tố cáo...

Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Tổ Đại biểu HĐND

Nghiên cứu về nội dung này, Ths. Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, theo những quy định pháp luật nêu trên, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu chỉ được đặt ra từ năm 2015 – kể từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, tuy nhiên, chỉ dừng lại ở một điều luật quy định khá đơn giản về nhiệm vụ: “giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công”. Do đó, trên thực tế, hiếm khi Tổ đại biểu HĐND tiến hành hoạt động giám sát. Khó khăn lớn nhất khi triển khai giám sát của Tổ đại biểu trong giai đoạn này là Tổ đại biểu không có con dấu để chứng thực các văn bản do Tổ ban hành; ngoài ra, các khuôn mẫu cần thiết để triển khai hoạt động giám sát cũng chưa được pháp luật quy định cụ thể (như trình tự, thủ tục giám sát, ban hành kết luận, kiến nghị giám sát, nhiệm vụ của Tổ trưởng và các thành viên trong Tổ khi tiến hành giám sát…).

Phải đến khi UBTVQH ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND mới được quy định rõ ràng và cụ thể, làm cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động giám sát của Tổ đại biểu trên thực tế.

Trên cơ sở những quy định hiện hành và thực trạng hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, Ths. Nguyễn Trường Nhật Phượng cho rằng, cần thiết phải hoàn thiện về cơ chế giám sát của Tổ đại biểu HĐND, để đảm bảo thực hiện thống nhất và hiệu quả.

Ths. Nguyễn Trường Nhật Phượng đề xuất một số nội dung cần hoàn thiện như: Cần bổ sung quy định về Thư ký tham mưu, phục vụ cho hoạt động giám sát của Tổ đại biểu; Nghiên cứu bổ sung quy định “Tổ đại biểu HĐND được sử dụng con dấu của HĐND khi triển khai hoạt động giám sát của Tổ”; Bổ sung quy định về trình tự tiến hành giám sát của Tổ đại biểu;…

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND nói chung và các Tổ đại biểu HĐND nói riêng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết nhằm ngày càng hoàn thiện thiết chế dân chủ, góp phần thực hiện tốt vai trò, chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân./.

Lê Anh

Các bài viết khác