Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)
Đề xuất phân định rõ các loại hóa chất nguy hiểm, độc hại
Toàn cảnh Phiên thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)
Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Hóa chất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, sản phẩm hóa chất sản xuất trong nước đã đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, một số lĩnh vực của ngành đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện từ trung ương đến địa phương. Công tác an toàn hóa chất được nâng cao vai trò và chất lượng, góp phần giảm thiểu những rủi ro và tác động tiêu cực của hóa chất đến con người, môi trường, tài sản, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 16 năm thi hành Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản suất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Hóa chất năm 2007.
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết: Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Thời gian gửi hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, bổ sung thông tin; báo cáo kỹ hơn vấn đề về giới, tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Không Nghị định hóa luật, không Thông tư hóa luật
Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc sửa đổi Luật Hóa chất (sửa đổi); đồng thời tập trung vào một số nội dung: Sự đồng bộ của Luật Hóa chất với các luật khác; nêu rõ các hành vi bị cấm đối với hóa chất; quản lý hóa chất độc hại và nguy hiểm.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao Báo cáo của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và cho rằng, các Báo cáo đã bám sát với tình hình thực tế để sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục rà soát các quy định của dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) để phù hợp và thống nhất với Luật Dược, Luật Bảo vệ môi trường.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Đối với các hành vi bị cấm trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần quy định rõ không chỉ có công bố các hành vi bị cấm mà còn phải kịp thời công bố thông tin từng hóa chất, hàng hóa bị cấm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Chủ trương chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là đơn giản hóa hệ thống pháp luật. Những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì ban hành, không Nghị định hóa luật, không Thông tư hóa luật. Chức năng, nhiệm vụ nào của các Bộ ngành thì Chính phủ quy định không phải do luật quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ hơn về Phát triển bền vững ngành Công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại nằm trong 4 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội.
Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc làm luật phải có sự đổi mới, ngắn gọn, dễ hiểu dễ nhớ. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội sẽ ban hành. Những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ có Nghị định, Thông tư ban hành.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Quan điểm về việc đóng góp vào dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) là Ban soạn thảo phải tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương, xây dựng và triển khai việc cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng tới nguồn nước; tiếp tục chủ động, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên môi trường…
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đóng góp ý kiến vào việc quản lý việc kinh doanh, vận chuyển hóa chất; định hướng quy hoạch khu công nghiệp hóa chất phải có sự thống nhất với quy hoạch Quốc gia...
6 nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý
Phát biểu kết luận nội dung Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT. Tuy nhiên, đây là một luật chuyên ngành với nhiều nội dung chuyên môn sâu nên để đảm bảo chất lượng dự án luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực pháp luật về một số định hướng mới trong xây dựng pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp hóa chất đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm, thủy sản. Nghiên cứu để thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước và Kết luận số 81 về việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Lãnh đạo Quốc hội tham dự Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thứ hai, thực hiện nghiêm quy định 178 để kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, tách bạch giữa các vấn đề, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan.
Ba là, rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh để đáp ứng yêu mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật, đảm bảo không chồng chéo với các luật khác, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong hoạt động hóa chất. Tiếp tục rà soát để đảm bảo phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế và các công ước về hóa chất. Bổ sung đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo ý kiến của cơ quan thẩm tra và rà soát các khái niệm từ ngữ chuyên môn để giải thích đầy đủ, đảm bảo rõ nghĩa, dễ hiểu và tránh trùng lắp và không được đưa khái niệm không cần thiết.
Bốn là, về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện để cụ thể hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, có chính sách đầu tư thích đáng, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp tốt nhất, làm rõ chính sách nào nhà nước ưu đãi, chính sách nào nhà nước đầu tư, các chính sách cần thiết thực, cụ thể hóa đầy đủ vào các điều khoản trong dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi, tránh chung chung, khó triển khai trong thực tiễn.
Năm là, rà soát, làm rõ, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung các ý kiến của các cơ quan thẩm tra về Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất; trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, ưu đãi đầu tư với các lĩnh vực công nghiệp hóa chất; rà soát và quản lý hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hóa chất; tăng chế tài xử lý các vi phạm trong quản lý hóa chất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận
Sáu là, rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của dự án Luật hóa chất (sửa đổi) với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn; rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành đảm bảo khả thi, không xảy ra vướng mắc khi áp dụng, chỉ đưa vào luật nội dung cần thiết, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng luật và không đi vào vấn đề chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành đã quy định và kết luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật; làm rõ các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị; tiếp thu đầy đủ các giải trình, các ý kiến tham gia đóng góp. Ủy ban KHCN&MT thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Tổng thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp và thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu quan điểm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đưa ra một số ý kiến đóng góp vào dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)./.