ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI KHẢO SÁT VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN, PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI HẢI PHÒNG

12/07/2024

Sáng 12/7, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023” do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn công tác số 1 dẫn đầu, đã khảo sát và làm việc với đại diện các Sở, ngành, hiệp hội bất động sản và một số doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn TP. Hải Phòng đang gặp vướng mắc ở dự án.

KHẢO SÁT VIỆC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI BÌNH DƯƠNG VÀ TP. HỒ CHÍ MINH

Cùng dự có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Kinh tế; đại diện Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng…

Tham dự, về phía TP. Hải Phòng có: Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Thọ; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Lã Thanh Tân; đại diện các sở, ngành, Liên đoàn Lao động thành phố, Ngân hàng Nhà nước tại thành phố Hải Phòng...

Đoàn giám sát làm việc với Hiệp hội bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản tại TP. Hải Phòng

Hải Phòng được đánh giá là thành phố có nhiều tiềm năng, lợi thế và tiềm lực phát triển bất động sản. Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, đô thị, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết nối các vùng kinh tế, liên kết các tỉnh lân cận, nguồn nhân lực đồi dào và chính sách thu hút đầu tư, thành phố đang trong quá trình thực hiện quy hoạch mở rộng không gian đô thị, có nhiều quỹ đất để phát triển công nghiệp, phát triển nhà ở. Dự báo nhu cầu về bất động sản công nghiệp và bất động sản thương mại, nhà ở của người lao động; nhà ở cho người thu nhập thấp trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng, năm 2022, trong kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn đã được UBND thành phố ban hành, thành phố sẽ có 171 vị trí, khu vực dự kiến phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị với tổng diện tích đất khoảng 6,675,38 ha.

Về nhà ở xã hội (NOXH), theo Đề án phát triển nhà ở xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2030 thì Hải Phòng có nhu cầu là 52.700 căn, chỉ tiêu giai đoạn 2022-2025 là 15.400 căn (NOXH cho người thu nhập thấp là 3.500 căn và NOXH cho công nhân là 11.900 căn); chỉ tiêu giai đoạn 2025 - 2030: 18.100 căn (NOXH cho người thu nhập thấp là 5.000 căn và NOXH cho công nhân là 13.100 căn). Năm 2023, Hải Phòng đã động thổ 6 dự án NOXH dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp. Như vậy, với những dự án đang triển khai thì HP cơ bản hoàn thành chỉ tiêu về NOXH đến năm 2025.

Đại diện hiệp hội bất động sản, một số doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố chủ yếu phát triển các dự án nhà ở thương mại phân khúc cao cấp hoặc NOXH, vẫn thiếu vắng các loại hình nhà ở thương mại trung cấp, có giá rẻ để đáp ứng đa số nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn. Do vậy, thành phố cần có chính sách ưu đãi hơn đối với doanh nghiệp thực hiện dự án phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của đại đa số người dân thành phố, góp phần đa dạng các loại hình bất động sản trên địa bàn.

Đoàn giám sát khảo sát tại Dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, quận Ngô Quyền

Đại diện hiệp hội bất động sản cũng cho biết, tuy thị trường bất động sản trên địa bàn TP. Hải Phòng đang ngày càng phát triển, nhưng các công ty, sàn giao dịch, văn phòng bất động sản và các nhà môi giới chưa thực sự chuyên nghiệp và chưa được quản lý chặt chẽ nên đã ảnh hưởng không tốt đến thị trường bất động sản của thành phố. Do vậy, đại diện hiệp hội bất động sản đề nghị Sở Xây dựng tiếp tục tổ chức chặt chẽ các kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới; rà soát, kiểm tra hoạt động thường xuyên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sàn, văn phòng giao dịch chưa đủ điều kiện hoạt động…

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Thành phố đề xuất giải pháp tháo gỡ “vướng” cho các dự án bất động sản có nguyên nhân do một số luật, văn bản hướng dẫn thi hành hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản chuyển tiếp. Một số ý kiến quan tâm đến việc chuyển nhượng dự án bất động sản, thay đổi cách tính giá trị đất; xử lý với một số dự án “treo” do người mua bất động sản không đồng tình đóng thêm tiền khi dự án được chuyển nhượng. Dù hệ thống thông tin cung cấp cho thị trường bất động sản đã được hoàn thiện, hoạt động tốt, nhưng do cách quản lý còn bất cập đã dẫn đến môi giới bất động sản gây nhiễu loạn thị trường.

Đoàn giám sát khảo sát Dự án Khu đô thị Hưng Ngân Riverside, quận Dương Kinh

Ghi nhận thành phố Hải Phòng đã có cách làm hay, bài học hữu ích trong triển khai các dự án NOXH trong thời gian qua, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, cần quan tâm đến thực hiện thu hồi đất; báo cáo bổ sung về việc dành nguồn đất cho NOXH trong các dự án nhà ở thương mại; tháo gỡ khó khăn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng ưu đãi cho xây dựng NOXH; tổng hợp, báo cáo các bộ, ngành liên quan để tháo “điểm vướng” do quy định đối tượng được mua NOXH chưa hợp lý.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao công tác chỉ đạo, quản lý, lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, cũng như các sở ngành, chính quyền địa phương. Thành phố đã quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các dự án bất động sản nói chung, cũng như dự án NOXH nói riêng triển khai thực hiện trong thời gian qua. 

Đoàn giám sát chụp ảnh với cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Thái - Holdinh là chủ đầu tư dự án Nhà ở xã hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại khảo sát Dự án Khu đô thị Hưng Ngân Riverside, quận Dương Kinh; Dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, quận Ngô Quyền, làm việc với hiệp hội bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn thành phố, lắng nghe những vấn đề từ thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc mà địa phương và doanh nghiệp đang gặp phải trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, NOXH.

Về những khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp phản ánh, trong buổi chiều nay khi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục trao đổi để có sự quan tâm, tháo gỡ. Đối với các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, Đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp chung cùng với phản ánh của các doanh nghiệp, địa phương khác và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là những khó khăn xuất phát từ thực tiễn khách quan.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác