CHÍNH SÁCH VỀ HỖ TRỢ CHO ĐƠN VỊ VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NGÀNH Y TẾ CHƯA QUAN TÂM TỚI ĐẶC THÙ CỦA NGÀNH

29/03/2024

“Các chính sách về hỗ trợ cho các đơn vị và người lao động của Ngành Y tế đều theo chính sách chung, chưa quan tâm đến mức độ, vai trò, đặc thù của Ngành Y tế…,” là một trong những tồn tại, hạn chế được đại diện Bộ Y tế nêu rõ tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển KT- XH.

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15: ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THIẾT BỊ TỪ MÁY TÍNH BẢNG SANG ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH ĐỂ PHỤC VỤ HỌC SINH TRA CỨU KIẾN THỨC

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VÀ NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định đối với chính sách đầu tư phát triển, Quốc hội tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 02 năm 2022 và 2023, bao gồm “bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc – xin trong nước và thuốc điều trị Covid-19”.

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau khi xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 24/5/2023, Bộ Y tế đã xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và mức phân bổ cho các đơn vị tham gia chương trình theo đúng quy định tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11/ NQ-CP.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, trong bối cảnh chi ngân sách nhà nước về phòng, chống Covid-19 cho Ngành Y tế rất hạn chế. Bộ Y tế đã có văn bản số 9635/BYT-KHTC ngày 12/11/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký nhu cầu kinh phí Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế với tổng nhu cầu kinh phí cho Chương trình là 90.427 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ Y tế chỉ được phân bổ tối đa là 14 nghìn tỷ đồng. Bộ Y tế cũng đã chủ động, tích cực huy động các nguồn lực và thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật trong huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid – 19. Các cơ sở y tế chủ yếu sử dụng kinh phí và nhân lực sẵn có để tổ chức phối hợp thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, duy trì hoạt động giáo dục linh hoạt, ứng phó hiệu quả với diễn biến phúc tạp của đại dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cũng cho biết, các chính sách về hỗ  trợ cho các đơn vị và người lao động của Ngành Y tế đều theo chính sách chung, chưa quan tâm đến mức độ, vai trò, đặc thù của Ngành Y tế. Mặt khác, thủ tục, quy trình, thời gian hỗ trợ không được tích hợp trong các chính sách, quy định của Chính phủ nên phát sinh nhiều hồ sơ, điều kiện, thời gian để nhận được hỗ trợ.

Một số khó khăn, vướng mắc được Thứ trưởng Lê Đức Luận chỉ rõ trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid -19; Y tế cơ sở; Y tế dự phòng… Cụ thể:

Chưa phân định rõ nhiệm vụ của địa phương, trung ương

Về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid -19: Trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch Covid -19, chưa phân định rõ nhiệm vụ của địa phương, trung ương, đặc biệt là chi của các cơ quan an ninh, quốc phòng, các bệnh viện dã chiến do trung ương thiết lập trên địa bàn. Do đó, còn lẫn các nội dung chi của trung ương và địa phương, việc áp dụng các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP còn khó khăn, vướng mắc.

Khi dịch bệnh xảy ra ở các địa phương, với sự bùng phát quy mô lớn ở một số địa phương, mặc dù đã có kế hoạch ứng phó nhưng nguồn lực tại chỗ chưa thể đáp ứng ngay, cần sự huy động và hỗ trợ của trung ương và một số địa phương khác.

Việc thực hiện mua trang thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế cho phòng, chống dịch còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh xảy ra nên thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế khan hiếm, giá không ổn định, ngoài ra các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện đấu thầu mua sắm (xác định giá gói thầu, lựa chọn nhà thầu…)

Việc giải ngân nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp còn chưa con, một số khoản kinh phí được cấp nhưng không sử dụng, trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 còn một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng…

Việc điều động, hỗ trợ nhân lực y tế giữa các địa phương, đơn vị chưa có kế hoạch tổng thể, không theo sự điều phối chung, thống nhất. Điều kiện, môi trường làm việc, trang thiết bị bảo hộ còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cung cấp dịch vụ của nhân viên y tế. Còn nhiều bất cập trong việc bố trí kinh phí và chi trả chế độ, chính sách đối với nhân lực y tế tham gia phòng chống dịch.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động còn chưa kịp thời, còn một bộ phận người lao động chưa nhân được hỗ trợ. Do đó, làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đối với một số người lao động ở thời điểm gặp khó khăn, cần được hỗ trợ.

Chính sách về cơ chế tài chính cho y tế cơ sở chậm đổi mới

Về y tế cơ sở: Hệ thống chính sách, pháp luật về y tế cơ sở vẫn còn một số bất cập về tính hiệu quả cũng như tính khả thi của văn bản. Việc ban hành chính sách y tế còn thiếu đồng bộ và nhất quán với các mục tiêu chính sách chưa được xem xét đến tính tổng thể của hệ thống… Các chính sách về cơ chế tài chính cho y tế cơ sở chậm đổi mới, bao gồm cả về phương thức phân bổ ngân sách và phương thức thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho y tế tuyến cơ sở.

Bên cạnh đó, tổ chức mạng lưới y tế cơ sở thiếu ổn định và thống nhất. Có nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đới với mạng lưới y tế cơ sở, đã tạo ra sự không ổn định và thiếu thống nhất về tổ chức mạng lưới y tế cơ sở trên toàn quốc, tác động tới hoạt động của trung tâm y tế huyện/bệnh viện huyện và Trạm Y tế xã…

Ngoài ra, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở không phù hợp; bất cập về nhân lực y tế tuyến y tế cơ sở; Công tác chăm sóc sức khỏe của y tế cơ sở bị ảnh hưởng do tác động của một số chính sách như quy định về thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, áp dụng chính sách tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm giảm tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế của người bệnh tại tuyến y tế cơ sở;…

Thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch một số nơi chưa kịp thời

Về y tế dự phòng: Các quy định của luật hiện hành còn chưa đáp ứng các tình huống phát sinh của đại dịch. Công tác chỉ đạo điều hành ở các cáp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động. Một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn.

Việc thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid -19 còn một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính. Việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng.

Trong quá trình tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch cho thấy còn nhiều vấn đề tuy đã triển khai nhưng cần bổ sung cơ chế pháp lý cho việc thực hiện hoặc cần có cơ chế pháp lý để dự phòng cho các tình huống pháp lý tương tự có thể xảy ra trong tương lai, tập trung vào 04 nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; Thanh toán chi phí và chế độ phòng dịch; Dược; Trang thiết bị y tế một số khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật trong quá trình tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống Covid-19.

Trên cơ sở phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan/khách quan dẫn tới những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thứ trưởng Lê Đức Luận đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuyển nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sang năm 2024 để các đơn vị thực hiện./.

Lê Anh