ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

04/05/2024

Sáng 04/5, tại Thái Nguyên, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023" đã làm việc với Đại học Thái Nguyên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành chủ trì buổi làm việc.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH PHÚ THỌ VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: GIÁM SÁT LÀ ĐỂ TÌM HIỂU NHỮNG CÁCH LÀM HAY, NHỮNG KINH NGHIỆM TỐT ĐỂ NHÂN RỘNG

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH PHÚ THỌ

Tham dự buổi làm việc có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng; các thành viên Đoàn công tác, cán bộ Bộ Tài chính, Văn phòng Quốc hội. Về phía Đại học Thái Nguyên có Giám đốc Đại học Thái Nguyên PGS.TS Hoàng Văn Hùng, các thành viên Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng thành viên.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đại học Thái Nguyên

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, năm 2017, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thời gian qua, triển khai Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện nhiều nội dung của Nghị quyết. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của những vấn đề phát sinh, bối cảnh tình hình thực tế có những thay đổi. Cùng với đó yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động  của đơn vị sự nghiệp công lập góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành chủ trì buổi làm việc

Từ thực tiễn trên, Quốc hội quyết định trong năm 2024 tiến hành giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023". Mục tiêu của giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập; Kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Triển khai hoạt động giám sát, Đoàn giám sát đã xây dựng kế hoạch giám sát, đã có yêu cầu các cơ quan xây dựng báo cáo. Đồng thời, nhận thấy thực tiễn phong phú, đa dạng, do đó Đoàn giám sát lựa chọn giám sát, khảo sát thực tiễn tại một số địa phương và các cơ sở mang tính đại diện cho các vùng, miền, các lĩnh vực.

Các thành viên Đoàn giám sát tại buổi làm việc

Làm việc với Đại học Thái Nguyên, Đoàn giám sát đề nghị tập trung làm rõ đánh giá mô hình tổ chức hoạt động của Đại học, tình hình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp bên trong Đại học, tinh giản bộ máy, chất lượng hoạt động; việc đổi mới phương thức quản lý, quản trị nội bộ, vấn đề thực hiện tự chủ, mô hình Hội đồng trường… Mong muốn qua trao đổi thẳng thắn, rõ ràng, Đoàn giám sát sẽ lắng nghe, tìm hiểu những vấn đề thực chất, giải pháp thiết thực, kiến nghị cụ thể để bảo đảm hiệu quả giám sát, gắn với cơ sở, đi từ thực tiễn. Qua giám sát phải nhận diện được đầy đủ tình hình thực tế, phát hiện mô hình, kinh nghiệm tốt để phát huy, có được các giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, hoàn thiện thể chế để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, Đại học Thái Nguyên hiện có 34 đơn vị trực thuộc, trong đó có 21 đơn vị có tư cách pháp nhân; 13 đơn vị không có tư cách pháp nhân. Trong giai đoạn 2018-2023, Đại học Thái Nguyên ổn định số lượng 08 trường đại học và cao đẳng thành viên. Các trường đại học thành viên, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, các Trung tâm cũng đã thực hiện tái cấu trúc lại bộ máy bên trong đơn vị theo hướng tự chủ.

Giám đốc Đại học Thái Nguyên PGS.TS Hoàng Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Đại học Thái Nguyên đã giao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện có 02 đơn vị tự chủ chỉ thường xuyên ở mức 1; 01 đơn vị tự chủ chỉ thường xuyên nhóm 2; tất cả các đơn vị còn lại tự chủ chỉ thường xuyên ở mức 3.

Giám đốc Đại học Thái Nguyên PGS.TS Hoàng Văn Hùng cho biết, về mô hình tổ chức, thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị, Đại học Thái Nguyên từ 11 ban, văn phòng giảm còn 8 ban và văn phòng. Sau sáp nhập các đơn vị hoạt động vẫn bảo đảm hiệu quả, ổn định. Việc thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang về tổng thể đã góp phần tinh giản về bộ máy hệ thống các trường cao đẳng cho địa phương, song theo quy định các phân hiệu lại không tư cách pháp nhân dẫn đến những khó khăn trong hoạt động. Đại học Thái Nguyên cũng có nhiều đổi mới trong phương pháp quản trị, xác định phương châm quan tâm người học là điểm nhấn; đồng thời thay đổi mô hình quản trị để giữ chân cán bộ, giữ chân người tài; khai thác dịch vụ tư vấn.

Lãnh đạo các ban và văn phòng, các đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên

Cho biết, Đại học Thái Nguyên có 01 Công ty thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp là Công ty TNHH Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình doanh nghiệp trong trường đại học vẫn còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó, Đại học Thái Nguyên nằm trên địa bàn vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên khả năng thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ còn hạn chế. Nguồn thu từ phí, thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ của một số đơn vị sự nghiệp công lập không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự đảm bảo toàn bộ chỉ thường xuyên.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu

Đại học Thái Nguyên kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ giữa luật  Luật Giáo dục đại học với các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành để phân quyền nhiều hơn từ Bộ chủ quản sang Hội đồng Đại học nhất là việc liên kết, cho thuê tài sản công; quan tâm đến tính đặc thù của mô hình đại học 2 cấp, cần quy định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của Giám đốc, Hội đồng đại học, Hội đồng trường thành viên trong mô hình đại học 2 cấp. Xem xét, tháo gỡ những bất cập về tự chủ đại học; trao quyền tự chủ cao hơn cho Đại học vùng, cùng với đó gắn với chất lượng cao và trách nhiệm xã hội, thực hiện các nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Đại học Thái Nguyên được chuẩn bị công phu, chu đáo, cung cấp nhiều thông tin, đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát. Qua khảo sát thực tế và làm việc cho thấy Đại học Thái Nguyên là đại học vùng có lượng sinh viên đào tạo lớn, đội ngũ giảng viên mạnh về số lượng và chất lượng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và nước. Qua buổi làm việc các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận thấy, hoạt động của Đại học Thái Nguyên có nhiều thuận lợi song cũng có những khó khăn chung của đơn vị sự nghiệp công lập, của đại học hai cấp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn phát biểu

Ghi nhận những kiến nghị xác đáng của Đại học Thái Nguyên, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ vai trò quản trị, hiệu quả hoạt động của thiết chế Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học; thực hiện tự chủ; quản lý tài sản công; làm rõ các kiến nghị đề xuất liên quan đến hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học, chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên…gắn với sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học, xây dựng Luật Nhà giáo.

Nhiều đại biểu quan tâm đến việc khai thác sử dụng nguồn lực dùng chung bởi đây điểm mạnh của các đại học 2 cấp như Đại học Thái Nguyên. Tuy nhiên, theo báo cáo, việc khai thác sử dụng nguồn lực dùng chung hiện chưa tốt. Các đại biểu đề nghị phân tích làm rõ nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc của vấn đề này.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ Đoàn giám sát ghi nhận báo cáo của Đại học Thái Nguyên được chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng; đánh giá cao kết quả làm việc với nhiều nội dung trao đổi trách nhiệm, thẳng thắn, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Đoàn giám sát. Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả hoạt động của Đại học Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và các văn bản quy phạm pháp luật về đổi mới tổ chức, hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; đã có kế hoạch triển khai cụ thể, xây dựng đề án vị trí việc làm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành kết luận nội dung làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng điểm sáng của Đại học Thái Nguyên khi đã thực hiện tốt việc giảm đầu mối đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị, cho thấy nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, lãnh đạo, các thầy cô của Đại học Thái Nguyên.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà Đại học Thái Nguyên gặp phải trong quá trình hoạt động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Đại học Thái Nguyên tiếp tục nghiên cứu bổ sung báo cáo, trong đó làm rõ các giải pháp, kiến nghị, đề xuất để Đoàn giám sát tổng hợp và sẽ có buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan, kịp thời tháo gỡ theo thẩm quyền. Nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tự chủ nhưng hơn hết bảo đảm sứ mệnh vai trò của Đại học Thái Nguyên trong đào tạo cán bộ, nhân lực cho vùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ tin tưởng thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển, nâng tầm vị thế trở thành trọng điểm cả nước và khu vực.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu mở đầu buổi làm việc

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng phát biểu

Thành viên Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc

Đại diện Đại học Thái Nguyên báo cáo tại buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành và Giám đốc Đại học Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng tại buổi làm việc

Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên báo cáo làm rõ nhiều vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành kết luận buổi làm việc.

Bảo Yến