QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ (SỬA ĐỔI)
Quang cảnh phiên họp.
Tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 75 điều.
Việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về quản lý, sử dụng và nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, gồm: Vũ khí; vũ khí quân dụng; súng săn; vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao; vật liệu nổ; vật liệu nổ quân dụng; vật liệu nổ công nghiệp; vật liệu nổ công nghiệp mới; tiền chất thuốc nổ; công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kinh doanh, trong đó:
Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
Bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng, trường hợp các loại súng này sử dụng vào mục đích săn bắn thì được xác định là súng săn.
Bên cạnh đó, Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ; Sửa đổi, bổ sung quy định việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp; Sửa đổi, bổ sung các quy định về cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép đảm bảo cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Ngoài ra, Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
Làm rõ quy định dao có tính sát thương cao thuộc nhóm vũ khí thô sơ
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Cụ thể, về giải thích từ ngữ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định giải thích từ ngữ vũ khí theo hướng nghiên cứu kế thừa khái niệm của Luật hiện hành, đồng thời bổ sung một số nội dung mang tính khái quát, đặc trưng của từng loại vũ khí và kết hợp nhiều tiêu chí (đặc trưng, tính năng tác dụng, đối tượng trang bị và mục đích sử dụng) để phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật như Điều 2 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
Đồng thời, bổ sung, chỉnh lý khái niệm về vũ khí quân dụng như khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định vũ khí quân dụng gồm 03 loại: Các loại vũ khí được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành; Vũ khí khác không thuộc danh mục vũ khí quân dụng, nhưng có khả năng gây sát thương tương tự như súng quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 2 và linh kiện cơ bản để tạo nên các loại súng này; Các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và dao có tính sát thương cao được sử dụng với mục đích để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật.
Về quy định dao có tính sát thương cao thuộc nhóm vũ khí thô sơ làm căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao để gây án, Dự thảo Chính phủ trình đề nghị bổ sung dao có tính sát thương cao nhằm tăng cường công tác quản lý, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật sử dụng dao có tính sát thương cao. Để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung khoản 6 Điều 2 giải thích từ ngữ “dao có tính sát thương cao”.
Các hành vi liên quan đến dao có tính sát thương cao không có động cơ, mục đích theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 4 Điều 2 thì không bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự; chỉ trong trường hợp sử dụng với mục đích quy định tại khoản 2 hoặc khoản 4 Điều 2 thì mới xác định là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ. Để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát quy định của Bộ luật Hình sự có liên quan đến vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về hành vi phạm tội liên quan đến dao có tính sát thương cao khi Luật có hiệu lực thi hành.
Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, theo đó đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 17, Điều 49 của dự thảo Luật này theo hướng viện dẫn quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Đối với vũ khí thể thao, vật liệu nổ công nghiệp và kinh doanh công cụ hỗ trợ là những phương tiện và hoạt động chưa được điều chỉnh trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Về khai báo vũ khí thô sơ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tên Điều 31 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý thành “Khai báo vũ khí thô sơ để trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo”; đồng thời bổ sung quy định giới hạn việc khai báo đối với “vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2”./.