Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp làm việc với Chính phủ, Viện KSNDTC và các bộ, ngành, Trung ương tại Hà Nội

23/08/2024

Thực hiện Kế hoạch giám sát số 3233/KH-UBTP15 ngày 28/02/2024 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam", sáng 23/8, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp đã có buổi làm việc với Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số bộ, ngành trung ương để xem xét báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam. Đồng chí Lê Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI CAO BẰNG

Quang cảnh buổi làm việc

Đồng chủ trì buổi làm việc có đồng chí Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn thường trực; Đồng chí Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, thành viên Đoàn giám sát. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Thường trực Ủy ban Tư pháp, thành viên Ủy ban Tư pháp là thành viên Đoàn giám sát; đại diện cơ quan chịu sự giám sát: Đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Phục - Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an), đồng chí Nguyễn Quang Dũng - Phó Viện trường Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo cấp cục, vụ của Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao báo cáo tại cuộc làm việc

Hoạt động giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam" được Ủy ban Tư pháp triển khai với mục đích đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam. Trong tháng 04/2024, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức 03 Đoàn công tác trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị được giám sát tại các địa phương, gồm: Trại tạm giam T16 (Bộ Công an), Trại tạm giam T17 (Bộ Công an), Trại tạm giam Quân khu 7, Trại tạm giam Quân khu 4, Trại tạm giam T771 và Trại tạm giam Quân đoàn 3 (Bộ Quốc phòng); Trại tạm giam Công an cấp tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện thuộc thành phố Hải phòng và các tỉnh: Hải Dương, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum.

Tại cuộc họp sáng ngày 23/8, đại diện lãnh đạo Bộ Công an (thừa ủy quyền của Chính phủ), lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày báo cáo của hai cơ quan về việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; Tiểu ban IV (Ủy ban Tư pháp) nêu một số ý kiến bước đầu đánh giá về báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát. Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Đoàn giám sát đã phát biểu ý kiến, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, chấp hành pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của các cơ quản lý, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an và Quân đội; trong công tác kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát các cấp.

Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát cũng nhất trí với nhiều đánh giá về tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời, làm rõ thêm các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, công tác kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, nhất là các khó khăn về biên chế, trình độ của lực lượng thi hành tạm giữ, tạm giam, bảo đảm thực hiện chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam (chế độ ăn, chăm sóc y tế), chế độ quản lý giam giữ người bị kết án tử hình, khó khăn về cơ sở vật chất tại các cơ sở giam giữ…; việc bảo đảm thực hiện hoạt động kiểm sát theo Quy chế công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam; quan hệ phối hợp trong thống kê số liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan chịu sự giám sát tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, hoàn thiện báo cáo, đồng thời, chỉ đạo xây dựng dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát để chuẩn bị tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp xem xét, thảo luận về báo cáo này trong thời gian tới theo quy định./.

Các bài viết khác