TĂNG CƯỜNG TÍNH CHUYÊN MÔN, CHUYÊN NGHIỆP HÓA TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN

30/05/2024

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến quy định về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Nhiều ý kiến tán thành với việc đổi mới tòa án theo thẩm quyền xét xử và cho rằng đây là tiền đề để đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm trong các luật về tố tụng và các luật liên quan, tăng cường tính chuyên môn, chuyên nghiệp hóa trong việc giải quyết các vụ án, là bước tiến lớn, tạo khung pháp lý để đổi mới hoạt động của hệ thống Tòa án phù hợp với định hướng cải cách tư pháp.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN VIỆC GHI ÂM, GHI HÌNH TẠI PHIÊN TÒA

Quốc hội thảo luận toàn thể hội trường

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết về đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, trong đó có ý kiến đề nghị thí điểm về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử tại một số địa phương. Nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử và đề nghị quy định cụ thể các vấn đề liên quan (như: quan hệ giữa Tòa án với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương,...).

Do còn có ý kiến khác nhau và Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 02 phương án quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận:

 Phương án 1: quy định TAND tỉnh và TAND huyện (như quy định của Luật hiện hành);

 Phương án 2: quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm (như đề nghị của TANDTC).

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh  Đồng Tháp 

Phát biểu tại hội trường về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh  Đồng Tháp cho rằng đối mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án dân sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử, nhưng nhiệm vụ của các Tòa án không thay đổi và vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án. Quy định này vẫn chưa có sự thống nhất với các cơ quan tư pháp khác như Viện kiểm sát. Do vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với hai phương án

Cùng chung đề nghị về việc lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề khác nhau, song, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà bày tỏ ủng hộ phương án 2. Đại biểu làm rõ, việc đổi mới này đã thể chế hóa và đáp ứng được các yêu cầu của các nghị quyết của Đảng. Từ Nghị quyết 27-NQ/TW xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng pháp luật, Nghị quyết 49-NQ/TW về cải cách tư pháp đều nêu một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng Tòa án độc lập. Tòa án phải trở thành trung tâm và xét xử phải trở thành trọng tâm. Bởi có như vậy mới xét xử mới công bằng, đảm bảo công lý và có như thế Nhân dân mới tin vào pháp luật và tin vào Tòa án và xa hơn nữa là Nhân dân tin vào chế độ, cơ sở chính trị.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước và Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán quốc gia chứ không phải Tòa án xét xử của cấp huyện hay cấp tỉnh. Cho nên phải thay đổi và thay đổi này phù hợp với xu hướng của thế giới. Quy định này cũng phù hợp với truyền thống tư pháp của nước nhà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Tòa án của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Hiến  pháp 1946 đã quy định rõ Tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu rõ nội dung sửa đổi lần này không chỉ là thuần túy là đổi tên mà còn là tư duy đổi mới về chính trị, pháp lý, phù hợp với định hướng cải cách; có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng thời điểm này là thích hợp để Quốc hội quyết định việc thay đổi.

Trước những băn khoăn của đại biểu cho rằng việc đổi mới Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án không thay đổi, Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An làm rõ, theo báo cáo của TAND tối cao, TAND cấp huyện là nơi xét xử, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trên 90% vụ việc phải giải quyết của Tòa án, tức là TAND cấp tỉnh chỉ xét xử theo thủ tục sơ thẩm khoảng 10%, còn lại chủ yếu xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Nếu việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì một số lượng lớn án hành chính, sơ thẩm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh sẽ được chuyển cho TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính xét xử.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Mặt khác, như Tờ trình của TAND tối cáo đã nêu rõ, quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án. Thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. TAND phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính, chủ yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Bên cạnh đó, theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc triển khai thực hiện của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nằm trong chương trình nghiên cứu, rà soát. Do đó, việc TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án chỉ là một bước quá độ trong quá trình thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 của Nghị quyết 27-NQ/TW. Do đó, theo đại biểu Trần Nhật Minh, việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử như đề xuất của TAND tối cao trong giai đoạn hiện nay là phù hợp.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm cho rằng việc đổi mới TAND sẽ là tiền đề đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của cả 2 cấp sơ thẩm, phúc thẩm trong các đạo luật về tố tụng và các luật liên quan; tiếp tục tăng quyền xét xử sơ thẩm các loại vụ việc cho TAND sơ thẩm. TAND sơ thẩm sẽ giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm hầu hết các vụ việc. Tăng cường tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong việc giải quyết các loại vụ việc đặc thù đó là hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm cũng làm rõ việc tổ chức lại Tòa án theo thẩm quyền xét xử, sơ thẩm, phúc thẩm để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các tòa án là quan hệ hành chính, góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử. Mặt khác, các luật tố tụng hiện hành đều quy định về thủ tục xét xử tại Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm và việc thành lập các tòa án này sẽ không phải sửa các luật liên quan vì đã quy định trong điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật. Việc đặt tên Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân phúc thẩm mới sẽ được Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan để thống nhất, đảm bảo việc đặt tên không nhầm lẫn, không bị trùng lặp giữa các tòa án.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Thông tin thêm về kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử mà không tổ chức Tòa án theo địa giới hành chính. Pháp tổ chức hệ thống Tòa án gồm các tòa sơ thẩm, các tòa phúc thẩm và tòa phá án. Tại Trung Quốc, hệ thống TAND được tổ chức thành 4 cấp, là TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND trung cấp và TAND sơ cấp. Thụy Điển là quốc gia có truyền thống Luật Dân sự, hệ thống Tòa án tại quốc gia này được tổ chức theo 3 cấp, gồm Tòa án địa phương, Tòa án phúc thẩm và Tòa án tối cao.

Mặc dù nhiều quốc gia không đặt tên Tòa án cụ thể thành tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm mà có thể chia thành các tòa sơ cấp, trung cấp như ở Trung Quốc hay tòa địa phương, tòa phúc thẩm nhưng về bản chất thì hệ thống Tòa án của các nước này đều tổ chức theo cấp xét xử mà không tổ chức theo địa giới hành chính.

Dẫn câu nói "Chúng ta thường cân nhắc quá nhiều về giá phải trả cho sự thay đổi mà ít cân nhắc về giá phải trả nếu chúng ta không thay đổi", đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, dự án Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) lần này là sự đổi mới một cách khoa học, đột phá về tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động để làm tăng hiệu lực, hiệu quả, chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cấp Tòa án.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh 

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh đổi mới Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện thành Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm theo thẩm quyền xét xử bảo đảm thể chế, quan điểm chủ trương đường lối của Đảng.

Đại biểu phản ánh thêm thực tiễn hiện nay, có không ít tổ chức, cá nhân vẫn còn tư duy xem Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh là một phòng ban, sở, ngành của cơ quan hành chính cấp chính quyền. Nhiều trường hợp người dân sau khi Tòa tuyên án lại không thực hiện việc kháng cáo ở trình tự phúc thẩm, nếu như không đồng tình với việc xét xử thì lại làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền Ủy ban nhân dân và cũng không tránh khỏi tình trạng Ủy ban nhân dân lại làm văn bản giao cho Tòa án để giải quyết khiếu nại. Việc này vô hình chung làm người dân mất đi quyền kháng cáo của mình ở cấp phúc thẩm, vì thời hạn xét xử phúc thẩm sau khi xét xử sơ thẩm thì quyền kháng cáo của người dân chỉ được 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, việc thay đổi này nếu được Quốc hội đồng ý sẽ không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan; không làm phát sinh thêm ngân sách.

Bên cạnh các nhóm ý kiến bày tỏ tán thành với phương án 2, có ý kiến đề nghị cần thận trọng và có lộ trình phù hợp. Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị cần từng bước sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định của pháp luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hướng đến việc đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của TAND theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

 Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng đề xuất đổi tên Tòa án nhưng thẩm quyền xét xử các cấp hiện nay trong dự thảo không thay đổi do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất với phương án 1 của dự thảo, giữ nguyên tên gọi là TAND cấp tỉnh, cấp huyện.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng nội dung này còn có ý kiến khác nhau là do đây là thay đổi lớn, khá căn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của TAND cấp tỉnh, cấp huyện. Nhấn mạnh quan điểm chỉ đưa vào pháp luật những vấn đề đã chín, đã chắc chắn, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị khi chưa chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thì không vội vàng quyết định mô hình mới mà cần tiếp tục cho ý kiến để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ cơ sở thực tiễn, chứng minh, đánh giá đầy đủ tác động.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Cho biết trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả phiếu xin ý kiến sẽ tiếp thu để chỉnh lý dự thảo Luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng giải trình, làm rõ quan điểm cần phải đổi mới, tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử bởi đây là nội dung đã có truyền thống, đã có nghị quyết của Đảng, quy định trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật về hai cấp xét xử. Cùng với đó, đây là xu thế quốc tế. Nếu như hôm nay chúng ta không làm thì con cháu chúng ta cũng sẽ làm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ.

Một số hình ảnh của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận:

Toàn cảnh phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Đại biểu Lê Thanh Phong - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm.

Bảo Yến - Phạm Thắng - Nghĩa Đức