NGHIÊN CỨU BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU CÔNG CHỨNG ĐỐI VỚI HỒ SƠ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
Toàn cảnh phiên thảo luận
Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội thảo luật tại Kỳ họp thứ 7 đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; Hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng; Tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thảo luận tại Kỳ họp, các đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với việc sửa đổi toàn diện Luật này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng như thủ tục đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động về nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng hoặc về thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động…; nghiên cứu chỉnh lý các thủ tục hành chính làm gia tăng chi phí tuân thủ như các thủ tục liên quan đến tập sự hành nghề công chứng, thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng… nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là quy định về độ tuổi của công chứng viên. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 8 có quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên: “Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi, thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.”
Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu rõ, so với Luật hiện hành dự thảo Luật này đã bổ sung quy định công chứng viên không quá 70 tuổi tại khoản 1 Điều 8. Đại biểu phân tích, dịch vụ công chứng là dịch vụ do Nhà nước ủy nhiệm, đòi hỏi về năng lực, trí lực và yêu cầu cao về nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp hoạt động công chứng. Đồng thời quy định như vậy cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới cho nên tôi đồng ý với quy định này.
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi, thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và đảm bảo sức khỏe để hành nghề công chứng. Đại biểu cho rằng, nếu giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực trong xã hội, vì hiện nay chưa có bất cứ khảo sát, đánh giá liên quan đến việc công chứng viên trên 70 tuổi không đảm bảo điều kiện về sức khỏe và trí tuệ minh mẫn để hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực hơn thì công chứng viên cao tuổi sẽ có những ưu điểm, lợi thế về mặt kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng đã được tích lũy trong nhiều năm làm việc.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung ở khoản 1 Điều 8 dự thảo luật theo hướng không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên và chỉ quy định những điều kiện về bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng. Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 14 và khoản 1 Điều 15 dự thảo luật về độ tuổi bổ nhiệm lại công chứng viên để phù hợp với kiến nghị nêu trên tại khoản 1 Điều 8 dự thảo luật này.
Cũng liên quan đến nội dung độ tuổi hành nghề của công chứng viên Hồ Thị Kim Ngân - Bắc Kạn chỉ rõ, điểm a khoản 2 Điều 14 dự thảo quy định trường hợp công chứng viên bị miễn nhiệm khi đã quá 70 tuổi mà không đề nghị được miễn nhiệm hoặc không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 8 luật này. Quy định này chưa được đầy đủ, toàn diện, chặt chẽ, cũng như chưa thống nhất ngay trong dự thảo Luật. Vì tại khoản 5 Điều 78 dự thảo cũng quy định chuyển tiếp đối với trường hợp công chứng viên hành nghề khi đã ngoài 70 tuổi.
Cụ thể, công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa 2 năm. Kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, công chứng viên từ 68-70 tuổi tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng cho đến khi tròn 72 tuổi, khi hết thời hạn nêu trên, việc miễn nhiệm công chứng viên được thực hiện theo quy định tại Điều 14 luật này. Do đó, đề nghị bổ sung trường hợp ngoại lệ này vào khoản 2 Điều 14 dự thảo để quyết định rõ ràng, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tham gia ý kiến
Cho ý kiến về vấn đề miễn nhiệm công chứng viên đã quá 70 tuổi, đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Dự thảo Luật quy định công chứng viên đã quá 70 tuổi sẽ thuộc một trong các trường hợp bị miễn nhiệm. Quy định này theo Tờ trình của Chính phủ là nhằm mục đích nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số công chứng viên đang hành nghề trên 70 tuổi không nhiều, trong đó có những công chứng viên nhiều kinh nghiệm vẫn đủ sức khỏe hành nghề đã xây dựng được các thương hiệu công chứng lớn, có uy tín tại các địa bàn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, đối với những công chứng viên không đủ sức khỏe hành nghề hoặc không hành nghề liên tục từ 12 tháng trở lên thì đã thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định của luật. Bên cạnh đó, công chứng là một nghề tư pháp nên việc quy định các biện pháp nhằm quản lý chất lượng nghề nghiệp sẽ phù hợp hơn thay vì miễn nhiệm họ chỉ căn cứ vào độ tuổi.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm, trường hợp cần thiết phải quy định miễn nhiệm với công chứng viên đã quá 70 tuổi thì nên kéo dài thời gian chuyển tiếp hiện nay là 2 năm để công chứng viên này xử lý các công việc, bảo đảm quyền lợi của mình đối với thương hiệu cũng như tài sản, vốn góp của mình trong tổ chức hành nghề công chứng.