CẦN THIẾT TÁCH RIÊNG VỤ ÁN CÓ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

16/08/2024

Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của UBTVQH là vấn đề tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội. Có 2 ý kiến khác nhau về nội dung này, tuy nhiên qua thảo luận, UBTVQH thống nhất cần tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết độc lập, đảm bảo những chính sách mới, nhân văn, quy trình tố tụng đối với người chưa thành niên được thể hiện trong dự thảo Luật này.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp chặt chẽ, làm việc liên tục với Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Còn có ý kiến nhác nhau về tách vụ án có NCTN phạm tội

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của UBTVQH, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đa số các thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất với 10 vấn đề lớn được nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên, vấn đề tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 136 của dự thảo Luật nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên UBTVQH và vẫn còn ý kiến khác nhau về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhằm thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo Luật bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho người chưa thành niên (NCTN) như: Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với NCTN không quá ½ thời hạn đối với người trưởng thành. Người tiến hành tố tụng phải đáp ứng điều kiện đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết án liên quan đến NCTN. Quy định cụ thể về việc giữ bí mật thông tin cá nhân của NCTN trong toàn bộ quá trình tố tụng và thi hành án. Quy định trình tự, thủ tục, thời hạn chuyên biệt và cụ thể để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN. Ngoài ra, còn nhiều chính sách chuyên biệt khác chỉ áp dụng với NCTN.

Đối với vấn đề tách vụ án có NCTN phạm tội được quy định tại Điều 136 của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến về nội dung này:

- Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành quy định phải tách vụ án đối với NCTN để giải quyết riêng; đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án. Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo Luật; đồng thời không tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo; không làm phát sinh các mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với NCTN để giải quyết. Phương án này tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định. Trên cơ sở từng vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đối chiếu với các quy định của Luật Tư pháp NCTN và Bộ luật Tố tụng hình sự để quyết định tách riêng vụ án với NCTN hoặc vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Góp ý về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận thấy, ngay từ giai đoạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tối cao đã trình 2 phương án về nội dung này. Theo khuyến nghị của UNICEF về các phiên tòa có bị cáo là người chưa thành niên thì nên bố trí trong một phòng xử án khác hoặc là vào một ngày giờ khác trong ngày, tách biệt với các phiên tòa có bị cáo là người lớn với mục tiêu là thủ tục tố tụng thân thiện với người chưa thành niên và bảo vệ quyền, lợi ích của người chưa thành niên.

Cùng với đó, trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp trình tại Phiên họp này cũng đã nêu, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định chuyên biệt, nhiều chính sách mới, nhân văn áp dụng đối với người chưa thành niên. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với việc tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết độc lập, đảm bảo tính khả thi theo các quy định dành riêng cho người chưa thành niên trong quy định của Luật và cũng đảm bảo thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng

Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Quang Dũng nhận thấy, việc ban hành Luật này nhằm tạo các điều kiện để việc tiến hành tố tụng đối với NCTN có sự khác biệt so với người thành niên. Do đó, việc tách vụ án ra để áp dụng một quy trình khác, quy trình thân thiện như dự thảo Luật quy định là cần thiết.

Làm rõ việc tách ra có ảnh hưởng gì không trong việc xử lý vụ án, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Quang Dũng cho rằng, trên thực tế việc tiến hành tố tụng hiện nay không ảnh hưởng và tách vụ án đối với NCTN có thể giải quyết nhanh hơn, quy trình thực hiện thân thiện hơn. “Bởi vì việc tách vụ án vẫn cùng một cơ quan điều tra tiến hành, một vụ án tách ra tiến hành riêng đối với nhóm bị can là người thành niên và nhóm bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Cho nên, việc điều tra vẫn có thể phối hợp được giữa 2 nhóm chủ thể, 2 nhóm bị can này, chỉ khác ở chỗ là có thể xem xét, xử lý đối với nhóm bị can, bị cáo là người chưa thành niên sớm hơn do thời hạn về tố tụng quy định ngắn hơn, thời hạn tạm giam ngắn hơn. Như vậy có thể giải quyết được nhanh hơn và quy trình thực hiện thân thiện hơn, đảm bảo được các yêu cầu mà mục tiêu của Luật này ban hành”, Phó Viện trưởng VKSNDTC phân tích.

Ngoài ra, khi tách vụ án thực tế hiện nay thì hồ sơ vẫn phải tách, phải sao chụp, sao y bản chính và cùng đội ngũ, cơ quan điều tra đó, về nguyên tắc vẫn phải đảm bảo các yếu tố về bảo mật, kể cả về chứng cứ và những vấn đề khác, trong đó có bí mật của NCTN hay những đối tượng khác trong vụ án cũng có những quy định bảo vệ thông tin. Phó Viện trưởng VKSNDTC cho biết, việc này thuộc về quy trình và những người tham gia tố tụng phải có trách nhiệm thực hiện. Do đó, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Quang Dũng cho rằng, việc tách vụ án hình sự không có trở ngại và đồng ý với loại ý kiến thứ nhất của dự thảo Luật.

Cần quy định các nguyên tắc cụ thể trong việc tách vụ án có NCTN phạm tội

Đồng tình với việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, không nên quy định cứng như loại ý kiến thứ nhất, và tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng cần cân nhắc quyết định trên cơ sở đánh giá đối chiếu quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Bộ luật Tố tụng hình sự để quyết định việc tách riêng vụ án hoặc giải quyết chung trong vụ án có cả người đã thành niên.

“Tôi thấy vấn đề tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội cần căn cứ không chỉ dựa trên những nguyên tắc xử lý đối với NCTN được quy định tại Luật Tư pháp NCTN mà phải đặt trong tổng thể những nguyên tắc, những điều kiện để tách vụ án đã được pháp luật tố tụng hình sự quy định. Cách cách tiếp cận vấn đề của Ủy ban Pháp luật là như vậy”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm được việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

“Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật, việc tách vụ án chỉ được xác định đơn thuần dựa vào đối tượng phạm tội là NCTN, có nghĩa cứ có NCTN phạm tội trong vụ án đó là phải tách, theo loại ý kiến thứ nhất, quy định như vậy không gắn với các nguyên tắc và điều kiện, tức là không dựa trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ, số lượng phạm tội, mối quan hệ giữa các hành vi phạm tội. Và nếu theo phương án này thì trong một số trường hợp có thể gây bất lợi cho NCTN phạm tội”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.

Nhận thấy, quy định tại khoản 2 Điều 136 liên quan đến tài liệu, chứng cứ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần quy định nội dung này cụ thể hơn theo hướng cho phép sao chụp. “Nếu chúng ta tách thì phải sao chụp hồ sơ, vấn đề bảo vệ quyền bí mật, quyền riêng tư của người chưa thành niên ở đây đảm bảo như thế nào là vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu. Cho nên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc theo loại ý kiến thứ hai”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành loại ý kiến thứ hai và cho rằng, trường hợp xét thấy có thể tách riêng vụ án hình sự đối với NCTN thì người chưa thành niên được áp dụng toàn bộ các chính sách chuyên biệt mà dự thảo quy định (ví dụ như rút gọn thời gian điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, người tiến hành tố tụng phải đáp ứng các điều kiện...). Còn trường hợp xét thấy không thể tách vụ án hình sự có NCTN thì vẫn phải áp dụng quy định chung về quy trình tố tụng, về thời hạn xem xét, xét xử..., nhưng NCTN vẫn có thể được hưởng một số chính sách chuyên biệt phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo sự thân thiện. Vấn đề này phải có sự lựa chọn để quy định và cũng để tránh tùy nghi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần quy định một số nguyên tắc cụ thể trong việc tách vụ án có NCTN phạm tội.

UBTVQH thống nhất tách vụ án có NCTN phạm tội

Giải trình làm rõ hơn về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc tách riêng vụ án có NCTN phạm tội là cần thiết. Vì thứ nhất, việc này được thực hiện bởi các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán được đào tạo, có tâm, hiểu biết tâm lý NCTN, đào tạo về thanh thiếu niên, về tư pháp người chưa thành niên. Thứ hai là bảo đảm bí mật.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

“Nếu để vào trong vụ án chung, vụ án phải công khai bản án, vụ án phải xét xử công khai, không được xét xử kín, như vậy đây là một điều mặc cảm và con đường hoàn lương, quãng đời còn lại rất dài của NCTN luôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ phạm tội. Đó là lý do tại sao yêu cầu phải giữ bí mật”, Chánh án TANDTC nêu rõ.

Thứ ba, thời hạn của các vụ án. Trong luật hiện hành cũng như trong dự án Luật này, hiện chia thành 2 độ tuổi, một là 14-16 tuổi, hai là 16-18 tuổi và 2 độ tuổi đó có 2 chính sách khác nhau. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu không tách án thì không có quy trình điều tra cho cá nhân mà phải có thời hạn điều tra cho vụ án, và căn cứ vào vụ nghiêm trọng nhất của vụ án, thời hạn điều tra đối với các vụ án thông thường rất khắc nghiệt. Do đó, NCTN cần được giải quyết ngay, được hưởng chính sách ở độ tuổi phù hợp, không tách án thì tất cả các nguyên tắc tiến bộ ở đây đều không áp dụng được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Tư pháp, TANDTC và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tư pháp NCTN. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng, trọng tâm là Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Về cơ bản, các cơ quan đều thống nhất ý kiến đối với 10 vấn đề lớn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Riêng đối với vấn đề tách vụ án có NCTN phạm tội (Điều 136 của dự thảo Luật), Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH trước đây đã thống nhất nên tách vụ án và đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cũng nhất trí như vậy. “Nếu không tách vụ án thì không thể thực hiện được các chính sách mới, cũng như không thể rút ngắn thời hạn và không thân thiện”. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, về cơ bản UBTVQH thống nhất tách vụ án có NCTN phạm tội để đảm bảo các chính sách mới, nhân văn, quy trình tố tụng thân thiện đối với NCTN được thể hiện trong dự thảo Luật cũng như thống nhất ý kiến của các cơ quan tố tụng (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát)./.

Bích Ngọc