Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến dự án Luật Đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 07 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 03 Điều.
Trong quá trình thảo luận và nghiên cứu, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nêu rõ, Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, hoạt động vận tải đường bộ trong những năm qua đã phát triển rất mạnh mẽ, đáp ứng trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách, có trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa với gần 86.000 đơn vị đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Có thể nhận thấy, đây là nguồn lực rất lớn của xã hội cần chú ý tới khi xây dựng dự án luật này.
Khoản 10 Điều 56 dự thảo Luật quy định, đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng "núp" dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, việc này vô hình chung làm hạn chế loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ
Về cơ bản, mô hình này cho phép các hành khách khác nhau có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách có thể đi chung một chuyến xe, hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, còn người lái xe thì được gia tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên. Mô hình này lại mang nhiều lợi ích cho xã hội bởi có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường. Những tác động này sẽ góp phần giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông, mô hình này cũng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Đại biểu cũng nêu rõ, thông qua việc giảm lượng phương tiện tham gia giao thông, mô hình chia sẻ chuyến đi sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon đến từ hoạt động giao thông nói chung. Trong dài hạn, việc giảm lượng khí thải carbon sẽ góp phần tích cực vào việc chống biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn cũng như góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động. Đại biểu nhấn mạnh, đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi quy định tại khoản 10 Điều 56 dự thảo Luật sẽ dẫn đến không còn mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng của loại xe ô tô dưới 10 chỗ. Theo đại biểu, dịch vụ chia sẻ chuyến xe hiện nay đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, dịch vụ này cũng đang được các đơn vị vận tải hành khách thực hiện bằng việc ghép chung các chuyến đi theo lộ trình cố định khi di chuyển liên tỉnh hoặc ghép chung chuyến trong một địa bàn nhất định. Ưu điểm của mô hình này góp phần giảm bớt các phương tiện tham gia giao thông, giảm áp lực cho hệ thống giao thông và giảm lượng khí thải carbon ra môi trường, giảm ô nhiễm môi trường. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 10 Điều 56 dự thảo Luật theo hướng quy định chỉ có ô tô khách mới thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm người lái xe, còn các loại xe ô tô chở người không phải là ô tô khách chỉ quy định có hợp đồng vận tải bằng giấy hoặc điện tử mà không có giới hạn về việc thuê cả chuyến để tạo sự linh hoạt trong việc triển khai trên thực tế.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, khoản 10 Điều 56 quy định cụ thể 02 loại hình thức hợp đồng là chưa đầy đủ hết các hình thức hợp đồng vận tải trên thực tế. Hợp đồng có thể bằng văn bản giấy, bằng văn bản điện tử hoặc qua tin nhắn, thậm chí là hợp đồng miệng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "...và các hình thức hợp đồng khác theo quy định". Làm rõ hơn về quan điểm trên, đại biểu chỉ rõ, Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có ba hình thức giao kết hợp đồng dân sự là bằng lời nói, bằng văn bản và bằng hành vi cụ thể. Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định các hình thức hợp đồng là bằng lời nói, bằng văn bản và bằng hành vi cụ thể.
Liên quan tới người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, đại biểu cho rằng quy định như trên chưa bao chứa hết nhu cầu thuê xe vận tải hành khách. Nếu yêu cầu phải thuê xe cả chuyến trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sẽ gây khó cho người dân có nhu cầu và các doanh nghiệp vận tải có loại hình vận tải này. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "có nhu cầu thuê cả chuyến xe" trong dự thảo Luật, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề cụ thể để quản lý loại hình dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách này.
Cũng quan tâm tới hoạt động vận tải đường bộ, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng chỉ rõ, dự thảo Luật liệt kê nhiều loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô nhưng lại không có quy định loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch. Theo đại biểu, đây là loại hình kinh doanh vận tải đang hoạt động, có xu hướng ngày càng tăng, yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng
Cùng với đó, loại hình này đã được quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Du lịch năm 2017. Điều 6 Thông tư số 42 ngày 15/11/2017 của Bộ Giao thông vận tải cũng quy định rất chi tiết, cụ thể đối với phương tiện vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định loại hình kinh doanh vận tải này trong dự thảo Luật Đường bộ. Mặt khác, khoản 14 Điều 56 giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Tuy nhiên, các quy định của điều này cơ bản là giải thích từ ngữ. Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của điều, khoản trong dự thảo Luật, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết để luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn. Chỉ giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quy định những nội dung chi tiết, cụ thể những nội dung có thể biến động gây ảnh hưởng đến tính ổn định của luật. Việc ra quyết định chi tiết và hướng dẫn thi hành phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Ở khía cạnh khác, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phân tích, hiện nay, phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Về bản chất là kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, chở khách di chuyển thường xuyên, hằng ngày cùng một điểm đến và điểm đi. Điều này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng./.