Phát huy tinh thần “lập pháp chủ động” hoàn thành chương trình đề ra
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong năm 2023 và 04 tháng đầu năm 2024, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 19 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 01 pháp lệnh, 07 nghị quyết, đưa tổng số văn bản lập pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 32 luật, 04 pháp lệnh và 59 nghị quyết quy phạm pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bối cảnh tình hình năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 có các yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen tác động đến công tác lập và thực hiện Chương trình. Nhiều yêu cầu thực tiễn phát sinh đòi hỏi cần kịp thời giải quyết, dẫn đến số lượng các dự án phải xem xét, thông qua tăng lên nhiều, trong đó có những dự án lớn, phức tạp, tác động sâu rộng, nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận, cử tri và Nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm đã tích lũy, với tinh thần “lập pháp chủ động”, không ngừng nỗ lực, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới để khắc phục khó khăn, hoàn thành chương trình đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập chưa được khắc phục triệt để, như: việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời hạn quy định; tính gối đầu của Chương trình còn thấp dẫn đến phải bổ sung nhiều dự án... Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt.
Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết
Về dự kiến Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hồ sơ đề nghị của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp được chuẩn bị cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở Tờ trình của các cơ quan và ý kiến thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng từng đề nghị, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, sát với yêu cầu của thực tiễn để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận
Về quan điểm, định hướng lập Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quán triệt yêu cầu. Một là, Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Hai là, Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội; chú ý đến khả năng của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.
Ba là, Không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn hoặc theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Toàn cảnh phiên thảo luận
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 trình Quốc hội xem xét thông qua 10 luật (bao gồm 08 luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và 02 luật được xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng), 04 nghị quyết (trong đó có Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng); cho ý kiến 12 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024): thông qua 12 luật (đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7); cho ý kiến 12 dự án luật.
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua 02 pháp lệnh.
Dự kiến Chương trình năm 2025, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) trình Quốc hội xem xét thông qua 12 luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8), 01 nghị quyết; cho ý kiến 10 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua 10 luật (đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9); giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thẩm quyền bổ sung các dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10.
Tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình, đánh giá cao với nội dung Tờ trình và sự chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan chuẩn bị nội dung hồ sơ trình Quốc hội rất chu đáo, cẩn thận. Đồng thời, các đại biểu cũng góp thêm nhiều ý kiến thiết thực, phân tích, đánh giá sâu sắc hơn về kết quả tồn tại, hạn chế nguyên nhân trong công tác xây dựng pháp luật 2023, 2024, 2025, đầu nhiệm kỳ đến nay và nhìn đến cuối nhiệm kỳ. Đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất bổ sung vào chương trình một số dự án luật như Luật Chữ thập đỏ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Dân số, các nghị quyết về sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ cho các địa phương nước ngoài, Luật An toàn thực phẩm, v.v
Có ý kiến đề nghị cân nhắc vấn đề 1 luật sửa 4 luật theo hướng phải đánh giá thật kỹ, phải đảm bảo yêu cầu không tạo ra khoảng trống pháp luật, không tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp và Nhân dân, địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu
Các đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội tăng cường chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền; văn bản quy phạm pháp luật phải quy định chi tiết các nội dung còn nợ và xử lý dứt điểm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; có giải pháp để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản và cần phải có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để khắc phục những bất cập, hạn chế và góp phần nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Đề cập đến tính gối đầu của chương trình cho năm tiếp theo, các đại biểu cũng chỉ rõ việc ít các dự án gối đầu cho năm tiếp theo và phải bổ sung và nhiều dự án vào chương trình một mặt thể hiện sự linh hoạt trong phản ứng chính sách, nhanh chóng điều chỉnh chương trình nhằm hoàn thiện thể chế để kịp thời đáp ứng được những đòi hỏi từ thay đổi của tình hình thực tiễn nhưng qua đây cũng cho thấy tính dự báo của chương trình chưa cao. Nhằm hạn chế tình trạng này, các đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn, lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời có giải pháp quyết liệt để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734 vào Chương trình của năm 2025, đặc biệt là cần khẩn trương rà soát để đề xuất bổ sung các dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào chương trình tại Kỳ họp thứ 10.
Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.