ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA QUỐC HỘI GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC BẢN MỒNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, dự án hồ chứa nước Sông Than (tỉnh Ninh Thuận) đã được Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 với tổng diện tích 431,76 ha (gồm: 333,98 ha rừng tự nhiên và 64,19 ha rừng trồng).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ
Tổng diện tích trồng rừng thay thế là 1.066,13 ha. Dự án đã nộp hơn 141,172 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận. Đến năm 2022, tổng diện tích rừng trồng thay thế của dự án từ nguồn kinh phí nêu trên là 1.543,03 ha (vượt 476,9 ha so với quy định).
Đối với dự án hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, dự án này được Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 với tổng diện tích 1.131,22 ha. Trong đó, Thanh Hóa là 586,45 ha (gồm 523,3 ha rừng tự nhiên và 54,15 ha rừng trồng); Nghệ An là 544,77 ha (gồm 130,25 ha rừng tự nhiên và 4141,52 ha rừng trồng).
Quang cảnh phiên họp
Tổng diện tích trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án là 2.456,32 ha. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả thực hiện, Thanh Hóa chưa thực hiện trồng rừng thay thế do chưa chuyển mục đích sử dụng rừng và chủ dự án chưa bố trí kinh phí để thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.
Tại Nghệ An, chủ đầu tư dự án mới trồng được 233,36 ha (đạt 28,98% tổng diện tích). Công tác triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành 8 trạm bơm hạ du sông Hiếu, công trình đầu mối thi công đạt khoảng 96%; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, nhiều hộ dân chưa di dời.
Sau khi phân tích những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hai dự án này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Quốc hội chỉ đạo tăng cường công tác giám sát việc triển khai thi công thực hiện dự án cũng như công tác chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng để thực hiện 2 dự án.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp giải trình tại phiên họp
Liên quan đến việc thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dự án này được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Mục 5 Nghị quyết số 101/2023/QH15. Mục tiêu dự án là cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân…
Dự án có tổng mức đầu tư 874,089 tỷ đồng với tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha. Trong đó, tổng diện tích phải thực hiện trồng rừng thay thế cho dự án là 1.875 ha. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, việc hoàn thành dự án đúng thời hạn theo Nghị quyết của Quốc hội là rất khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên họp
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan khi để dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; đề xuất giải pháp tháo gỡ như: giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện tiến độ dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Thuận để hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo đúng quy định…
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về các nội dung này.
Trong đó, đối với dự án hồ chứa nước Sông Than đã cơ bản hoàn thành (các nhiệm vụ của dự án về thi công công trình đầu mối, di dân, giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất); nhiệm vụ trồng rừng thay thế theo Nghị quyết 135/2020/QH14 đã hoàn thành (vượt 44,73% so với yêu cầu); nếu bố trí đủ nguồn vốn 68,327 tỷ đồng thì dự án có thể hoàn thành tiến độ.
Đối với dự án hồ chứa nước Bản Mồng, việc bố trí vốn không đủ, đứt đoạn, kéo theo trượt giá, thay đổi định mức kinh tế - kỹ thuật cho giải phóng mặt bằng, đơn giá trồng rừng thay thế nên làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Việc triển khai dự án còn chậm. Việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế không bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết 135/2020/QH14. UBND hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa còn chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các hợp phần của dự án.
Đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ rõ, công tác chỉ đạo, chuẩn bị triển khai dự án còn chưa quyết liệt, còn chậm, thiếu sát sao. Trong đó, các khâu về bồi thường giải phóng mặt bằng, phê duyệt đầu tư dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chậm; năng lực của các đơn vị được giao còn chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng, còn phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong thực tiễn.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, trao đổi các giải pháp để việc chuyển mục đích sử dụng rừng được thuận lợi, đúng quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ ba dự án hồ chứa nước.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Ủy ban tiếp thu, ghi nhận đầy đủ các ý kiến liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội để hoàn thiện báo cáo thẩm tra về nội dung này, trước khi có báo cáo chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới đây.