ỦY BAN TƯ PHÁP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CỦA DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)

08/04/2024

Ngày 08/4/2024, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Uỷ ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Bộ Tổng trưởng lý Australia phối hợp tổ chức Hội nghị Một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chủ trì hội nghị.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)

ỦY BAN TƯ PHÁP HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 12

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của đại diện các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 29/3/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Sau hơn 12 năm thi hành, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Luật Phòng, chống mua bán người cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, theo đó dự án Luật Phòng, chống mua bán người được đưa vào Chương trình để Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Ngày 06/3/2024, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành thẩm tra dự án Luật trên cơ sở Tờ trình số 54/TTr-CP của Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì hội nghị

Để có thêm thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật cũng như cung cấp thông tin, luận cứ cho Ủy ban Tư pháp trong quá trình giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ Tổng chưởng lý Australia tổ chức Hội nghị quốc tế về “Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)”.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo chuyên đề của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế; trên cơ sở đó, trao đổi, thảo luận và gợi mở thêm một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Qua thảo luận cho thấy một số khái niệm của dự thảo Luật như khái niệm mua bán người, khái niệm nạn nhân đã cơ bản đáp ứng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mở rộng hơn so với Bộ luật Hình sự, phúc đáp yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mua bán người trên thực tiễn. Bên cạnh đó, các quy định về phòng ngừa mua bán người, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm về mua bán người; công tác xác minh, tiếp nhận, giải cứu nạn nhân cũng như việc hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung, quy định rõ hơn, cụ thể hơn so với Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành nhưng vẫn cần phải được tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội nghị

Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định các ý kiến đóng góp rất bổ ích, có giá trị cao giúp cho Ủy ban Tư pháp cũng như Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5 tới đây cũng như trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để trình Quốc hội thông qua bảo đảm chất lượng tốt nhất./.

(Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội)