Các đại biểu tại buổi làm việc
Hơn 820 cơ quan báo chí hoạt động trong cả nước
Tính đến hết năm 2023, cả nước ta có hơn 820 cơ quan báo chí. Trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 (tính đến tháng 12/2023) là 20.508 trường hợp, và hơn 27.000 người được kết nạp là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong những năm qua, báo chí luôn giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Luật Báo chí được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Cụ thể, so với Luật Báo chí 1999, Luật Báo chí 2016 có 32 điều xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung 29 điều. Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm mới cơ bản, gồm: Quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quyền tác nghiệp của báo chí; đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; liên kết trong hoạt động báo chí; hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; cải chính và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí…
Để chuẩn bị sửa đổi Luật Báo chí 2016 và thực hiện tốt hơn chức năng giám sát trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, chiều ngày 04/03, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có cuộc làm việc với Báo Nhân dân
Triển khai hướng dẫn thi hành Luật Báo chí 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chú trọng, chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đến nay, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí đã được ban hành đầy đủ với 02 Nghị định và 04 Thông tư (03 Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông, 01 Thông tư của Bộ Tài chính).
Tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Có thể nói, Luật Báo chí 2016 đã cơ bản pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể là các quy định về: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin...
Nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.
Đối mặt nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số
Nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp; một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.
Cụ thể, báo chí đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đối mặt trong quá trình chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng. Cụ thể, Luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử. Đây cũng là nguyên nhân khách quan bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số dẫn đến ranh giới giữa “báo” và “tạp chí” trên internet hiện nay rất mong manh.
Bên cạnh đó, tình trạng gỡ, sửa tin bài, cá biệt một số trường hợp việc sửa tin, bài vì động cơ vụ lợi cá nhân trên báo điện tử diễn ra khá phổ biến, Vấn đề này cần phải có quy định chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn khi sửa đổi Luật Báo chí 2016.
Đại diện Báo Nhân dân phát biểu
Tại cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Báo Nhân dân cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng cần có các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhà báo khi tương tác với mạng xã hội; hỗ trợ công nghệ kiểm soát thông tin trên mạng xã hội phát sinh từ các tác phẩm báo chí: phát triển công cụ duyệt bình luận trên fanpage phù hợp đặc điểm Việt Nam; phát hiện và xử lý các thông tin vu khống, sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu trên mạng xã hội…
Đặc biệt, trong bối cảnh việc kiểm soát các thông tin trên mạng xã hội rất khó thực hiện như hiện nay thì cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trang thiết bị, công nghệ để các cơ quan báo chí chính thống có đủ năng lực để cạnh tranh với các cơ quan truyền thông trên thị trường. Đồng thời, cũng cần có những quy định riêng kết hợp với Luật An ninh mạng 2018 nhằm kiểm soát hiệu quả hơn nguồn thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.
Về hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí, nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật của cơ quan báo chí chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu phát triển hoạt động báo chí, cũng phù hợp việc xác định cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện; Có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số…
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho rằng, cần nghiên cứu luật hóa quy định về cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực để có cơ sở hỗ trợ, đặt hàng, giúp các cơ quan này thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình
Theo Tổng biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh, kinh tế báo chí hiện đang là vấn đề đau đầu của báo chí Việt Nam nói chung. Doanh thu từ phát hành báo in giảm khủng khiếp. Doanh thu từ quảng cáo cũng vậy. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện nhiệm vụ báo chí, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Vì thế, cần đầu tư có trọng điểm, lựa chọn các cơ quan báo chí để đầu tư xứng đáng; nghiên cứu luật hóa quy định về cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực để có cơ sở hỗ trợ, đặt hàng, giúp các cơ quan này thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Cần sửa Luật để phát triển phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0
Tại buổi làm việc, các ý kiến của Báo Nhân dân đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn.
Việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) phải bảo đảm thể chế thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, là diễn đàn của nhân dân. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung chính sách phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.
Cùng với đó, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý báo chí. Đặc biệt, bảo đảm tính khả thi của các quy định, tạo điều kiện để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam./.