HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

04/05/2024

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 9, chiều 4/5, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, các thành viên Hội đồng Dân tộc thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, nhiều ý kiến góp ý về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật này và cho rằng việc có chính sách BHXH phù hợp đối với lao động dân tộc thiểu số là cần thiết.

HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

Toàn cảnh Phiên họp

Chiều 4/5, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 9, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, các thành viên Hội đồng Dân tộc thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry điều hành nội dung thảo luận.

Qua thảo luận, các đại biểu nhận thấy, về cơ bản dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã thể chế hóa được quan điểm của Đảng về phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; đẩy mạnh cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, mở rộng, gia tăng quyền lợi của đối tượng, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, BHXH dựa trên quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu cần thiết là mở rộng đối tượng, bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hỗ trợ kinh phí từ NSNN cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện và tăng thêm chế độ thai sản cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời bổ sung quyền lợi ốm đau, thai sản cho lao động bán chuyên trách. Giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm…

Nhiều ý kiến tại Phiên họp góp ý về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật. TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, BHXH được thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng, nhưng đây là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, có sự chia sẻ và có hỗ trợ từ NSNN cho tầng 1.

TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội 

Vì vậy, TS.Bùi Sỹ Lợi đề nghị cần có quy định các chính sách đặc thù để bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, bao gồm: (1) Xây dựng các chính sách BHXH đặc thù cho người lao động, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số về hỗ trợ mức đóng, mức hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, chế độ thai sản cho lao động nữ, vì đây là nguồn lực từ NSNN đáp ứng yêu cầu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (2) Bổ sung quy định hoặc quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách BHXH đặc thù cho người lao động, người dân đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Quan tâm đến nội dung này, TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập nhận thấy, cho đến nay, “hàm lượng” chính sách dân tộc trong dự thảo Luật chưa thay đổi và cơ bản còn mờ nhạt, quy định liên quan đến BHXH phù hợp với đặc thù của lao động dân tộc thiểu số cơ bản chưa có. Do đó, cần đề xuất để đảm bảo tính khả thi và có chính sách tiếp cận phù hợp hơn cho tất cả các đối tượng lao động.

TS. Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập

Thực tế hiện nay cách tiếp cận BHXH của lao động dân tộc thiểu số (DTTS) còn hạn chế, vì vậy, TS.Phạm Thái Hưng cho rằng, việc có chính sách BHXH phù hợp đối với lao động DTTS là cần thiết. Kịch bản như hiện nay dẫn đến chính sách BHXH không đến được với phần lớn lao động DTTS. Một số chính sách hỗ trợ về BHXH cho lao động DTTS đó đã được áp dụng từ hơn 10 năm qua và được cho là có kết quả tốt, có cơ sở thực tiễn để “luật hóa”.

TS.Phạm Thái Hưng cũng đề nghị cần bổ sung một điều về chính sách BHXH phù hợp với đặc thù của lao động DTTS. Theo đó, hỗ trợ tham gia BHXH bắt buộc (qua người sử dụng lao động, như cách tiếp cận hiện nay của Quyết định 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 64/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng mở rộng đối tượng). Đồng thời có chính sách hỗ trợ (dưới dạng hỗ trợ một phần, hỗ trợ có điều kiện) tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với đối tượng lao động DTTS đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc để khuyến khích tham gia BHXH liên tục, “ở lại” thị trường lao động chính thức.

Bên cạnh đó, cân nhắc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu cho lao động DTTS theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW (về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm). Đồng thời có chính sách truyền thông về BHXH cho lao động DTTS nói riêng, và lao động nông thôn nói chung. Phạm vi áp dụng là lao động DTTS từ các địa bàn đặc biệt khó khăn; lao động DTTS thuộc hộ nghèo/cận nghèo tại các khu vực khác.

Đại biểu Hoàng Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Cùng quan điểm nêu trên, đại biểu Hoàng Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, nên ưu tiên cho người DTTS bằng cách giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng, nghĩa là có thể hỗ trợ một phần cho người DTTS tham gia bảo hiểm tự nguyện hoặc có thể hỗ trợ cho người sử dụng lao động mà sử dụng nhiều đồng bào DTTS tham gia. Bởi đây chính là những chính sách khuyến khích cho đồng bào DTTS tham gia đóng BHXH.

Tại Phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm về dự án Luật này.

Cũng trong chiều nay (04/5), các thành viên Hội đồng Dân tộc cho ý kiến về Kế hoạch, đề cương giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023”; thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; đồng thời nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương thông tin về Nghị quyết 969 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội./.

Bích Ngọc