TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15: ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THIẾT BỊ TỪ MÁY TÍNH BẢNG SANG ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH ĐỂ PHỤC VỤ HỌC SINH TRA CỨU KIẾN THỨC

26/03/2024

Tại cuộc làm việc với Đoàn Giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã đề xuất điều chỉnh chính sách từ hỗ trợ thiết bị từ máy tính bảng sang điện thoại thông minh để phục vụ cho học sinh tra cứu kiến thức, bài giảng…

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15: ĐỀ XUẤT XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI, CÁC KẾ HOẠCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ỨNG DỤNG, ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ ĐƯỢC MỞ RỘNG Ở ĐỊA PHƯƠNG

Đoàn Giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” vừa có cuộc họp với một số Bộ ngành.

Tại cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ về thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; hiệu quả của việc sử dụng, quản lý Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - thành viên Đoàn Giám sát.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, mặc dù không còn dịch bệnh COVID-19 nhưng học sinh các tỉnh, thành vẫn rất cần các thiết bị công nghệ, máy tính để tra cứu thông tin phục vụ cho việc học tập. Vì vậy, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ hơn về việc thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến nay được triển khai như thế nào?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thúy Chinh – thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ về hiệu quả của việc sử dụng, quản lý Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, đặc biệt là việc sử dụng Quỹ cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em”…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thúy Chinh – thành viên Đoàn Giám sát.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, trước đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc giảng dạy, học tập của các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động đề xuất với Chính phủ triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Theo đó, trong số 1 triệu máy tính được phân bổ có 600.000 máy tính có được là từ nguồn kinh phí xã hội hóa và 400.000 máy tính được trích từ kinh phí của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Tuy nhiên, với số lượng máy tính bảng của Chương trình là 400.000 chiếc để hỗ trợ cho đối tượng khoảng 2,1 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo (đến hết năm 2021), cần phải xác định đối tượng được ưu tiên các loại máy tính bảng trên thị trường rất khác nhau về chủng loại, chất lượng, cấu hình, do đó Bộ Thông tin và Truyền thông phải ban hành văn bản pháp luật hiện hành để áp dụng cho chính sách này.

Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị Quyết 43/2015/QH15 và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng và ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BTTT ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện hỗ trợ máy tính bảng và dịch vụ viễn thông công ích để sử dụng máy tính bảng thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình); tại Thông tư đã hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc hỗ trợ máy tính bảng; cấu hình kỹ thuật của máy tính bảng; quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích để sử dụng máy tính bảng phục vụ học tập; quy định về đối tượng được hỗ trợ, tiêu chí phân bổ, tiêu chí ưu tiên xét chọn đối tượng nhận hỗ trợ máy tính bảng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương.

Đề cập về triển khai thực hiện chính sách, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức khảo sát thu thập số liệu từ các địa phương, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo về hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, số lượng đối tượng chính sách xã hội của các địa phương; số lượng máy tính, máy tính bảng đã hỗ trợ cho các đối tượng thông qua nguồn xã hội hóa thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Trên cơ sở quy định của Thông tư số 09/2022/TT-BTTTT, số liệu liên quan về các đối tượng được hỗ trợ đã thu thập được, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân bổ số lượng máy tính bảng của Chương trình (400.000 chiếc) cho các địa phương tại Quyết định số 1506/QĐ-BTTTT ngày 12/8/2022 và tổ chức triển khai các thủ tục liên quan để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp máy tính bảng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, điều kiện thực tế đã có nhiều thay đổi: Đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được khống chế, học sinh đã đi học trực tiếp (không còn dạy, học trực tuyến). Mặt khác, cũng có ý kiến cần đánh giá kết quả triển khai trong thời gian vừa qua (với mức kinh phí dự kiến hỗ trợ không quá 2,5 triệu đồng/máy) từ nguồn xã hội hóa trước khi triển khai tiếp. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát đánh giá, hiệu quả hỗ trợ máy tính bảng, chất lượng máy tính bảng đã được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa trong tháng 9/2022.

Căn cứ kết quả khảo sát và báo cáo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 20/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Tờ trình số 111/TTr-BTTTT báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện hỗ trợ máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Giáo dục triển khai dạy học trực tuyến để triển khai hỗ trợ 400.000 máy tính bảng từ nguồn Quỹ; Tạm thời chưa triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ máy tính bảng cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai dạy và học trực tuyến theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo nội dung Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của 02 Bộ về phương án chuyển hướng hỗ trợ thiết bị cho học sinh thuộc hộ nghèo gửi xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (Văn bản số 1730/BTTTT-KHTC ngày 11/5/2023).

Do đó, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam chưa triển khai giải ngân thực hiện hỗ trợ máy tính bảng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025; trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất điều chỉnh chính sách hỗ trợ thiết bị từ máy tính bảng sang điện thoại thông minh cho phù hợp với thực tế hiện nay, đảm bảo hiệu quả của Chương trình.

Vào tháng 2/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất đề xuất và có Tờ Trình tới Thủ tướng Chính phủ từ phục vụ công tác dạy và học trực tuyến sang phương thức để học sinh có thiết bị tra cứu thông tin thư viện, trường học, truy cập kho dữ liệu số, bài giảng điện tử trên hệ thống dữ liệu giáo dục giúp các em tiếp cận công nghệ thông tin và bổ sung kiến thức học tập. Theo đó, việc chỉnh chính sách từ hỗ trợ thiết bị từ máy tính bảng sang điện thoại thông minh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát.

Phát biểu kết luận về nôi dung trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Đoàn Giám sát ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân theo báo cáo của các Bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của bộ, ngành và sẽ tổng hợp, báo cáo, phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn giám sát và các đại biểu dự họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn giám sát đề nghị các Bộ rà soát, bổ sung các số liệu báo cáo cụ thể, hoàn thiện báo cáo để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Ngoài ra, trên cơ sở cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đề nghị Tổ Giúp việc tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành để tổng hợp kết quả, hoàn thiện báo cáo của Đoàn Giám sát./.

Bích Lan