TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN DƯƠNG THANH BÌNH CHỦ TRÌ TRÌ PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC TỔ CHỨC TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐBQH

23/01/2024

Thực hiện Nghị quyết số 872/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Soạn thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, sáng 23/01 tại Nhà Quốc hội, Ban Soạn thảo Nghị quyết tổ chức phiên họp thứ Nhất nhằm trao đổi, thảo luận về kế hoạch xây dựng Nghị quyết, đề cương chi tiết và một số nội dung triển khai thực hiện. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì phiên họp.

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC TỔ CHỨC TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Quang cảnh phiên họp.

Dự phiên họp có Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị quyết.

Phát biển mở đầu phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết số 525) về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã thu được những kết quả nổi bật, cụ thể như: về mặt nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành Nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt; nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu, chuyển kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết được thực hiện nền nếp; cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với ĐBQH, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng...

Tuy nhiên, quá trình tổng kết cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên nhiều phương diện, như: căn cứ pháp lý ban hành Nghị quyết; nhiều nội dung, quy định bất cập, vướng mắc cụ thể trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 525 về công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, công tác tập hợp, tổng hợp, chuyển kiến nghị của cử tri, về giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, yêu cầu đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội... đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng Nghị quyết liên tịch mới thay thế Nghị quyết số 525.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì phiên họp.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, chất lượng trong xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên họp, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công đã công bố Nghị quyết số 872/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Soạn thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Theo Nghị quyết, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình làm Trưởng Ban Soạn thảo. Ban Soạn thảo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự thảo Nghị quyết liên tịch.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công công bố Nghị quyết số 872/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Soạn thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Ban Soạn thảo đã thành lập Tổ biên tập để xây dựng Nghị quyết do Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công làm Tổ trưởng, giúp Ban Soạn thảo xây dựng đề cương chi tiết, biên soạn và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết và các văn bản liên quan.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cũng nêu rõ, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tiếp xúc cử tri; Hướng dẫn chi tiết Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan trong công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; công tác tổng hợp, chuyển, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Theo kế hoạch, Ban soạn thảo sẽ tiến hành khảo sát hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH tại 3-5 tỉnh, thành phố; xin ý kiến Đoàn ĐBQH, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành phố và một số bộ, ngành có liên quan. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng sẽ tổ chức Hội thảo, tọa đàm để góp ý về hồ sơ dự thảo nghị quyết và các văn bản có liên quan; đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội để lấy ý kiến nhân dân. Dự kiến Ban soạn thảo sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2024.

Các đại biểu dự phiên họp.

Thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu, thành viên Ban soạn thảo đánh giá cao Tổ biên tập trong thời gian ngắn đã xây dựng dự thảo kế hoạch, dự thảo đề cương rất chi tiết, rõ ràng, đảm bảo tiến độ đề ra.

Bày tỏ nhất trí với dự kiến kế hoạch và dự thảo đề cương Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan – Thành viên Ban Soạn thảo đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung, nêu rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt, việc ứng dụng công nghệ thông thông tin, chuyển đổi số trong việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội là cần thiết để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với nhiều cử tri hơn và cử tri cũng có nhiều kênh thông tin để phản ánh tâm tư, nguyện vọng tới các đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung – thành viên Ban Soạn thảo cho ý kiến tại phiên họp.

Liên quan đến thời gian Ban soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (dự kiến tại phiên họp tháng 9/2024), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung – thành viên Ban Soạn thảo cho rằng, tháng 9 là tháng cao điểm để Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp Quốc hội cuối năm (dự kiến tháng 10/2024), do đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung kiến nghị nên đẩy sớm thời gian trình dự thảo Nghị quyết lên sớm hơn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét quyết định.

Kết luận phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp. Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Tổ biên tập, Vụ Dân nguyện tổng hợp các ý kiến, bổ sung hoàn thiện kế hoạch chi tiết và dự thảo Đề cương, gửi các thành viên Ban Soạn thảo để góp ý, thực hiện, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì phiên họp.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh công bố các Nghị quyết thành lập Ban Soạn thảo, Quyết định thành lập Tổ biên tập, dự thảo kế hoạch xây dựng Nghị quyết.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo điều hành nội dung phiên họp.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường bày tỏ thống nhất với dự kiến Kế hoạch xây dựng Nghị quyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan – Thành viên Ban Soạn thảo đề nghị nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung – thành viên Ban Soạn thảo cho ý kiến tại phiên họp.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phát biểu tại phiên họp.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo kết luận nội dung phiên họp.

Trọng Quỳnh