UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ thống nhất với phương án tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và cơ quan soạn thảo tại Điều 10, Điều 31 và Điều 33 dự thảo Luật về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ để đảm bảo tính khả thi. Theo đó, điều chỉnh độ tuổi, chiều cao, độ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, tăng cường công tác đào tạo giáo dục, phổ biến pháp luật cho trẻ em và có lộ trình phù hợp một năm khi luật có hiệu lực để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị an toàn giao thông cho trẻ em.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã tha thiết đề nghị cần phải bổ sung giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ để áp dụng riêng đối với đối tượng trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện.
Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia dẫn số liệu thống kê năm 2023 có vào khoảng 2.300 trẻ em dưới 18 tuổi chết và bị thương do tai nạn giao thông, trong đó khoảng trên 1.000 trẻ em chết và phần còn lại là bị thương; 80% nhóm này là rơi vào độ tuổi từ 15 cho đến 18 và đa số là các cháu tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn. Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, đây là một khoảng trống.
Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu
Mặc dù trong dự thảo Luật hiện nay có quy định tại khoản 3 Điều 7 là "Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn theo quy định". Nhưng chưa rõ hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn ở đây là theo quy định nào và ai quy định; trường hợp cảnh sát giao thông đến hướng dẫn thì có chứng chỉ đào tạo về kỹ năng lái xe an toàn hay không và có đủ điều kiện hay không? Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng trường hợp này mà giao cho cơ sở giáo dục trung học phổ thông thì sẽ quá tải, không có đủ cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện. Từ thực tiễn trên, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị chương trình sát hạch sẽ phải sát hạch như sát hạch giấy phép lái xe A1 và phải đưa vào Trung tâm sát hạch chính quy thực hiện.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị trong Luật cần quy định rõ việc cấm các loại phương tiện như xe scooter hay vali điện tham gia giao thông công cộng.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp
Lý giải cho đề xuất trên, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, xe scooter hay vali điện hiện nay đang là vấn nạn rất lớn về an toàn giao thông, ngay ở chính các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ. Tại nước ta, quan sát thực tế đã thấy có đối tượng tham gia giao thông trên các phương tiện này lạn lách, đánh võng rất nguy hiểm. Do đó, nếu không đưa vào luật, không quy định nghiêm cấm thì lực lượng chức năng sẽ không biết xử lý đối tượng này theo chế tài nào, phạt bao nhiêu tiền, tịch thu được hay không. Nếu để trẻ em hoặc thanh niên, thậm chí người lớn tham gia giao thông bằng các phương tiện này sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy cần quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn hơn.
Liên quan đến nội dung này, phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương giao cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì làm việc với các cơ quan để nghiên cứu đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc quy định xe máy dưới dưới 50 phân khối do trẻ em điều khiển và xe phân khối lớn lưu hành trên các tuyến quốc lộ quan trọng. Nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét nên quy định ngay tại Luật này hay trước mắt quy định khung rồi giao cho Chính phủ quy định hay tổ chức thí điểm thực hiện vấn đề này. Cho biết sẽ có nhiều phương án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời lưu ý đối với quy định mới nếu không kịp đánh giá tác động, chưa chín mà đưa vào Luật sẽ khó; trường hợp nếu thấy cần thiết quy định thì nghiên cứu nên quy định như thế nào để bảo đảm khả thi, phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thu thập thêm thông tin phục vụ cho việc tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật, xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ cơ bản nhất trí với việc tiếp thu, chỉnh lý và nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý cơ bản bám sát yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Chính phủ cũng đã chủ động có báo cáo tiếp thu, giải trình và báo cáo đánh giá tác động với một số chính sách lớn.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để phân định rõ về phạm vi của 2 dự án luật gồm Luật Trật tự An toàn giao thông và Luật Đường bộ để tránh chồng chéo trong quy định việc giao thoa về nội dung, về phạm vi điều chỉnh.
Toàn cảnh phiên họp
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ nhất trí với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định này phù hợp với quy định của Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu cho bảo đảm tính khoa học, kinh nghiệm quốc tế…Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu làm rõ các ưu điểm, hạn chế đề xuất hai phương án quy định nồng độ cồn; thiết kế báo cáo tiếp thu, giải trình khách quan, khoa học, cụ thể, có căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ phương án quy định về đấu giá biển số xe theo hướng chưa luật hóa quy định này cho đến khi có tổng kết thực hiện thí điểm mới đủ điều kiện để luật hóa. Khi luật hóa nghiên cứu để có phương án luật hóa tại luật này hay tại Luật Đấu giá tài sản. Trong trường hợp Chính phủ vẫn quyết tâm để quy định việc này sẽ phải giải trình, đánh giá thật rõ riêng nội dung này để báo cáo với Quốc hội.
Đồng thời đề nghị, làm rõ hơn cơ sở pháp lý của việc đề xuất trích khoản tiền xử phạt hành chính và khoản tiền thu được từ đấu giá để bảo đảm thống nhất với Luật Phí, lệ phí. Đánh giá kỹ tác động các quy định mới đề nghị bổ sung bảo đảm những nội dung đưa vào luật theo đúng quy định của pháp luật.
Sau phiên họp, đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu bảo đảm khách quan, khoa học và có tính thuyết phục để trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và chuẩn bị các bước tiếp theo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7./.