ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: CẦN THIẾT QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ CỦA TÒA ÁN TRONG GIẢI THÍCH ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV: HỘI NGHỊ CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CHO VIỆC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ LẬP PHÁP CỦA KỲ HỌP THỨ 7
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 nhiệm kỳ khóa XVthảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu tán thành với đề xuất thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ khoản 1 Điều 4, Điều 62, Điều 63) tại dự thảo luật và cho rằng cần quy định ngay trong dự thảo Luật các TAND sơ thẩm chuyên biệt cụ thể. Một số ý kiến không tán thành dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, thực tiễn cho thấy, án hành chính là loại việc rất khó và phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều ở các lĩnh vực quản lý nhà nước; nếu không có quy định phù hợp thì có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử trong giải quyết loại án này. Vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản tuy số lượng chưa nhiều, nhưng tính chất phức tạp và ngày càng tăng theo sự phát triển kinh tế của đất nước. Giải quyết vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản cần có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về pháp luật, được đào tạo, hiểu biết về các lĩnh vực chuyên môn.
Việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ và Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (gọi chung là các Tòa án chuyên biệt) là cần thiết, trong điều kiện số lượng các vụ, việc này ngày càng gia tăng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chuyên sâu đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế về tư pháp. Tuy vậy, đại biểu đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật các Tòa án chuyên biệt cụ thể để phù hợp với khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 (Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định).
Đại biểu Mai Văn Hải – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Có quan điểm khác về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại điểm đ, Điều 4 về tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt đã nêu rất cụ thể: Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phá sản.
“Tôi cơ bản thống nhất cần quy định thành lập tòa án chuyên biệt để thực hiện xét xử đối với những vụ việc mang tính chất khó và rất đặc biệt, nhưng theo tôi không nên đặt tên gắn với 3 lĩnh vực hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản. Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều lĩnh vực khác cũng rất khó và phức tạp có thể cũng cần phải có tòa án chuyên biệt, nếu tới đây chúng ta thành lập sẽ xem xét để xét xử. Tôi nói ví dụ đất đai cũng là lĩnh vực có nhiều vụ việc cực kỳ phức tạp hay thương mại quốc tế hay nhiều lĩnh vực khác nữa, nếu bây giờ chúng ta chỉ đặt 3 tòa án sơ thẩm chuyên biệt gắn với 3 lĩnh vực cụ thể là không nên”, Đại biểu Mai Văn Hải nói.
Đại biểu lấy ví dụ thực tế quy định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt trong lĩnh vực hành chính, thời gian quan tòa án cấp huyện hay tòa án cấp tỉnh vẫn tiến hành xét xử bình thường, giải quyết số lượng vụ việc rất lớn, trên 25.000 vụ việc trong 7 năm (bình quân khoảng 3.600 vụ việc/năm). Đại biểu băn khoăn, với số lượng giải quyết rất lớn như vậy có nên hay không nên thành lập tòa chuyên biệt sơ thẩm hành chính. Vì vậy, đại biểu cho rằng, quy định tòa án sơ thẩm chuyên biệt cần quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ xét xử ở một số lĩnh vực cụ thể, đặc thù, phức tạp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Cũng thống nhất cần thiết thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế hiện nay nhiều vụ việc chuyên biệt như sở hữu trí tuệ, phá sản đang gia tăng, nếu có các tòa án chuyên biệt sẽ có tác động lớn trong việc phát huy vai trò xét xử độc lập của tòa án, nhưng cần xem xét quy định về Hội thẩm nhân dân cần. Dự thảo Luật trình Quốc hội quy định: Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân nơi đặt trụ sở Tòa án chuyên biệt bầu, theo đại biểu quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính đại diện của Nhân dân tham gia xét xử; nếu trong một khu vực có 1-2 tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, khi đó đại diện hội thẩm nhân dân sẽ được bầu như thế nào. Như vậy, việc xét xử trên địa bàn hành chính sẽ không phù hợp, vì vậy cần nghiên cứu có nhất thiết có hội thẩm nhân dân đối với tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hay không?.
Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị chỉnh lý Điều 127 theo hướng: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án chuyên biệt) Hội thẩm nhân dân theo số lượng được phân bổ.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập để giải quyết những vụ việc mang tính chuyên môn sâu, phức tạp, vì thế đòi hỏi người tiến hành tố tụng không chỉ có kiến thức pháp luật mà phải có kiến thức về chuyên môn trong lĩnh vực đặc thù. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật đã có những quy định mới về điều kiện của Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm chuyên biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 122 của dự thảo luật "người được bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt bên cạnh đáp ứng đáp ứng tiêu chuẩn chung phải có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực đặc thù để tham gia xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt". "Quy định này hoàn toàn hợp lý, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Tuy vậy, tiêu chuẩn của Thẩm phán Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt lại không có sự khác biệt so với thẩm phán của các tòa án khác. Chính vì thế, cũng cần cân nhắc bổ sung tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt", đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị.
Về dự kiến số lượng, phạm vi, thẩm quyền của tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên, một số ý kiến đề nghị cần xem xét cụ thể, trong đó, cần căn cứ số lượng vụ việc phải giải quyết hằng năm, Tòa án nhân dân tối cao sẽ đề xuất số lượng Tòa án chuyên biệt cụ thể, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; nơi đặt trụ sở; điều kiện bảo đảm cho các Tòa án này hoạt động; xin ý kiến cấp có thẩm quyền và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.