NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI – NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ƯU TÚ ĐẠI DIỆN CHO NHÂN DÂN
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan tham dự phiên họp trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội
Tham dự cuộc họp trực tuyến có các nghị sĩ/đại biểu Quốc hội đại diện các Nghị viện/Quốc hội thành viên AIPA.
Kế hoạch hành động và Khung thực hiện nhằm thúc đẩy sự tham gia chính trị và lãnh đạo của phụ nữ trong ASEAN (WPPL) đã được đưa ra thảo luận lần đầu tại Diễn đàn Nữ lãnh đạo chính trị và Phiên họp của Ủy ban Điều phối WAIPA tổ chức tại Viêng Chăn, Lào từ 04-06/02/2024.
Tại cuộc họp trực tuyến lần này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cùng các đại biểu đại diện cho các Nghị viện thành viên AIPA đã tiến hành xem xét, cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động và Khung thực hiện nhằm thúc đẩy sự tham gia chính trị và lãnh đạo của phụ nữ trong ASEAN. Dự kiến, Kế hoạch hành động và Khung thực hiện WPPL sẽ được thông qua tại Đại hội đồng AIPA-45 tổ chức trong năm 2024.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Trước đó, ngày 05/02/2024, tại Diễn đàn Nữ lãnh đạo chính trị và Phiên họp của Ủy ban Điều phối WAIPA tổ chức tại Viêng Chăn, Lào, đại diện cho Đoàn ĐBQH Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề “Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ và công nhận nền kinh tế chăm sóc để tạo điều kiện tăng trưởng toàn diện và tham gia chính trị”.
Qua bài phát biểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan nêu rõ, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ và công nhận nền kinh tế chăm sóc để tạo điều kiện tăng trưởng toàn diện và tham gia chính trị cũng như thúc đẩy bình đẳng giới là những ưu tiên hàng đầu của Quốc hội Việt Nam, luôn được chú trọng trong quá trình thực hiện các chức năng của Quốc hội Việt Nam.
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ và bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế. Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật ngày càng được quan tâm. Nguyên tắc bình đẳng giới được đề cập trong Hiến pháp và các bộ luật quan trọng như Bộ luật Lao động; Luật Việc làm; Luật Bình đẳng giới; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; và mới đây nhất là Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực phát triển nền kinh tế chăm sóc, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi và người khuyết tật ngày càng gia tăng. Việt Nam luôn khuyến khích sự sáng tạo, đa dạng hóa, xã hội hóa các mô hình của nền kinh tế chăm sóc, nhất là các mô hình chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Việc đầu tư cho nền kinh tế chăm sóc là thành tố quan trọng để hỗ trợ các quyền cơ bản, bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, Đoàn Việt Nam đề nghị, các Nghị viện thành viên tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề bình đẳng giới, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, phát triển nền kinh tế chăm sóc, trong đó bao gồm cả việc nội luật hóa các cam kết quốc tế mà chúng ta là thành viên.
Đồng thời, xem xét, phê chuẩn các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Quốc hội và giám sát hoạt động ký kết và thực hiện các Điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực này. Trong đó, nhấn mạnh đến việc chia sẻ kinh nghiệm giữa Nghị viện các quốc gia thành viên trong thực hiện các chương trình hỗ trợ đặc thù cho phụ nữ và doanh nghiệp có nữ lãnh đạo và nên nhìn nhận già hóa dân số đem đến những cơ hội mới cho sự phát triển trong đó có đầu tư và hưởng lợi từ nền kinh tế chăm sóc.