CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM CHỦ TRÌ HỌP THẨM TRA HỒ SƠ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

13/01/2024

Chiều 13/01, tại Phiên họp mở rộng thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần sớm chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra nội dung này trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đảm bảo chất lượng và đúng quy định theo yêu cầu đề ra. Đồng thời nhấn mạnh, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện ở các địa phương mới là yếu tố quyết định các chính sách đó tính khả thi đến đâu và hiệu quả ra sao.

PHIÊN HỌP THẨM TRA MỞ RỘNG HỒ SƠ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh Phiên họp

Cùng dự có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp thẩm tra mở rộng hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, do Chính phủ trình theo Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12/01/2024.

Do thời gian gấp rút, hồ sơ, tài liệu mới được gửi, trong khi đây là nội dung thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật với nhiều chính sách mới, đặc thù và có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát các nội dung thẩm tra theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gợi ý thảo luận của Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, phát biểu ngắn gọn, đi đúng trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các vấn đề trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình và dự thảo Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Đề nghị đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, có ý kiến giải trình thêm đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tóm tắt Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu mở đầu Phiên họp

Đánh giá cao hồ sơ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của HĐDT

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao hồ sơ trình của Chính phủ đã cơ bản tiếp thu ý kiến của UBTVQH, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc; hồ sơ hoàn thiện theo quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ trơ, trình tự theo thủ tục rút gọn. Vì vậy, hồ sơ trình của Chính phủ bảo đảm trình Quốc hội xem xét quyết định.

Các ý kiến cũng thống nhất với sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết này được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề  các CTMTQG.

Về tên gọi của Nghị quyết, các đại biểu cho rằng, tên gọi của Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa theo kết luận của UBTVQH là: “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” và nhận thấy tên gọi trên là phù hợp, đảm bảo ngắn gọn, súc tích và có tính khái quát cao.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc nhận thấy, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH, bỏ điểm b và sửa lại điểm a ngắn gọn hơn. Đòng thời thống nhất dự thảo và cho rằng không cần thiết dẫn chiếu các nghị quyết của Quốc hội vì giai đoạn hiện nay chỉ có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện. Mặt khác tại Điều 6, đã có quy định khá rõ thời gian áp dụng đối với các chính sách. 

Liên quan đến giải thích từ ngữ (Điều 3), các ý kiến cho rằng, Chính phủ đã tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa làm rõ thêm nhiều nội dung trong phần giải thích từ ngữ.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đề nghị làm rõ tính khả thi của một số cơ chế, chính sách đặc thù

Về các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Điều 4), tại khoản 1, về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Hội đồng dân tộc cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Quy định này phù hợp với Khoản 5, Điều 19, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015: Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định phân bổ Ngân sách Trung ương chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên theo từng lĩnh vực.

Các ý kiến đề nghị Chính phủ nên cân nhắc bổ sung quy định phân cấp giao cho cấp tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm tiếp để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tại điểm c, dự thảo quy định “Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia”. Đa số ý kiến Hội đồng Dân tộc đồng ý với quy định này, tuy nhiên đề nghị giao cho địa phương quy định rõ nội dung, dự án thành phần nào thì Hội đồng nhân dân huyện được quyết định.

Liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (khoản 5), dự thảo của Nghị định của Chính phủ đưa ra 02 phương án. Phương án 2, cơ bản vẫn giữ nguyên như dự thảo ban đầu trước khi báo cáo UBTVQH nên HĐDT đã không thống nhất lựa chọn. Phương án 1, tiếp thu ý kiến trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT và UBTVQH, trong đó đề xuất không áp dụng quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Đồng thời đối với các tài sản có giá trị trên 500 triệu, ưu tiên cho các chủ trì liên kết được vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội.

Vì vậy, Hội đồng Dân tộc đa số thống nhất lựa chọn theo phương án 1 do Chính phủ đề xuất. Nên giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG (khoản 7), dự thảo của Chính phủ đã tiếp thu báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT và ý kiến của UBTVQH và sửa theo hướng giao cho cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất và giao cho cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyêt định nội dung phân cấp đối với cấp huyện. Trong đó chia ra hai phương án:

- Phương án 1: Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định việc phân bổ vốn thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia; danh mục dự án đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Phương án 2: Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Các ý kiến thành viên của Hội đồng Dân tộc lựa chọn phương án 2 và thấy rằng, phương án 2 sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các CTMTQG. Đồng thời là thí điểm, là cơ sở để phục vụ xây dựng các CTMTQG cho giai đoạn 2026-2030. Chính sách này cũng tạo cơ chế chủ động, nên giao cho địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để quyết định, có thực hiện, hoặc không thực hiện việc áp dụng chính sách này.

Khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra của HĐDT đảm bảo chất lượng và đúng quy định theo yêu cầu đề ra

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Phiên họp đã hoàn thành chương trình đề ra, các ý kiến phát biểu đều thẳng thắn, cụ thể, với tinh thần trách nhiệm cao, cùng góp sức để hoàn thiện Hồ sơ và các chính sách để trình Quốc hội. Với ý nghĩa hết sức nhân văn và tầm quan trọng của các Chương trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội mong muốn các Chương trình mục tiêu quốc gia vận hành nhịp nhàng, đạt các mục tiêu đề ra, đồng bào DTTS được thụ hưởng các chính sách này, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, nâng dần vai trò cộng đồng, thôn, bản…

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo thẩm tra của HĐDT, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bám sát mục đích của Quốc hội và Chính phủ, bám sát Kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 29 vừa qua. Các ý kiến thống nhất về sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tên gọi phù hợp theo Kết luận của UBTVQH.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, các ý kiến đã thống nhất bỏ điểm b và sửa lại điểm a ngắn gọn hơn. Về giải thích từ ngữ đã làm rõ hơn, tuy nhiên đề nghị Chính phủ có giải trình cụ thể hơn các khái niệm, trong đó có khái niệm “cộng đồng”.

Đối với các chính sách hiện hành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, 4 chính sách đặc thù đã được thống nhất hoàn toàn, tuy nhiên cần lưu ý bảo đảm tính khả thi thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua.

Đối với 4 chính sách còn lại, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần sớm chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trên cơ sở các ý kiến tham gia phù hợp, đảm bảo chất lượng và đúng quy định theo yêu cầu về tiến độ thời gian. Đối với một số cơ chế, chính sách đặc thù trình hai phương án (một phương án do Chính phủ trình và một phương án do cơ quan chủ trì thẩm tra trình), Quốc hội sẽ thảo luận, lựa chọn, xem xét, quyết định. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện ở các địa phương mới là yếu tố quyết định chính sách đó tính khả thi đến đâu và hiệu quả ra sao, qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách đó, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được kịp thời, hiệu quả, khả thi.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp thẩm tra mở rộng hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, do Chính phủ trình theo Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12/01/2024.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tóm tắt Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan đề nghị xem xét tính khả thi của các cơ chế, chính sách đặc thù đến đâu, phân tích cho thấu đáo hết các vấn đề. Về nội dung thẩm quyền phân cấp cho cấp tỉnh, cấp huyện, cụ thể hóa phân cấp này đến mức độ nào? Về điều chuyển vốn giữa 3 CTMTQG, đề nghị xem xét khả năng áp dụng như thế nào?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu tại Phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lò Thị Việt Hà cơ bản nhất trí với hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo và tiếp thu các ý kiến.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đồng tình với tên gọi của dự thảo Nghị quyết là: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhận thấy, Tờ trình của Chính phủ đã tiếp thu cơ bản các ý kiến tham gia của HĐDT và ý kiến của UBTVQH. Tuy nhiên đề nghị đánh giá tính khả thi của 8 nhóm chính sách đặc thù.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần sớm chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trên cơ sở các ý kiến của đại biểu tham gia góp ý, đảm bảo chất lượng và đúng quy định theo yêu cầu về tiến độ thời gian./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng