HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5: RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH TẠI DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, KHẢ THI TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

26/03/2024

Sáng 26/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 5, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phát biểu điều hành Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định cho biết, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đã có 115 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Tổ và tại Hội trường; 07 ĐBQH gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội cùng các cơ quan có liên quan để tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQHi; tổ chức nhiều Hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến chuyên gia phục vụ quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã bố trí làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, tại Phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật này. Sau phiên họp 31, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ trình Hội nghị đai biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5.

Gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các vị đại biểu quan tâm cho ý kiến về quy định liên quan đến: Nguyên tắc áp dụng pháp luật; Tổ chức chính quyền đô thị; Quản lý không gian ngầm; Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; Thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao;…

 Xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô

Thảo luận tại Hội nghị, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình được chuẩn bị công phu với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết. Đồng thời, các vị ĐBQH cũng góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo tính thống nhất, khả thi sau khi ban hành.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, so với Dự thảo Luật trình tại Kỳ 6, Dự thảo Luật trình Hội nghị chuyên trách lần này đã bổ sung nội dung tại cuối khoản 2 và bổ sung thêm khoản 3 vào Điều 4. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét kỹ việc bổ sung 02 nội dung này để vừa bảo đảm về nội dung, vừa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật lập pháp.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đưa ra lập luận cho đề xuất này, đại biểu dẫn chứng: Đối với nội dung bổ sung khoản 2, Dự thảo chưa đưa ra tiêu chí nào để xác định thế nào là "thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô"? Chủ thể nào có thẩm quyền xác định những quy định thuận lợi hơn này? Trường hợp quy định "không thuận lợi hơn" thì xử lý ra sao? Bên cạnh đó, cần làm rõ tính hợp hiến của việc giao UBTVQH quyết định áp dụng quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội vì thẩm quyền này không phải là giải thích luật, nghị quyết và cũng không có trong Điều 74 của Hiến pháp 2013;…

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị: Xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô trong Dự thảo Luật làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng; Đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô; đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô;…

Bổ sung quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường

Quan tâm tới quy định về bảo vệ môi trường, đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, một vấn nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh, xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những vi phạm từ đạo luật khác tác động đến môi trường như Quy hoạch, Giao thông, Chất thải …phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất ...gây ô nhiêm môi trường sống hay vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, môi sinh còn thấp, nhiều nơi tình trạng ô nhiêm nặng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cho phép HĐND thành phố Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trang xâm hại môi trường mọi nơi, mọi lúc, kéo dài và thiếu ý thức xem nhẹ vấn đề môi trường nhất là ở Thủ đô.

“Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì khó thực hiện được những việc khó như dịch chuyển cơ sơ sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm thành phố…”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Cùng mối quan tâm tới, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình kiến nghị, cần nâng mức xử phạt, mở rộng phạm vi áp dụng để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình cho biết, đối với việc mở rộng địa bàn áp dụng đối với các lĩnh vực: văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm; giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo hướng nâng mức xử phạt không quá 02 lần so với quy định của Chính phủ, dự thảo Luật đã quy định mở rộng phạm vi áp dụng “trên toàn địa bàn thành phố” (Luật Thủ đô trước đây chỉ quy định trong khu vực nội thành), quy định này nhằm khắc phục bất cập về xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành trong cùng địa bàn thành phố.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Nghiên cứu, đối chiếu, so sánh với Luật Xử lý vi phạm hành chính cho thấy, tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định “Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung…” và do HĐND thành phố quy định. Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ các khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương mới áp dụng mức phạt tiền cao hơn không quá 02 lần mức phạt chung.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, quy định này có sự bất hợp lý đó là cùng một hành vi vi phạm hành chính trên cùng một địa bàn nhưng mức xử phạt lại khác nhau, không phù hợp với nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính “Việc xử lý vi phạm hành chính được tiến hành công khai, khách quan, công bằng……”.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đồng tình với quan điểm của Hà Nội là mở rộng địa bàn áp dụng cả nội thành và ngoại thành theo hướng nâng mức xử phạt không quá 02 lần so với quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài đại biểu kiến nghị, cần nghiên cứu để sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm áp dụng chung cho tất cả các thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi cả nước.

Quy định điều kiện, lĩnh vực cụ thể được thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Cũng tại Hội nghị, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến là quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, mặc dù tán thành cần có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, tuy nhiên các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị, nội dung quy định tại dự thảo cần được rà soát kỹ lưỡng. Theo đó, đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề xuất, cần sửa quy định điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam. Theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù. Không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan dễ sơ hở.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, phạm vi quy định như dự thảo luật còn tương đối rộng. Do đó, đại biểu đề nghị, có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI…

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

Đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý, thử nghiệm thường gắn với rủi ro, mà gắn với rủi ro cần loại trừ một số trách nhiệm nên cần rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này. Ngoài ra, trong quy định tại Điều 25, phần kiểm soát lại quy định quá chặt, dẫn tới rất khó thử nghiệm. “Như khoản 7 điều 25 thì chắc khó có doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm” – đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị làm rõ hơn quy định liên quan đến việc tạm dùng và đình chỉ thử nghiệm, bởi quyết định này dẫn đến hậu quả pháp lý là đơn vị đề xuất thí điểm phải dừng thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Quy định khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn

Liên quan đến quy định phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền TP. Hà Nội tại, một số ý kiến đại biểu bày tỏ tán thành với quy định cho phép HĐND Tp. Hà Nội thành lập các cơ quan chuyên môn. Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cũng cần quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ. Đồng thời, theo đại biểu việc có khung tối đa cơ quan chuyên môn của Tp. Hà Nội sẽ tránh trường hợp tùy tiện trong thành cơ quan chuyên môn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Bên cạnh đó, để đảm bảo tránh lạm dụng trên thực tiễn thực thi, đề nghị cần có sự đánh giá tổng kết trước khi quy định. “Nên quy định thí điểm vấn đề này và có sự đánh giá, tổng kết một cách toàn diện trước khi tiến hành quy định trong luật và cần bổ sung quy định điều kiện thành lập mới cơ quan tổ chức cần bảo đảm biên chế và khả năng đáp ứng của ngân sách…”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Hội nghị đã có 18 đại biểu phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đã đề cập tới các vấn đề tổng thể mang tính phương pháp luận, nguyên tắc, quan điểm; đưa ra yêu cầu quy định phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật vừa thể hiện được đặc thù của Luật Thủ đô, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, nhiều ý kiến phát biểu rất cụ thể, đi vào các điều khoản, kết cấu của dự luật về Chương, mục; kỹ thuật soạn thảo văn bản;…

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các vị ĐBQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau Hội nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH nhằm đảm bảo dự thảo luật đạt chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng 

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, căn cứ quan điểm sửa đổi Luật và tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Đảng đoàn Quốc hội, của UBTVQH trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất nguyên tắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quán triệt các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị; bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều )

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng 

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Các đại biểu tham dự Hội nghị 

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận 

 Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

 

Lê Anh - Phạm Thắng