BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG: HOÀN THIỆN HỒ SƠ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

11/04/2024

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sau khi được Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, cho tới thời điểm này, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, khi được giao nhiệm vụ tham mưu đề xuất sửa đổi Luật Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ý thức cao trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt, kịp thời để triển khai tổ chức tổng kết quá trình thực hiện Luật, tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến, phối hợp với các Bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, quán triệt tinh thần của Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai kịp thời nhằm thể chế các quan điểm của Đảng, trở thành công cụ pháp luật, thông qua kiến tạo chính sách để tạo động lực phát triển.

"Việc sửa đổi Luật cũng nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, dựa trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên phong phú để thấy được trí sáng tạo, nét đẹp văn hoá ngàn đời mà cha ông ta đã dày công gây dựng nên. Dù đây là dự án Luật khó nhưng không thể không làm, cho tới thời điểm này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, do dự án Luật đã có “tuổi thọ” 23 năm, nhiều quy định giờ đã không phù hợp với thực tiễn; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật; do Luật Di sản có liên quan đến nhiều Luật khác trong khi nhiều Luật khác đã sửa đổi thì Luật Di sản vẫn “đứng im” nên cần phải sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế, Chương trình có liên quan đến di sản văn hóa vì thế Luật cần phải sửa đổi để bảo đảm tương thích và thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa. “Việc sửa đổi Luật là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, căn cứ xây dựng dự án Luật (sửa đổi) là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển nền văn hoá, con người Việt Nam như Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kết luận của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021; Nghị quyết của Quốc hội…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, với quan điểm tiếp cận di sản là tài sản và phải giải được bài toán làm gì để di sản trở thành tài sản, Bộ đã xây dựng dự thảo Luật với tinh thần không chỉ khắc phục các điểm nghẽn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước mà còn kiến tạo để phát triển. Vì vậy, sau quá trình triển khai thực hiện, đến nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành hồ sơ dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi).

Thông tin cụ thể hơn về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Di sản văn hóa quy định tại dự thảo Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bố cục của dự thảo Luật gồm có 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cụ thể, đối với Chính sách 1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: Bổ sung, hoàn thiện một số thuật ngữ liên quan để tạo cách hiểu thống nhất trong thực thi và áp dụng pháp luật; Quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa, tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hoá ra nước ngoài; Đồng thời, quy định các biện pháp quản lý hiệu quả như: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa; Bổ sung quy định xác lập cơ chế ghi danh, công nhận, thực thi các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, liên quốc gia; Quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: nhận diện, kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Đối với Chính sách 2, Bộ đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: Quy định phân cấp, phân quyền đảm bảo các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan. Trong đó, có quy định cụ thể về nội dung phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương, rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương; Quy định rõ cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa; Quy định rõ về nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm để phân định rõ các nội dung hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Quy định  về thanh tra, nội dung kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Đối với Chính sách 3, Bộ đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: Quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể di sản văn hóa trong việc đầu tư kinh phí cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do cá nhân, cộng đồng sở hữu, đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để chia sẻ lợi ích công bằng cho các đối tượng liên quan đối với nguồn thu từ di sản văn hóa khi tham gia đầu tư cho di sản văn hóa và đảm bảo cơ chế phù hợp để khuyến khích hợp tác trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; Quy định về các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Quy định nội dung cơ chế, khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội…/.

Thu Phương